Từ Hi thái hậu hay còn gọi là Tây Thái hậu, Hiếu Khâm Hiển hoàng hậu (1833 – 1908) xuất thân từ Diệp Hách Na Lạp thị thuộc Mãn Châu Tương Hoàng kỳ, con cháu nhà quan gia thế tập.
Năm 1852, Từ Hi mới 17 tuổi nhưng vì là hậu nhân của Diệp Hách Na Lạp thị nên được tuyển chọn nhập cung trở thành tú nữ. Sau khi vượt qua 60 cô gái cùng tham gia thi tuyển tú nữ, Na Lạp thị được vào vòng cuối cùng dự tuyển tần phi.
Bà được chỉ định làm Quý nhân và được gọi là Lan Quý nhân. Năm Hàm Phong thứ 4 (1854), Na Lạp thị được tấn phong lên cấp Tần, phong hiệu Ý tần. Mệnh của Từ Hi tốt, vào năm 1856, bà sinh hạ được một bé trai, mẹ quý nhờ con, Từ Hi được xem là có công với giang sơn xã tắc, nhờ đó bà được thăng lên làm Ý Phi.
Một năm sau (1857), Ý phi Na Lạp thị lại được tấn phong làm Quý phi (địa vị chỉ đứng sau hoàng hậu).
Năm Hàm Phong thứ 11 (1861), Hàm Phong Đế băng hà. Người kế vị ông là con trai của Từ Hi, hoàng tử Tải Thuần, lúc này chỉ mới 5 tuổi.
Tân đế còn quá nhỏ nên trước khi chết hoàng đế Hàm Phong để lại di chiếu cho tám vị đại thần làm phụ chính hỗ trợ cho con trai mình. Đồng thời, hoàng đế cũng ban cho Từ An thái hậu và Từ Hi thái hậu con dấu Ngự thưởng.
Thế nhưng, Từ Hi không như những người phụ nữ khác an phận mà bà đã tìm cách thâu tóm quyền lực về tay mình. Kể từ đó, Từ Hi đóng vai trò nhiếp chính trong các triều đại của hai người con Đồng Trị Đế, Quang Tự Đế và người cháu Tuyên Thống Đế. Bà được coi là người nắm thực quyền của triều đình nhà Thanh trong 47 năm, cho đến khi qua đời.
Theo trang Sohu, trong một lần sửa sang lại Cố cung, các nhà khảo cổ đã tình cờ tìm thấy một bức mật thư bí ẩn của Từ Hi thái hậu. Điểm bất ngờ là bức thư này đã khiến họ rất kinh ngạc khi phát hiện ra sự thật mà vị thái hậu này luôn muốn giấu diếm. Đó là gì?
Hóa ra, nội dung bức mật thư đó có liên quan tới vụ án của 8 vị đại thần mà Hàm Phong Đế đã để lại di chiếu yêu cầu hỗ trợ cho Đồng Trị. 8 vị đại thần năm đó được hoàng đế nhờ cậy bao gồm Di Thân vương Tải Viên, Trịnh Thân vương Đoan Hoa, Hộ bộ Thượng thư Túc Thuận, Ngạch phụ Cảnh Thọ, Binh bộ Thượng thư Mục Ấm, Lại bộ Tả Thị lang Khuông Nguyên, Lễ bộ Hữu thị lang Đỗ Hàn, Thái bộc Thiếu Khanh tự Tiêu Hữu Doanh. Đương thời họ được gọi là Cố mệnh Bát đại thần.
Từ Hi thái hậu cho rằng hai người đều là phụ nữ, hoàng đế thì còn nhỏ tuổi, nếu để tám vị đại thần phụ chính ắt không tránh khỏi việc bị chèn ép. Vì vậy, bà gợi ý với Từ An thái hậu nên cùng nhau chấp chính, đoạt lấy quyền lực. Với việc này, trong tương lai cả hai vị thái hậu đều có thể tham gia chính sự, chứ không phải chịu sự chèn ép của phe Cố mệnh Bát đại thần.
Vào thời điểm đó, quả thực, 8 vị đại thần đó đã liên minh với nhau và có quyền thế vô cùng lớn trong triều đình. Quan hệ giữa 2 vị thái hậu và nhóm của Tải Viên cùng Túc Thuận ngày một xấu đi. Trước tình hình đó, Từ Hi đã liên hợp với những vị đại thần bị tám vị đại thần cố mệnh bài xích để kiếm đồng minh. Trong số những người này, Cung Thân Vương là người có quyền thế lớn nhất. Từ Hi đã mượn sức mạnh của họ đàn áp, cách chức và xử tử 8 vị đại thần này.
Bức mật thư mà Từ Hi thái hậu gửi cho những người này không ngờ lại tình cờ bộc lộ trình độ văn hóa của bà. Theo ghi chép trong "Thanh sử cảo": "Khi bà mười sáu tuổi đã đọc thuộc quyển Ngũ kinh, giỏi tiếng Mãn và đã xem hết hai mươi tư quyển sử." Theo những lời miêu tả này, Từ Hi thái hậu là người có kiến thức uyên thâm. Thế nhưng, trong bức mật thư của bà, các chuyên gia đã tìm thấy 12 chữ viết bị sai chính tả trong 237 chữ do bà viết ra.
Ngoài ra, họ cũng tìm thấy một quyển Bát nhã ba la mật đa tâm kinh do Từ Hi thái hậu sao chép. Chữ viết của Từ Hi khá cẩu thả, không hề trau chuốt. Từ những thứ này, các nhà khảo cổ đã cho rằng trình độ văn hóa của Từ Hi thái hậu không thực sự tài giỏi như trong một số cuốn sử sách ca ngợi. Rất có thể, bà vì muốn giấu nhẹm sự thật xấu hổ này nên đã ra lệnh cho các sử gia miêu tả về bản thân như vậy.