Sáng 15/4, trả lời phóng viên báo Dân Việt, Chi cục Thủy lợi TP.HCM cho biết đã nhận được văn bản do tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp - Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ văn hóa và khoa học - công nghệ (CTCS) gửi giới thiệu người có khả năng "cầu mưa" cho TP.HCM.
Chi cục Thủy lợi TP.HCM cho hay hiện đơn vị này đang trình bày vấn đề lên cấp trên (Sở NNPTNT TP.HCM) để xin ý kiến chỉ đạo.
Khi phóng viên trao đổi với lãnh đạo Chi cục Thủy lợi TP.HCM về hướng xử lý vấn đề trên, vị này cho biết đang trình lãnh đạo, chưa thông tin được. "Mình nghe vậy thôi chứ mình đâu có xử lý", vị này nói.
Trong khi đó, về khía cạnh khoa học, ông Lê Đình Quyết - Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, mưa phải hội tụ các điều kiện. Một là trời phải có mây - loại mây đối lưu dễ xảy ra mưa hoặc các loại mây tầng thấp.
Muốn có mây, quá trình bốc hơi từ mặt đất, ao, hồ… phải liên tục xảy ra. Độ ẩm không khí phải cao, mặt đất có nhiệt độ cao, nhưng càng lên cao nhiệt độ càng giảm, khối không khí đạt tới trạng thái bão hòa. Khi đó, quá trình ngưng kết xảy ra, hạt mây đủ lớn, trọng lượng những hạt mây thắng được lực dòng thẳng, mưa sẽ xảy ra.
Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền văn bản giới thiệu về người đàn ông có thể "cầu mưa". Đây là văn bản do tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp - Giám đốc CTCS gửi Chi cục Thủy lợi TP.HCM về việc giới thiệu ông Lê Minh Hoàng (SN 1967, ngụ huyện Mỹ Đức, Hà Nội) về khả năng "cầu mưa".
Theo nội dung văn bản, ông Hoàng sau hai lần gặp ông Điệp, có nhờ CTCS giới thiệu với các tỉnh phía Nam đang bị hạn hán nặng về khả năng cầu mưa có hiệu quả của ông. Dù chưa xác thực khả năng “cầu mưa” của ông Hoàng, nhưng tiến sĩ Điệp cho biết rất xót xa, dằn vặt trước nạn hạn hán, thất bát mùa màng của bà con nông dân ở phía Nam.
“Nếu quả thực anh Hoàng có khả năng kỳ diệu ấy thì các tỉnh phía Nam đang hạn hán được cứu. Song một lần nữa chúng tôi xin nhấn mạnh việc anh Hoàng có khả năng cầu mưa được hay không chúng tôi chưa khẳng định và phủ định", văn bản của ông Điệp nêu.