Dân Việt

Cuộc sống đa sắc được thể hiện mềm mại trong tranh của 10 nữ họa sĩ

Phạm Quỳnh Trang 08/04/2024 10:30 GMT+7
Triển lãm “Sắc màu Bắc - Trung - Nam” lần thứ 10 vừa được khai mạc tại Nhà triển lãm Mỹ thuật (số 16 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Nhìn nhận về các tác phẩm trưng bày trong triển lãm, nhà phê bình mỹ thuật Mai Thị Ngọc Oanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: "Dù phải làm tròn nhiệm vụ làm vợ, làm mẹ, công tác giảng dạy nhưng mỗi bức tranh của các nữ họa sĩ đều rất đẹp và phong phú. Qua mỗi bức tranh đều có thể thấy công sức mà những người nghệ sĩ đã bỏ ra cho tác phẩm của mình".

Triển lãm trưng bày khoảng 50 tác phẩm của 10 họa sĩ: Bùi Mai Hiên, Tào Thu Hương, Trần Thanh Thục, Trang Thanh Hiền, Nguyễn Thị Lan Hương, Trần Thảo Hiền, Nguyễn Ngọc Đan, Hồ Thị Xuân Thu, Ngô Đình Bảo Vi, Trần Thị Đào. Mỗi bức tranh đều mang nội dung khác nhau nhưng điểm chung của các tác phẩm là sự mềm mại, nữ tính đại diện cho người phụ nữ. 

Cuộc sống đa sắc được thể hiện mềm mại trong tranh của 10 nữ họa sĩ - Ảnh 1.

Khách mời và hoạ sĩ tham gia triển lãm. Ảnh Đào Trang

Mang đến những bức họa tràn đầy hơi thở của thanh xuân thiếu nữ, họa sĩ Tào Thu Hương chia sẻ: "Đây là lần thứ 10 tôi tham gia "Sắc màu Bắc - Trung - Nam". Tôi rất yêu vẻ đẹp đôi mươi của các thiếu nữ, bởi đó là tạo vật mà trời cho và nó chỉ đẹp trong một khoảnh khắc nhất định. Vậy nên bộ tranh "Thanh xuân" này ra đời. Tôi muốn lưu giữ lại những nét đẹp qua rồi khó có thể quay lại này". 

Cuộc sống đa sắc được thể hiện mềm mại trong tranh của 10 nữ họa sĩ - Ảnh 2.

Tác phẩm "Mong" của hoạ sĩ Tào Thu Hương. Ảnh Đào Trang

Nói thêm về "những đứa con tinh thần" của mình, họa sĩ Tào Hương cho biết, 3 bức tranh đại diện cho 3 cung bậc cảm xúc mà thiếu nữ nào cũng sẽ trải qua trong cuộc sống, từ mơ mộng, hy vọng đến ước mơ, hoài bão. Để rồi, sau tất cả sẽ lại quay về những điều bình thường nhất, mong muốn sự bình an.

Khác với họa sĩ Tào Hương, họa sĩ Trần Thị Đào đến từ Đắk Lắk là lần đầu tiên tham gia triển lãm lần này: "Tôi nhận ra, mỗi vùng miền đều có những tập quán và văn hóa đặc sắc khác nhau. Nên tôi đã lấy sự đặc sắc đó để làm nội dung trong triển lãm ngày hôm nay. Trước đây, tôi dùng chất liệu sơn dầu cho tác phẩm của mình. Nhưng sau một thời gian, tôi quyết định chọn lụa là công cụ cho hướng đi nghệ thuật của mình. Đây đều là 4 bức tranh đầu tay của tôi. Tôi mong muốn bản thân sẽ sáng tạo được nhiều tác phẩm hơn trong tương lai sắp tới".

Cuộc sống đa sắc được thể hiện mềm mại trong tranh của 10 nữ họa sĩ - Ảnh 3.

Những tác phẩm của hoạ sĩ Trần Thị Đào. Ảnh Đào Trang

Mất 10 năm để đến với chất liệu Acrylic, họa sĩ Bùi Mai Hiên cho rằng, chất liệu chỉ là công cụ trong việc truyền tải thông điệp của người họa sĩ vào nghệ thuật: "Tôi là người đi tìm và khai thác chất liệu. Dù tôi tìm gì thì trong tranh của tôi vẫn có chiều sâu, suy nghĩ về cuộc sống. Ví dụ như bức "Sự di tản của rong rêu" của tôi. Khi dòng nước không còn trong lành,rong rêu sẽ di tản. Cũng giống như con người ta, khi đang sống trong một nơi hiền hòa, đẹp đẽ, thanh bình thì sẽ không ai phải di tản. Nhưng khi cuộc sống có những sự náo loạn và đau thương ta phải rời đi để tìm điều phù hợp hơn. Đó là ý nghĩa của một trong những bức tranh của tôi".

Cuộc sống đa sắc được thể hiện mềm mại trong tranh của 10 nữ họa sĩ - Ảnh 4.

Các tác phẩm ấn tượng với chất liệu acrylic của hoạ sĩ Mai Hiên. Ảnh Đào Trang

Cũng có tác phẩm trưng bày trong triển lãm, họa sĩ Trần Thảo Hiền mang những kỷ niệm trong cuộc sống của mình vào trong từng bức tranh: "Vẽ tranh là cách tôi lưu giữ một kỷ niệm, một khoảnh khắc. Bình bông, hoa quả, bức tượng nhỏ... tất cả là thứ dung dị nhất trong cuộc sống thường ngày, nhưng đôi khi chúng ta lại không chú ý đến, nhưng với tôi những thứ nhỏ bé, giản dị đó đều là một niềm vui… Dù đề tài là tranh tĩnh vật nhưng trong đó chúng vẫn thấy được sự sống, sinh sôi, phát triển".

Cuộc sống đa sắc được thể hiện mềm mại trong tranh của 10 nữ họa sĩ - Ảnh 5.

Tác phẩm "Hoa ở biển" của hoạ sĩ Trần Thảo Hiền. Ảnh Đào Trang

Chủ đề về chữa lành, kết hợp giữa sen trắng và Phật pháp là sự lựa chọn của PSG. TS Trang Thanh Hiền: "Tác phẩm về Phật và sen gắn liền với nghiên cứu của tôi. Phật giáo có tầm quan trọng nhất định trong đời sống tâm linh của người Việt. Hình tượng Phật trong hoa sen tạo nên sự bình yên, an lành, niềm vui trong cuộc sống. Từng bức tranh của tôi tượng trưng cho từng hình thái khác nhau, đầu tiên hình tượng búp sen là sự khởi nguồn, sau đấy là bông sen bung nở, ngụ ý cho sự phát triển rồi cuối cùng là sự tan biến viên mãn".

Cuộc sống đa sắc được thể hiện mềm mại trong tranh của 10 nữ họa sĩ - Ảnh 6.

Hình tượng Phật pháp và sen trong các tác phẩm của PGS.TS Trang Thanh Hiền. Ảnh Đào Trang

Họa sĩ Nguyễn Thị Lan Hương đã sử dụng đa chất liệu trong tác phẩm của mình:"Tôi thích khám phá nhiều chất liệu để sử dụng trong hội họa của mình nhằm thỏa sự sáng tạo trong mình. Chất liệu giúp tôi được giải phóng cảm xúc của bản thân. Như tác phẩm "Sen", tôi có sử dụng một ít chất liệu của sơn mài. Tôi thấy gốm và sơn mài có một sự giao thoa, đồng điệu. Một bên là được mài dũa tạo nên sự nóng ẩm, một bên lại được nung. Nó sẽ mang lại hiệu quả cảm xúc trong nghệ thuật".

Cuộc sống đa sắc được thể hiện mềm mại trong tranh của 10 nữ họa sĩ - Ảnh 7.

Cụm trưng bày tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Thị Lan Hương. Ảnh Đào Trang

Thay vì sử dụng các chất liệu thông thường, họa sĩ Trần Thanh Thục gây ấn tượng với những người đam mê nghệ thuật bằng những bức tranh cắt vải: "7 tác phẩm của tôi lần này hướng tới ngợi ca cuộc sống. Trên mảnh đất hình chữ S chúng ta đang sống mỗi một nơi đều có cảnh sắc rất riêng mà nhiều người có thể chưa được chiêm ngưỡng hết. Vậy nên, tôi đã gửi gắm hơi thở, vẻ đẹp của những nơi tôi đến vào những bức tranh để công chúng có thể chiêm ngưỡng. Tuy làm bằng vải nhưng có những bức tranh được hoàn thành nhanh để đáp ứng cho cảm xúc ùa về. Nhưng có những tác phẩm lại đi cùng tôi theo năm này tháng nọ để cho tôi tìm được những họa tiết đúng với cảm xúc trong nội tâm của tôi".

Cuộc sống đa sắc được thể hiện mềm mại trong tranh của 10 nữ họa sĩ - Ảnh 8.

Tác phẩm "Ngày xưa dấu yêu" - hoạ sĩ Trần Thanh Thục. Ảnh Đào Trang

Bên cạnh đó, những tác phẩm khác của buổi triển lãm cũng nhận được sự đánh giá cao của khách tham quan khi thể hiện được tính cách riêng, sáng tạo của mình. Chị Vũ Ánh Ngọc (khách tham gia triển lãm) chia sẻ: "Mỗi tác phẩm ở đây tôi đều có ấn tượng riêng bởi chúng đều xuất sắc. Nhìn vào chúng, tôi thấy được sự đầu tư, sáng tạo của từng họa sĩ".

Triển lãm sẽ diễn ra tại Nhà triển lãm Mỹ thuật từ ngày 7/4 đến ngày 15/4/2024.