Dân Việt

Triển lãm Liên minh nghệ thuật châu Á lần thứ 14 có gì đặc biệt?

Đào Thu Trang 07/04/2024 15:40 GMT+7
Triển lãm nghệ thuật quốc tế mang tên "Những làn sóng nghệ thuật - Art Vogue D’ Nation" diễn ra tại Palm Artspace (Hà Nội) với loạt tác phẩm hội họa và điêu khắc của các nghệ sĩ đến từ Việt Nam, Singapore, Malaysia...

Triển lãm Art Vogue D' Nation Việt Nam 2024 nằm trong khuôn khổ giao lưu nghệ thuật quốc tế của Liên minh nghệ thuật châu Á lần thứ 14 và lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam. Triển lãm là nền tảng nhằm thúc đẩy trao đổi giao lưu nghệ thuật quốc tế, tăng cường sự gắn kết xã hội và quan hệ giữa các cá nhân nghệ sĩ. 

Kể từ khi ra mắt vào năm 2005 tại Singapore, 13 triển lãm trong nước và quốc tế quy mô lớn đã được tổ chức thành công và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp tại mỗi quốc gia.

Phát biểu trong lễ khai mạc Triển lãm, ông Tan Kay Nguan - Người sáng lập, Chủ Tịch Liên Minh Nghệ Thuật Châu Á chia sẻ: “Mục tiêu của Liên Minh Nghệ thuật Châu Á là duy trì việc tích hợp nghệ thuật vào cuộc sống - nơi mà hội họa đi kèm với mọi cảm xúc, từ nỗi buồn đến niềm vui, và giúp con người tiến lên và đạt được những đột phá…

Từ năm 2005, Triển lãm giao lưu Quốc tế của Liên minh nghệ thuật châu Á đã đi qua nhiều quốc gia trên thế giới. Những cuộc giao lưu quốc tế đã kết nối nghệ thuật và văn hóa lại với nhau, tạo ra nhiều mối quan hệ bạn bè mới, mang nhiều sức sống trong các tác phẩm nghệ thuật. Trong tháng 4/2024, triển lãm được tổ chức tại Việt Nam - đất nước tuyệt vời, giản dị và ấm áp, đầy tình người cùng thiên nhiên quyến rũ. Văn hóa và di sản phong phú, đa chiều khiến cho chúng ta có cách nhìn đầy đủ và đánh giá cao về lịch sử, về sự kết hợp hoàn hảo giữa truyền thống và hiện đại trong thế giới văn hóa và nghệ thuật độc đáo của Việt Nam".

Triển lãm Liên minh nghệ thuật châu Á lần thứ 14 có gì đặc biệt?- Ảnh 1.

Tác phẩm "Sự bao phủ" - tác giả Minh Phố. Ảnh: BTC cung cấp

Họa sĩ Đặng Tuấn – Đại diện phòng tranh Palm Artspace cũng cho biết thêm: “Triển lãm của Liên minh nghệ thuật Châu Á - Art Vogue D’ Nation lần thứ 14 tại Việt Nam hứa hẹn mang đến những góc nhìn đa chiều về sự đa dạng và phong phú trong nghệ thuật của mỗi quốc gia tham dự. Bên cạnh đó cũng mở ra những cơ hội giao lưu, hợp tác cho các nghệ sĩ và mang lại cho công chúng yêu nghệ thuật tại mỗi nước cơ hội được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang đậm bản sắc văn hoá của mỗi quốc gia.

Với lần tổ chức này, có sự thay đổi về quy mô cũng như cách tổ chức chuyên nghiệp hơn, tuy nhiên mục đích chính vẫn là để giao lưu nghệ thuật giữa các nghệ sĩ, các nền văn hóa. Giải thích cho tên gọi của triển lãm là “Những làn sóng nghệ thuật”, tôi ví nghệ thuật giống như sự tích hợp của rất nhiều các yếu tố, nghệ thuật giống như các làn sóng nhấp nhô, lúc thăng trầm, khi dữ dội, nó cũng là tượng trưng cho những luồng văn hóa giao lưu với nhau".

Trong không gian trưng bày nghệ thuật là hơn 60 tác phẩm của 45 họa sĩ ở hai thể loại hội họa và điêu khắc từ các chất liệu: sơn mài, sơn dầu, lụa, tranh in, chất liệu tổng hợp, kim loại và gỗ. Những gương mặt tiêu biểu trong làng hội họa Việt Nam (Đặng Tuấn, Nguyễn Minh - Minh Phố, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Nghĩa Cương, Trần Thược, Ly Trần, Nguyễn Đức Hùng, Lê Thanh...) và các họa sĩ đến từ các quốc gia khác: Singapore (Chua Buay Lin Belinda, Lee Hai Hiang, Fern Min Eng...), Philippines (Richard Buxani, Art Lozano, Bing Famoso...); Malaysia (Shen Ying @Sim Saw Im, Pang Kooi Kee) và Đài Loan (Trung Quốc) (Cecilia Lee, Kayson Chen...) mang đến những góc nhìn đa chiều về sự phong phú trong nghệ thuật của mỗi quốc gia.

Gửi gắm thông điệp lan tỏa về văn hóa, họa sĩ Minh Phố chia sẻ: "Đây là lần thứ 3 tôi tham gia triển lãm, tôi mang đến cho công chúng, đặc biệt là với bạn bè quốc tế hình ảnh chủ đạo là những di sản của văn hóa Việt đó là hình ảnh phố và hạt gạo của Việt Nam. Trong đó, bức tranh “Sự bao phủ” mang hình ảnh Tễu trong múa rối nước - một loại hình văn hóa dân gian. Qua đây, tôi cũng hy vọng lan tỏa được bản sắc của Việt Nam đến tất cả bạn bè trong và ngoài nước, để chúng ta có ý thức và chung tay trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc".

Triển lãm Liên minh nghệ thuật châu Á lần thứ 14 có gì đặc biệt?- Ảnh 2.

Tác phẩm “Bước qua khung cửa” của họa sĩ Phạm Thị Hồng Sâm. Ảnh: BTC cung cấp

Là một trong những họa sĩ tham dự, nghệ sĩ Phạm Thị Hồng Sâm cho thấy một góc nhìn khác về người họa sĩ thông qua tác phẩm của mình: “Tôi mang đến triển lãm bức tranh “Bước qua khung cửa”, qua đó tôi muốn thể hiện sự không giới hạn của ý tưởng cũng như các tác phẩm nghệ thuật, giống với người làm nghệ thuật sẽ không bị đóng khung trong cách suy nghĩ. Mỗi tác phẩm sẽ có một ngôn ngữ riêng, nó có thể vượt qua mọi ranh giới để có thể kết nối với tất cả mọi người. Thường các tác giả sẽ thể hiện các ý tưởng, khả năng sáng tạo, phong cách, kỹ thuật, khi mang đến một tác phẩm hoàn thiện, trưng bày tại triển lãm để họa sĩ của các nước bạn cũng có thể thấy được nghệ sĩ Việt Nam có thể làm được những điều gì, qua đó mình cũng có thể học hỏi lại từ họ".

Là tác giả duy nhất có tới 4 tác phẩm điêu khắc, điêu khắc gia Trần Thược tâm huyết tạo ra những “dáng hình của cảm xúc": “Cảm hứng trong tác phẩm của tôi là những gì rất gần gũi và đời thường, những trạng thái, cảm xúc. Một cảnh tượng vui thì sẽ luôn mang nhịp điệu, tiết tấu khỏe khoắn, ngược lại thì sẽ mang một sự tĩnh lặng, u sầu. Có thể ví nó như những tế bào của cơ thể qua nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau, tôi lồng ghép nó với sự phát triển của tự nhiên. Theo dòng thời gian tất cả những gì thừa thãi sẽ bị xóa bỏ và giữ lại những cái cốt lõi nhất, ví dụ như núi non, trạng thái của cây cối, mảnh đất, những sự xói mòn sau mưa...”

Triển lãm Liên minh nghệ thuật châu Á lần thứ 14 có gì đặc biệt?- Ảnh 3.

Tác phẩm điêu khắc trừu tượng “Hạnh phúc” của tác giả Trần Thược. Ảnh: BTC cung cấp

Ngoài ra, nhiều tác phẩm của họa sĩ quốc tế cũng có những phong cách riêng biệt, có thể kể đến bức tranh chủ đề chữa lành, yêu thương “Blessing” được tác giả Chua Buay Lin Belinda gửi gắm thông điệp về trái tim: “Tất cả các họa sĩ ở đây đều thể hiện tình yêu hội hoạ thông qua những bức tranh, sự sáng tạo hay những khoảnh khắc. Với tôi, những bức tranh của tôi đều thể hiện về trái tim, tình yêu, tôi muốn đem đến niềm vui, hạnh phúc, tình cảm của mình đến tất cả người thưởng lãm".

Triển lãm Liên minh nghệ thuật châu Á lần thứ 14 có gì đặc biệt?- Ảnh 4.

Tác phẩm “Blessing” - tác giả Chua Buay Lin Belinda. Ảnh BTC cung cấp

Hay một bức họa được kết hợp với thơ ca của họa sĩ Lee Hai Hiang: “Trong bức tranh này có rất nhiều điểm sáng, bất kì một chi tiết nào cũng thể hiện cho sự sinh sôi, phát triển, như hình ảnh những bông hoa, màu sắc gam tươi sáng, bài thơ về mùa xuân,... Tôi muốn khi mọi người nhìn vào bức tranh đều có thể thấy được sự vui tươi, hạnh phúc đúng với chủ đề, tên gọi của tác phẩm là “Spring charm”.

Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ ngày 6/4 đến ngày 30/4 tại Palm Art Space (Hà Nội).

Một số những tác phẩm khác được trưng bày tại triển lãm:

Triển lãm Liên minh nghệ thuật châu Á lần thứ 14 có gì đặc biệt?- Ảnh 5.

Tác phẩm là “Spring charm” của họa sĩ Lee Hai Hiang. Ảnh: BTC cung cấp

Triển lãm Liên minh nghệ thuật châu Á lần thứ 14 có gì đặc biệt?- Ảnh 6.

Tác phẩm “See spring” - Tác giả Kuolg Tran. Ảnh Trang Đào

Triển lãm Liên minh nghệ thuật châu Á lần thứ 14 có gì đặc biệt?- Ảnh 7.

Tác phẩm “Peaceful seasons” - tác giả Vũ Thùy Mai. Ảnh: Đào Trang

Triển lãm Liên minh nghệ thuật châu Á lần thứ 14 có gì đặc biệt?- Ảnh 8.

Tác phẩm “Lotus Blooming” - tác giả Pang Kooi Kee. Ảnh: BTC cung cấp

Triển lãm Liên minh nghệ thuật châu Á lần thứ 14 có gì đặc biệt?- Ảnh 9.

Tác phẩm “Welcome New Year” - tác giả Shen Ying @Sim Saw Im. Ảnh: BTC cung cấp

Triển lãm Liên minh nghệ thuật châu Á lần thứ 14 có gì đặc biệt?- Ảnh 10.

Tác phẩm “In Spring” - tác giả Hà Huy Mười. Ảnh: BTC cung cấp

Triển lãm Liên minh nghệ thuật châu Á lần thứ 14 có gì đặc biệt?- Ảnh 11.

Tác phẩm “Guardian Series - Straw Stone Lion” - tác giả Kayson Chen. Ảnh: BTC cung cấp

Triển lãm Liên minh nghệ thuật châu Á lần thứ 14 có gì đặc biệt?- Ảnh 12.

Tác phẩm “The fragrance remain” - tác giả Lương Thu Hà. Ảnh: BTC cung cấp