Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa tổ chức xin ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Trong đó, tại Khoản 3 Điều 141 dự thảo luật quy định: "Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử, thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa".
Dù quy định trên mới được dự thảo, nhưng thực tế, có không ít phiên xét xử, chủ tọa phiên tòa đã không cho phép phóng viên, nhà báo ghi âm, chụp ảnh trong quá trình diễn ra phiên tòa, dù đó là các phiên tòa xét xử công khai và Luật Báo chí cũng quy định rất rõ quyền của báo chí.
Báo Dân Việt xin điểm lại một số vụ việc cụ thể:
Năm 2020, Báo Lao Động đưa tin, TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa phúc thẩm vụ án lao động về việc "Kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại" giữa nguyên đơn là ông Đoàn Thành Tùng, nguyên Trưởng Văn phòng đại diện của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam (Prudential) và bị đơn là Prudential Việt Nam.
Trước khi phiên tòa diễn ra, phiên Báo Lao Động và một số cơ quan báo chí khác đã tới bàn thư ký phiên tòa xuất trình giấy tờ để đăng ký tác nghiệp. Nhận các loại giấy tờ xuất trình hợp pháp của phóng viên, thư ký phiên tòa đã vào báo cáo với chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán TAND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Huờn.
Tuy nhiên, theo phản ánh của Báo Lao Động, ít phút sau, nữ thư ký phiên tòa ra trả lại giấy tờ và thông tin, chủ tọa phiên tòa cho phép báo chí được đăng tin bài nhưng không được quay phim, chụp ảnh và ghi âm trong phòng xử án. Đồng thời, nữ thư ký kể trên cũng ra hiệu cho lực lượng công an bảo vệ thực hiện theo chỉ đạo của thẩm phán, chủ tọa phiên tòa.
Khi phiên tòa diễn ra, phóng viên tiếp tục chụp hình nhưng vị thẩm phán kể trên tiếp tục cản trở và cho rằng muốn tác nghiệp phải có sự đồng ý của HĐXX.
Tương tự, Truyền hình Quốc Hội đưa tin, sáng 14/4/2023, Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử công khai vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất" tại xã Dương Liễu.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đồng ý cho các phóng viên được tham dự, ghi chép, đưa tin theo đúng quy định của pháp luật nhưng không đồng ý cho ghi âm, ghi hình với lý do bảo vệ quyền nhân thân, quyền hình ảnh của những người tham dự phiên tòa. Theo Truyền hình Quốc Hội, lý do chủ tọa đưa ra nhưng không trưng cầu ý kiến của các đương sự, những người tham gia tố tụng khác, mặc dù phóng viên có đề nghị.
Ngày 19/3/2024, Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án thao túng trái phiếu xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Mặc dù tòa đã bố trí phòng riêng để theo dõi diễn biến qua màn hình tivi nhưng nhà báo bị cấm mang theo máy ghi âm, điện thoại, laptop. Tất cả phóng viên chỉ được dùng giấy bút ghi chép.
Gần đây nhất, ngày 20/3/2024, phóng viên Báo điện tử Dân Việt tham dự phiên tòa phúc thẩm vụ án hành chính khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai tại Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
Đây là phiên tòa xét xử công khai. Phóng viên đã trình đầy đủ thẻ nhà báo, giấy giới thiệu gửi tới thư ký phiên tòa. Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa đồng ý cho phóng viên tham dự phiên tòa nhưng không cho phép ghi âm, ghi hình. Phóng viên chỉ được sử dụng giấy bút để ghi chép lại diễn biến phiên tòa.
Năm 2016, một tờ báo có trụ sở tại Hà Nội nhận đơn khiếu nại của một người vừa thi hành xong án tù. Anh ta cho rằng bài tường thuật phiên tòa xét xử mình 7 năm trước không đúng những gì Hội đồng xét xử tuyên nên "vừa ra trại" đã lập tức viết đơn.
Lãnh đạo tòa soạn sau đó yêu cầu kiểm tra, rất may các phóng viên có ghi âm quá trình tuyên án. Câu chuyện ngã ngũ, bài báo được xác định là chính xác và người khiếu nại cũng tâm phục khẩu phục khi rút đơn.
Các cơ quan báo chí có thể sẽ không dễ dàng chứng minh tính trung thực về thông tin tại tòa của mình nếu quy định mới trong Dự thảo Luật Tổ chức tòa án được thông qua.
Quy định mới có nội dung việc ghi âm, ghi hình tại các phiên tòa công khai chỉ được tiến hành trong phần thủ tục và tuyên án với "sự đồng ý của chủ tọa". Quy định này được giải thích để đảm bảo sự trang nghiêm, trật tự tại các phiên tòa công khai; tránh ống kính gây áp lực với người tiến hành tố tụng.
Tuy nhiên, Dự thảo luật không có thêm giải thích hoặc quy định nào về điều kiện để nhà báo được ghi âm hoặc ghi hình tại tòa nên việc này hoàn toàn phụ thuộc ý chí chủ quan của chủ tọa.
Nhà báo Vũ Liễu (Báo điện tử VTC) cho hay, với kinh nghiệm nhiều năm theo dõi lĩnh vực tòa án, bà nhận thấy tại một số phiên tòa, nhất là những vụ án thu hút sự chú ý của dư luận, số lượng phóng viên tác nghiệp rất lớn nhưng một số thường xuyên đi lại lộn xộn, buộc chủ tọa phải yêu cầu giữ trật tự.
Do đó, bản thân các nhà báo cũng cần nâng cao ý thức của mình trong việc giữ gìn sự trang nghiêm chốn pháp đình. Ngược lại, việc cấm, cản nhà báo ghi âm, ghi hình, bắt cầm giấy bút chép tay rồi mới ra ngoài lấy laptop viết tin là không thực tế, nhất là với những phiên tòa kéo dài hàng tháng trời với hàng trăm người tham gia.
"Không ai viết tay kịp khi kiểm sát viên đọc bản luận tội dài hàng chục trang hay chủ tọa công bố hình phạt, tuyên các vấn đề dân sự vốn phức tạp, nhiều số liệu. Một số nước trên thế giới bắt đầu dùng AI để viết tin và thậm chí có "MC ảo", nên đừng bắt nhà báo của chúng ta phải quay trở về với giấy bút", nhà báo Vũ Liễu nêu quan điểm.
Luật sư Nguyễn Thị Thúy (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận xét, việc đưa tin xét xử là cần thiết nhưng nếu quá đông phóng viên di chuyển, quay chụp sẽ ảnh hưởng đến tính trang nghiêm của tòa án.
Luật sư Thúy do vậy góp ý, nên quy định truyền dẫn trực tiếp để phóng viên theo dõi qua màn hình, như trụ sở TAND TP.Hà Nội có "Phòng báo chí" tại tầng một, để các phóng viên theo dõi, đưa tin một số đại án được xử tại tầng 3.
Với những tòa án không có điều kiện, nên có quy định cho nhà báo được "quay phim, chụp ảnh" trong thời gian đầu giờ hoặc những lúc như viện kiểm sát bắt đầu luận tội, luật sư đứng dậy trình bày luận cứ, chủ tọa bắt đầu công bố bản án... Còn lúc xét hỏi hoặc tranh luận bình thường, phóng viên nên hạn chế đi lại để tránh gây lộn xộn.
Riêng với việc cấm ghi âm phiên tòa công khai, luật sư Thúy cho hay không cần thiết bởi: "Bật một máy ghi âm nhỏ chắc chắn không gây mất trật tự, không làm ảnh hưởng tới ai và lại giúp nhà báo đưa tin đúng sự thực. Tôi tin chắc tòa án hay bất kỳ ai đều mong muốn bài báo mình đọc được có tính trung thực, đầy đủ và khách quan".
Ghi âm không chỉ đảm bảo tính xác thực của bài báo mà còn giúp cho cơ quan báo chí, người liên quan, nhân vật trong bài dễ dàng giải quyết các tranh chấp nếu có. Nó cũng giúp bạn đọc xây dựng niềm tin với các tòa soạn và thậm chí còn là chứng cứ trong trường hợp các bên phải "tố cáo hoặc đưa nhau ra tòa".
Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Thị Thúy dẫn Hiến pháp năm 2013, thể hiện nguyên tắc "tòa án xét xử công khai". Nguyên tắc này còn được ghi nhận tại các bộ luật về tố tụng hình sự, dân sự và luật tố tụng hành chính; chỉ những trường hợp về an ninh, thuần phong mỹ tục, bí mật kinh doanh… tòa mới xét xử kín.
Việc nhà báo ghi âm lời nói trong phiên tòa hoàn toàn phù hợp nguyên tắc xét xử công khai, theo luật sư Thúy. Bà cho rằng: "Người được triệu tập đến tòa đều có nghĩa vụ khai báo trung thực những gì mình biết hoặc chứng kiến. Những người tiến hành tố tụng hay luật sư, làm gì, nói gì cũng tuân thủ pháp luật nên không có lý do gì để cấm ghi âm".
(Còn nữa)