Chàng Sơn – quê hương gắn liền với truyền thuyết về Thánh Tản Viên
Truyền thuyết kể lại rằng, xưa kia, Thánh Tản Viên Sơn Tinh từng đích thân xuống núi, mời ông Phó Sần dẫn đầu tốp thợ 6 người tại làng Chàng lên sửa đình thờ. Câu chuyện này cũng được nhà văn Nguyễn Tuân đề cập trong truyện "Trên đỉnh non Tản", thuộc tập "Vang bóng một thời" xuất bản lần đầu tiên vào năm 1940: "Ông cụ Phó Sần buồn rầu nghĩ đến ngày phải xuống khỏi núi. Cứ ở trên này mãi, thì bọn thợ còn được tha hồ bán tán đến những cái lạ của Ngàn To, Lớn, Thăm thẳm, Kín mật, mỗi khi lìa rời xuống khỏi, là không tìm lại được đường lên, là không dám hở hang tí chút lại vưới người đời về cái thâm kín thần bí trên ngàn xanh tươi đến ngày tận thế".
"Câu chuyện về cụ Phó Sần là sự thật, không phải là điều không có căn cứ. Nghề mộc tại Chàng Sơn đã nổi danh ngay từ thuở vua Hùng, sau đó lại càng được biết đến nhiều hơn bởi kiệt tác 18 pho tượng La Hán chùa Tây Phương, công trình Văn Miếu Quốc Tử Giám. Người Chàng Sơn đi đâu cũng mang trong mình niềm tự hào này", ông Phí Đình Thắng (70 tuổi) - người nhiều năm liền được người dân bầu làm thủ từ, thủ nhang đình Cả (xã Chàng Sơn) quả quyết với chúng tôi, ngay khi gặp PV Dân Việt ngay tại sân đình.
Đi một vòng Chàng Sơn, chúng tôi tận mắt chứng kiến sự phát triển sầm uất và nhộn nhịp của nơi này, với hàng loạt nghề truyền thống được người dân gìn giữ và phát triển: nghề mộc, nghề làm quạt, nghề tạc tượng, làm nhà cổ, nhà gỗ... Đặc biệt, thợ mộc Chàng Sơn nổi danh khắp cả nước bởi sự vượt trội về độ tinh xảo, tỉ mỉ trong chạm khắc. Nhờ sự hỗ trợ của máy móc thiết bị hiện đại, họ cho ra đời các thiết kế nhà gỗ độc đáo, những sản phẩm nội thất kỳ công, với vẻ đẹp đặc trưng của hoa văn truyền thống. Năm 2003, làng Chàng Sơn đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống. Năm 2008, Hội làng nghề Việt Nam phong tặng mộc Chàng Sơn danh hiệu "Làng nghề tiêu biểu Việt Nam".
Nhiều gia đình "cha truyền con nối" kế nghiệp nhau trên mảnh đất này, họ gắn bó với cái nghề, nhờ địa danh Chàng Sơn mà được khách hàng thập phương tìm tới, cũng bởi vậy, tên làng càng trở nên rất đỗi thiêng liêng với họ.
Nỗi lo về một làng nghề sẽ bị mất tên trên bản đồ hành chính
Theo đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2023 – 2025 được đăng tải, xã Chàng Sơn sẽ sáp nhập với xã Thạch Xá, tạo thành đơn vị hành chính mới mang tên Thạch Xá. Chia sẻ với PV Dân Việt, nhiều người dân Chàng Sơn cho biết họ hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Nhà nước, tuy nhiên không khỏi tiếc nuối, xót xa trước thông tin này.
"Chàng Sơn là mảnh đất lưu giữ nhiều địa danh lịch sử, có làng nghề truyền thống nổi danh từ xưa tới nay, được quảng bá rộng rãi trên khắp đất nước. Nếu mất tên Chàng Sơn, con cháu đời sau sẽ dần lãng quên, bao truyền thống tốt đẹp cũng khó có thể lưu truyền. Bởi vậy, chúng tôi tha thiết mong các cơ quan chức năng xem xét nguyện vọng mỗi xã lấy một chữ, kết hợp thành một xã, có thể là "Chàng Xá" - ông Phí Đình Thắng chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, anh Phí Duy Linh (47 tuổi, thôn 7 xã Chàng Sơn) khẳng định: "Là một người dân, tôi rất đồng tình, ủng hộ chủ trương sáp nhập các xã để giảm bớt cán bộ quản lý hành chính. Tuy vậy, việc mất đi địa danh Chàng Sơn khiến người dân chúng tôi không khỏi buồn bã. Tên xã đã gắn bó với cả đời người, theo mình đi khắp nơi, là niềm tự hào vô giá. Tôi mong chính quyền có sắp xếp làm sao hợp với lòng dân, giữ lại tối thiểu một tên cổ giá trị".
Sinh ra trong một gia đình nghề mộc hàng trăm năm nay, anh Tám (49 tuổi) rất xúc động khi nhắc tới tên gọi của quê hương. Cái tên Chàng Sơn gắn bó với anh từ khi mới ra đời, truyền cho anh niềm tin khi ra làm nghề lúc vừa tròn 18 tuổi, để giờ đây thành một người thợ lâu năm, uy tín: "Dân chúng tôi rất muốn giữ cái tiếng của đất làng nghề truyền thống, thứ mà cha ông bao đời gây dựng, cũng là điều chúng tôi muốn để lại cho con cháu mình. Trước nguy cơ địa danh này bị xóa sổ trên bản đồ, chúng tôi không thể không xót xa, lo lắng. Ngày hôm qua, tôi cũng vừa cùng nhiều người dân Chàng Sơn dâng lễ tại đình làng, cầu xin các Ngài phù giữ lại tên làng".
Trong khi đó, cụ bà Khuất Thị Hòa (91 tuổi) cho biết, việc lấy ý kiến người dẫn đã diễn ra khoảng nửa tháng qua, cán bộ tới lấy chữ ký và giải thích cho người dân về cái tên mới: "Chúng tôi cũng có thắc mắc bởi Chàng Sơn là xã to, có tiếng, lại đông người, tại sao lại đề là Thạch Xá. Tuy nhiên, người đi lấy chữ ký giải thích đây là cách đặt tên theo giai đoạn trước, khi đó làng Chàng Sơn chỉ là thôn, cũng nằm trong Thạch Xá".
Theo thông tin của Dân Việt, trước nỗi lo mất tên, mới đây, 250 người dân Chàng Sơn vừa ký vào văn bản kiến nghị gửi Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND Hà Nội để giữ lại tên cho xã.
"Làng nghề Chàng Sơn không thể mất đi, dù có đổi tên xã"
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, tất cả tên mới sau khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính đều thực hiện theo chỉ đạo của Thành uỷ Hà Nội. Đó là ưu tiên lấy tên trước đây và tên được lấy lại đúng trong Dư địa chí.
"Trước đây xã Thạch Xá gồm có xã Chàng Sơn và Thạch Xá. Khi tách ra thành Chàng Xá và Thạch Sơn. Giờ nhập lại lấy tên gốc là Thạch Xá theo đúng Dư địa chí. Hữu Bằng và Bình Phú trước đây là xã Quang Trung, bây giờ nhập vào lại là Quang Trung. Canh Nậu, Dị Nậu cũng tương tự như vậy. Tên này không phải do UBND huyện tự nghĩ ra mà trong Dư địa chí. Văn bản chí đạo của Thành uỷ là ưu tiên lấy tên đã được đặt trước đây", ông Hồng nói.
Trước ý kiến ở xã Chàng Sơn có khoảng 20% dân số không đồng tình với việc sáp nhập lấy tên xã Thạch Xá mà mong muốn giữ lại tên cũ, ông Hồng cho hay, theo quy định trên 50% số người đồng tình sẽ chọn phương án thay đổi.
Về việc người dân lo ngại cho rằng làng mộc Chàng Sơn sẽ bị lãng quên, ông Hồng khẳng định: "Sau khi sáp nhập thì Chàng Sơn vẫn là làng mộc Chàng Sơn, không có gì thay đổi".
Theo dư địa chí của huyện Thạch Thất, xã Chàng Sơn vốn là một cộng đồng dân cư cổ được hình thành khoảng đầu Công nguyên, thuộc vùng Kẻ Nùa (gồm Hữu Bằng, Thạch Xà Bình Phú và Chàng Sơn). Chàng Sơn gọi là Núa Chàng, còn gọi là làng Chàng, sau gọi là Cổ Liêu trang.
Vào thời Nguyễn, đầu thế kỷ XIX, xã Chàng Sơn hiện nay thuộc địa thôn Chàng và thôn Nguyễn. Năm 1861, do kiêng họ vua nên tên tổng và xã Nguyễn Xá đổi thành Thạch Xá, thôn Nguyễn đổi thành thôn Thạch.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hai xã Chàng Thôn và Thạch Thôn thuộc huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây. Tới năm 1954, xã Thạch Xã được thành lập. Ngày 11/4/1955 Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn Tây ra Quyết định số 120/QĐ- UB tách Thạch Xã làm 2 xã: xã Thạch Xá và xã Chàng Sơn.Với việc chia tách để lập xã mới, ngày 11/4/1955 xã Chàng Sơn được thành lập.