Dân Việt

Bất chấp biển cấm, nhiều người lập chợ cóc bán hàng trên vỉa hè Hà Nội

Song Phúc 14/04/2024 16:22 GMT+7
Dù đã có biển cấm, nhưng nhiều người dân vẫn "ngó lơ", lập chợ cóc, bày bán hàng hóa tràn lan trên vỉa hè đường Vũ Tông Phan...

Clip hàng rong, chợ tự phát lấn chiếm hết vỉa hè trên đường Vũ Tông Phan. Thực hiện: Song Phúc.

Ghi nhận của phóng viên Dân Việt, hiện nay, trên nhiều tuyến đường, con hẻm, người dân không chỉ chiếm dụng vỉa hè mà còn ngang nhiên chiếm luôn lòng đường để kinh doanh, buôn bán. Chợ tự phát vẫn họp "bát nháo", gây mất mỹ quan đô thị và ùn ứ, kẹt xe.

Bất chấp biển cấm, nhiều người lập chợ cóc bán hàng trên vỉa hè Hà Nội- Ảnh 1.

Nhiều người dân chiếm dụng lòng đường để kinh doanh tại phố Vũ Tông Phan, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân.

Điển hình, tại con tuyến đường Vũ Tông Phan (thuộc phường Khương Đình, quận Thanh Xuân), người dân bày bán hàng hóa trên vỉa hè bất chấp tuyến đường này đã cắm biển "cấm họp chợ".

Dưới chân biển cấm, các tiểu thương bày bán đủ các loại rau, củ, quả, thịt, cá… biến khu vực này thành chợ tự phát. Khách mua hàng dừng xe ngay dưới lòng, lề đường gây ra cảnh lộn xộn, khiến đoạn đường từ đầu cầu Khương Hạ kéo dài đến đầu cầu cầu Lủ thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm.

Chị Nguyễn Anh Thư (32 tuổi, phường Đại Kim) cho hay, vào giờ cao điểm, khu vực này có hàng trăm người bán hàng rong, xe đẩy, quầy thức ăn nhanh, trải tấm bạt bán quần áo, giày dép... chen chúc nhau. Họ vô tư bày hàng hóa, đồ ăn thức uống ngay bên miệng hố ga, thùng rác, rãnh nước bẩn.

Bất chấp biển cấm, nhiều người lập chợ cóc bán hàng trên vỉa hè Hà Nội- Ảnh 2.

Nhiều hàng rong vô tư bày bán các loại hoa quả, rau xanh, thịt, cá... tràn lan trên vỉa hè, dưới lòng đường khiến cho cả tuyến phố này trở nên nhem nhốc, rác thải tràn ngập.

Không chỉ chen kín vỉa hè, những người bán hàng rong còn trải bạt, đậu xe, đặt bàn ghế nhựa, rổ nhựa trên đường để "đặt" chỗ, khiến lối đi của khách bộ hành và phương tiện giao thông bị chiếm dụng trái phép.

"Các loại rác thải vứt bỏ bừa bãi ngay trên vỉa hè hoặc sát lề đường, tụ lại thành từng đống. Không những thế, nước thải từ việc làm thịt, mổ cá cũng đổ ngay tại chỗ khiến tuyến phố này mỗi khi đi qua đây luôn bốc mùi hôi tanh", chị Thư nói.

Nhiều tiểu thương bán cố định cũng vô tư bày thịt, cá, gà, vịt, rau củ quả tràn từ vỉa hè ra đường. Còn người buôn bán "lưu động" thì đậu cả chục xe lôi, xe ba gác nghênh ngang trên đường, cản trở giao thông.

Bất chấp biển cấm, nhiều người lập chợ cóc bán hàng trên vỉa hè Hà Nội- Ảnh 3.

Vỉa hè cũng được các hàng quán tận dụng triệt để nhất có thể, người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường.

Anh Phạm Mạnh Hoạt (Khương Đình, Thanh Xuân) than thở: "Dù biết đằng sau những gánh hàng rong, xe đẩy là miếng cơm, manh áo, cuộc sống của cả gia đình họ nhưng mưu sinh thì cũng cần phải bảo đảm đường thông, hè thoáng, vệ sinh môi trường và không ảnh hưởng đến giao thông, không thể tiện đâu bán đó, không có trật tự như vậy được".

Điều 35 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, nghiêm cấm các hành vi: họp chợ, mua bán hàng hóa trên đường bộ; phơi thóc (lúa), rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ; đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ; đổ rác hoặc phế thải không đúng nơi quy định; xây, đặt bục, bệ trái phép trên đường...

Bất chấp biển cấm, nhiều người lập chợ cóc bán hàng trên vỉa hè Hà Nội- Ảnh 4.

Bất chấp biển cấm, nhiều người dân vẫn tụ họp chợ, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

Khoản 1, Điều 12 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 100 – 200 nghìn đồng đối với cá nhân, từ 200 - 400 nghìn đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng (trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điểm b, Khoản 5, Điểm e, Khoản 6 của Điều này).