Lưu Dung (1719-1805), tự là Sùng Như, hiệu là Thạch quê ở thôn Bàng Qua Trang, trấn Chú Câu (nay là thị xã Cao Mật), Như Thành, Sơn Đông, Trung Quốc.
Ông là con trai của Đại học sĩ Lưu Thống Huân. Ông đỗ Tiến sĩ năm 32 tuổi. Sau khi đỗ Tiến sĩ thì làm quan địa phương ở nhiều tỉnh, và sau này giữ chức quan cao nhất là Đại học sĩ Thể Nhân các, Thái tử Thái bảo.
Ông không những là nhà chính trị nổi tiếng, mà còn là nhà thư pháp và nhà thơ, thư pháp của ông đường nét rắn khỏe, nét bút có hồn đẹp mắt và độc đáo, trở thành phong cách rất riêng của mình và nổi tiếng thiên hạ.
Dù nổi tiếng là công chính liêm minh, sở học kỳ tài, hết lòng vì giang sơn nhà Thanh nhưng đôi lúc vì quá thẳng thắn mà làm cho vua Càn Long nổi giận, cũng chính vì thế mà nhiều lần bị cách chức, mà địa vị ban đầu cũng không bằng Hoà Thân. Hoà Thân hoàn toàn có thể dùng cơ cánh của mình để ra tay đối với Lưu Dung.
Kỷ Hiểu Lam tên thật Kỷ Quân (1724-1805), tự là Hiểu Lam và Xuân Phàm. Ông là một danh sĩ nổi tiếng và quan lại đời nhà Thanh, trong lịch sử Trung Quốc.
Ông giữ chức tổng biên tập “Tứ khố toàn thư”, một công trình biên soạn sách nổi tiếng dưới thời Càn Long. Không những thế, ông còn nổi tiếng là một phong lưu tài tử và là một con người đa tài với trình độ học vấn vô cùng uyên bác.
Ngoài ra, ông còn là tác giả của cuốn Duyệt Vi thảo đường bút ký, là một trong những tác phẩm nổi tiếng đương thời.
Tuy là người có tài, sở học văn chương hơn người, nhưng cũng như Lưu Dung, Kỷ Hiểu Lam trên thực tế lại là người tướng mạo kỳ dị, chỉ có sở tài mạnh về văn chương. Càn Long đối với ông phần nhiều là để thưởng thức văn chương, thơ phú của Kỳ Hiểu Lam mà thôi.
Theo sử sách ghi chép, Hòa Thân làm quan tổng cộng 30 năm, cho đến cuối đời, khi Càn Long vừa mới băng hà chưa đầy nửa tháng thì Hòa Thân bị hoàng đế Gia Khánh vừa kế vị ban cho cái chết, kết thúc một cuộc đời huyền thoại.
Tổng cộng gia sản của Hòa Thân ước lượng vào khoảng 1.100 triệu lạng bạc, nhiều lời đồn cho rằng nó còn tương đương số tiền mà quốc khố nhà Thanh phải mất 15 năm mới thu được. Trong nhà Lưu Quân, tổng quản phủ Hòa Thân, một số lượng lớn châu báu nữa bao gồm 240.000 lạng bạc cũng bị tịch thu.
Chắc chắn với Càn Long là một trong những vị vua nổi tiếng anh minh của nhà Thanh, sẽ dễ dàng thấy rõ được hành tung của một ông tham quan với khối tài sản to lớn như Hòa Thân. Càn Long chắc chắn cũng không phải mờ mắt. Vậy Càn Long có âm mưu gì chăng?
Suy xét kĩ hơn, sẽ thấy Càn Long đã tặng một món quà khổng lồ cho ngân khố của vua Gia Khánh. Sau khi bị tịch thu, tất cả gia sản mà Hòa Thân đã cướp bóc trái phép từ nhân dân, giờ đây, thuộc quyền sở hữu của triều đình. Như vậy, tất cả những khoản tiền phi pháp này đã biến thành tiền thu thuế gián tiếp và hoàn toàn hợp pháp.
Vậy rất có thể, Càn Long đã cao tay hơn Lưu Dung và Kỷ Hiểu Lam rất nhiều, khi nuôi con nhộng béo Hòa Thân để tặng cho Gia Khánh.
Nguồn tiền tham nhũng phi pháp vô cùng lớn cuối cùng lại trở thành một nguồn thu được hợp pháp hóa của các triều đình. Và Càn Long, một ông vua nhiều mưu mẹo, đã sử dụng công cụ này một cách hoàn toàn tuyệt hảo.
Ngoài kho báu gồm đủ các thứ vàng bạc châu báu, gấm vóc… không thể nào đếm xuể, tính ngang với số thu nhập của triều đình trong 15 năm, Càn Long còn gây dựng uy tín và danh tiếng cho Gia Khánh ngay từ lúc mới lên ngôi. Gia Khánh, ngay sau khi Càn Long băng hà, đã xử tham quan, do đó, con dân trăm họ vô cùng tin yêu vị vua “anh minh” này.
Có thể thấy, Càn Long đã chuẩn bị vô cùng kĩ lưỡng quá trình trao quyền cho Gia Khánh, giúp con mình ổn định triều chính.
Sau khi Hòa Thân chết, toàn bộ tài sản của ông đều bị tịch thu, sung công. Nhờ chuyện này mà quốc khố nhà Thanh trở nên giàu có. Dân gian bởi thế mới có câu: “Hòa Thân ngã ngựa, Gia Khánh ăn no”.
Vậy nên, để nói về đối thủ mạnh nhất của Hoà Thân thì không ai khác lại chính là người hết mực sủng ái ông ta, đó là Hoàng đế Càn Long. Trong suốt quãng thời gian hơn 60 năm trị vì thiên hạ, Càn Long luôn được mệnh danh là người văn võ toàn tài.