Dân Việt

Ngoại thành và nội ô TP.HCM sẽ phát triển loại hình nông nghiệp nào khi đất sản xuất giảm mạnh?

Mạnh Hùng 09/04/2024 11:47 GMT+7
Nhằm triển khai Chương trình nông nghiệp đô thị TP.HCM giai đoạn 2021-2030, UBND Thành phố đã định hướng không gian phát triển nông nghiệp, nông thôn cho từng khu vực, quận huyện với các loại hình nông nghiệp cụ thể.

Nông nghiệp đô thị ở Bình Chánh, Nhà Bè và trung tâm thành phố

Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo tính thống nhất, ổn định và bền vững về không gian phân bố; và khoanh vùng đất đai giữa định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn với các định hướng phát triển ngành, lĩnh vực khác trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp và đất khu vực phát triển nông thôn.

Khu vực trung tâm TP.HCM gồm 16 quận nội thành. Đến năm 2025, khu vực còn khoảng 1.950ha đất nông nghiệp, nằm phân tán, xen kẽ với các công trình, dự án và các khu dân cư đô thị; đến năm 2030 không còn đất nông nghiệp.

Khu vực trung tâm sẽ được khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp nội đô để tăng không gian xanh, tạo cảnh quan đô thị, cải thiện môi trường, giảm tiếng ồn và hiệu ứng nhà kính.

Khu vực trung tâm TP.HCM sẽ phát triển các mô hình nông nghiệp nội đô. Ảnh: Mạnh Hùng

Khu vực trung tâm TP.HCM sẽ phát triển các mô hình nông nghiệp nội đô. Ảnh: Mạnh Hùng

Khu vực Tây Nam TP.HCM gồm huyện Bình Chánh và Nhà Bè, với diện tích đất nông nghiệp đến năm 2025 còn khoảng 18.023ha (huyện Bình Chánh: 14.222ha và Nhà Bè: 3.801ha). Đến năm 2030, khu vực này còn khoảng 15.000ha (gần như toàn bộ nằm ở huyện Bình Chánh).

Định hướng phát triển cho khu vực này sẽ trở thành đô thị công nghiệp và dịch vụ logistics, giữ vai trò quan trọng kết nối với vùng ĐBSCL. Do đó, ngoài việc phát triển các mô hình nông nghiệp không gian hẹp, tầng cao, khu vực Tây Nam sẽ ưu tiên phát triển các loại hình nông nghiệp đô thị khác.

Cụ thể là các vùng sản xuất rau, màu, hoa nền ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) trên đất quy hoạch trồng lúa với quy mô diện tích khoảng 700ha; các vùng sản xuất hoa, cây kiểng UDCNC, chủ lực là mai vàng với diện tích khoảng 1.130ha; các vùng trồng cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái với quy mô diện tích khoảng 400ha; các vùng nuôi cá cảnh, thủy sản nước ngọt UDCNC với quy mô diện tích khoảng 390ha.

Khu vực này tập trung phát triển làng hoa Phước Kiểng (huyện Nhà Bè), và các làng nghề ở huyện Bình Chánh gắn với phát triển sản phẩm OCOP; chợ đầu mối Bình Điền được định hướng xây dựng Trung tâm logistics nông nghiệp.

Chợ đầu mối Bình Điền được định hướng xây dựng Trung tâm logistics nông nghiệp. Ảnh: Mạnh Hùng

Chợ đầu mối Bình Điền được định hướng xây dựng Trung tâm logistics nông nghiệp. Ảnh: Mạnh Hùng

Nâng cấp Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản; xây dựng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (NNCNC) chăn nuôi với quy mô diện tích khoảng 200ha; phát triển rừng phòng hộ và rừng sản xuất, công viên, cây xanh phân tán với diện tích khoảng 1.320ha.

Nông nghiệp đô thị ở Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ và TP.Thủ Đức

Khu vực Tây Bắc TP.HCM gồm 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn, với diện tích đất nông nghiệp đến năm 2025 khoảng 33.378ha; và đến năm 2030 còn khoảng 20.000ha.

Khu vực này sẽ trở thành đô thị NNCNC, giữ vai trò quan trọng kết nối với ĐBSCL, Đông Nam bộ và Vương quốc Campuchia.

Ngoài việc phát triển các mô hình nông nghiệp không gian hẹp, tầng cao, khu vực Tây Bắc còn phát triển các vùng sản xuất rau, màu, hoa nền UDCNC trên đất quy hoạch trồng lúa ở Củ Chi khoảng 3.000ha và ở Hóc Môn 200ha; các vùng sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao, rau hữu cơ ở Củ Chi khoảng 1.700ha và ở Hóc Môn khoảng 300ha;

Các vùng trồng hoa, cây kiểng UDCNC với quy mô diện tích ở Củ Chi khoảng 480ha và ở Hóc Môn khoảng 76ha; các vùng trồng cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái tại các xã ven sông Sài Gòn với quy mô diện tích khoảng 3.300ha; các vùng trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa, bò thịt chất lượng cao với quy mô diện tích khoảng 835ha; các vùng nuôi cá cảnh, thủy sản nước ngọt UDCNC với quy mô diện tích khoảng 345ha;

Khu vực Tây-Bắc phát triển các vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao ở Hóc Môn khoảng 200ha. Ảnh: Mạnh Hùng

Khu vực Tây Bắc phát triển các vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao ở Hóc Môn khoảng 200ha. Ảnh: Mạnh Hùng

Nâng cấp, mở rộng Khu Nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phạm Văn Cội lên khoảng 200ha; hoàn thành xây dựng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (23,3 ha) và Khu Nông nghiệp Công nghệ cao lĩnh vực trồng trọt, thủy sản (cá cảnh) với diện tích 180ha. Phát triển rừng, công viên, cây xanh với quy mô khoảng 393ha; hình thành Trung tâm logistics nông nghiệp tại Chợ đầu mối Hóc Môn.

Khu vực TP.Thủ Đức với diện tích đất nông nghiệp đến năm 2025 còn khoảng 3.438ha, phân bố dọc ven sông Sài Gòn và các rạch thuộc các phường Tam Đa, Long Phước và đến năm 2030 không còn đất nông nghiệp tập trung.

TP.Thủ Đức sẽ trở thành thành phố khoa học, công nghệ với hạt nhân là đô thị Đại học Quốc gia và các Khu Công nghệ cao; giữ vai trò quan trọng kết nối với vùng Đông Nam b, miền Trung và Tây Nguyên.

TP.Thủ Đức sẽ phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị không gian hẹp, tầng cao, các công viên, các giải cây xanh phân cách, cây xanh phân tán để khai thác thế mạnh cảnh quan vùng sông nước.

Ngoài ra, TP.Thủ Đức còn định hướng xây dựng khu vực Tam Đa - Long Phước thành Khu Trung tâm Khoa học và Công nghệ sinh thái, gắn với các hoạt động du lịch.

TP.Thủ Đức sẽ nâng cấp Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức thành Trung tâm logistics nông nghiệp; đồng thời phát huy vai trò của các cụm cảng phục vụ xuất khẩu nông sản cho khu vực phía Nam.

Cần Giờ phát triển các làng nghề gắn với các sản phẩm OCOP như cá dứa Cần Giờ, xoài cát Cần Giờ.. Ảnh: Mạnh Hùng

Cần Giờ phát triển các làng nghề gắn với các sản phẩm OCOP như cá dứa Cần Giờ, xoài cát Cần Giờ. Ảnh: Mạnh Hùng

Khu vực huyện Cần Giờ có diện đất nông nghiệp đến năm 2025 còn khoảng 45.402ha; và đến năm 2030 còn khoảng 40.000ha. Trong đó, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn cần Giờ là 33.909ha.

Huyện Cần Giờ sẽ trở thành thành phố du lịch sinh thái, tập trung phát triển các loại hình nuôi trồng thủy sản mặn lợ trên đất liền, vùng cửa sông, trên biển và sản xuất muối ứng dụng công nghệ cao, nuôi chim yến trong nhà, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, gắn với phát triển du lịch và dịch vụ môi trường rừng.

Loại hình nông nghiệp huyện Cần Giờ sẽ có các vùng nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng UDCNC với diện tích khoảng 4.480ha; các vùng sản xuất muối UDCNC với diện tích khoảng 1.080ha; vùng cây ăn trái tập trung Cần Giờ - Cần Thạnh gắn với nhãn hiệu Xoài cát Cần Giờ; các vùng nuôi chim yến trong nhà gắn với sản phẩm OCOP yến sào Cần Giờ; khu rừng phòng hộ gắn với dịch vụ môi trường rừng và du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa với quy mô diện tích khoảng 33.909ha.

Cần Giờ phát triển Khu Nông nghiệp Công nghệ cao giống thủy sản 100ha; các vùng nuôi thủy sản cửa sông và trên biển với quy mô diện tích khoảng 1.000ha; phát triển các làng nghề gắn với các sản phẩm OCOP.