Trong toán hình học, hình tam giác có đặc điểm là vô cùng vững chắc, mà sự ổn định thế cục thời kỳ Tam Quốc cũng được duy trì bởi sự kiềm chế lẫn nhau của 3 quốc gia là Thục Hán, Tào Ngụy và Đông Ngô.
Thục Hán đưa quân Bắc phạt Tào Ngụy, Tào Ngụy dẫn quân đánh Đông Ngô, Đông Ngô lại nhìn chằm chằm Thục Hán như hổ rình mồi, nhờ thế giúp cho thiên hạ duy trì thế cân bằng được mấy chục năm.
Trong ba nước thời Tam Quốc, nếu so với Thục Hán và Tào Ngụy thì những miêu tả về Đông Ngô lại khá ít. Đông Ngô được kế thừa qua ba đời, do Tôn Kiên thành lập và xây dựng nên, Tôn Sách phát triển, đến khi Tôn Quyền trị vì thì đưa Đông Ngô phát triển đến đỉnh cao, trong quá trình đó cũng đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử.
Trước khi Tôn Sách qua đời, đã dặn dò Tôn Quyền rằng "nếu việc trong nước không quyết được hãy hỏi Trương Chiêu, việc bên ngoài không chắc hãy hỏi Chu Du", song trong nhận xét từ người đời sau, Trương Chiêu trong lời dặn dò của Tôn Sách lại khó mà xứng đáng với lời dặn ấy.
Khi Tào Tháo thống lĩnh quân đội xuống phía Nam, thực lực của Đông Ngô bấy giờ còn rất yếu, khó có thể chống lại trăm vạn thiết mã của Tào Tháo, vì thế Trương Chiêu liền dẫn đầu các quan văn của Giang Đông khuyên Tôn Quyền đầu hàng Tào Tháo để giữ lấy cơ nghiệp Giang Đông, tránh cho Giang Đông rơi vào cảnh khói lửa chiến tranh.
Nhưng nhiều võ tướng của Giang Đông đã theo Tôn gia từ thời Tôn Kiên lại kiên quyết thà chết cũng không đầu hàng, cho nên, hai phe văn võ trong triều đình Giang Đông phát sinh mâu thuẫn tranh chấp với nhau, phía quan văn dẫn đầu là Trương Chiêu thì chủ hàng, còn quan võ đứng đầu là Chu Du thì quyết chủ chiến.
Cuối cùng, Tôn Quyền quyết định bắt tay hợp tác với Lưu Bị để cùng chống lại Tào Tháo, đánh bại Tào Tháo trong trận Xích Bích, lập nên trận chiến kỳ tích lấy ít địch nhiều giành chiến thắng hiếm có trong lịch sử.
Ở đây cần phải giải thích lý do mà Trương Chiêu muốn hàng Tào chứ quyết không muốn đánh.
Đối với thần tử, bề tôi, nếu Tôn Quyền chọn đầu hàng không đánh thì Trương Chiêu chỉ coi như là đổi chủ, đổi người phò tá mà thôi, với tài năng xử lý việc trong triều của Trương Chiêu, sau này đầu hàng Tào Tháo vẫn có thể giữ một chức quan trong triều, còn nếu như Đông Ngô quyết chiến không hàng hơn nữa nếu thất bại dưới tay Tào Tháo, thì tính mạng của bản thân e rằng cũng sẽ khó bảo toàn được trong chiến tranh.
Nhưng may mắn là Đông Ngô đại thắng trận Xích Bích, Tôn Quyền về sau cũng không trách tội Trương Chiêu lúc trước dâng kế đầu hàng trước trận chiến.
Sau này, vào một buổi tối trước khi trận Di Lăng diễn ra, đối mặt với quân Thục khí thế bừng bừng, cùng với lòng quyết tâm báo thù của Lưu Bị, Trương Chiêu lại khuyên Tôn Quyền nên đầu hàng cầu hòa, còn hi vọng Tôn Quyền chấp nhận trả Kinh Châu lại cho Lưu Bị để duy trì hòa bình yên ổn cho Giang Đông.
Nhưng lần ấy Tôn Quyền không làm theo ý kiến của Trương Chiêu, mà phong cho Lục Tốn là Đại đô đốc, dẫn binh chống lại quân Thục, về sau, Lục Tốn hỏa thiêu liên trại, đánh cho Thục quân tháo chạy tan tác, không chỉ thành công bảo vệ được Giang Đô mà còn đánh tan nhuệ khí của Thục quân.
Có thể nói rằng, trong mỗi thời khắc quan trọng mang tính quyết định với Đông Ngô, Trương Chiêu đều đưa ra những kế sách sai lầm. Nếu không phải vì Tôn Quyền không phải là người tầm thường, tự có ý kiến riêng của bản thân, không làm theo lời của Trương Chiêu, chứ nếu khi ấy Tôn Quyền làm theo kế sách của Trương Chiêu, có lẽ Đông Ngô đã sớm bị diệt rồi.