Hoàng hậu Ki (1315 – 1369) là Hoàng hậu thứ ba và cũng là phi tần được sủng ái nhất dưới thời Nguyên Huệ Tông thuộc vương triều nhà Nguyên trong lịch sử Trung Hoa.
Sinh thời, Ki thị vốn xuất thân là một cống nữ được Cao Ly cống nạp sang nhà Nguyên dưới thời Trung Huệ Vương. Cuộc đời của bà gặp phải nhiều thăng trầm và trắc trở.
Tương truyền rằng khi mới nhập cung, Ki Hoàng hậu chỉ là một cung nữ dâng trà rót nước. Nhờ vào nhan sắc trời ban cùng tính cách thông minh, lanh lợi, bà đã lọt vào mắt xanh của Hoàng đế Nguyên Huệ Tông và trở thành vị phi tử ngoại quốc được nhà vua độc sủng lúc bấy giờ.
Cũng nhờ vào sự sủng ái của nhà vua, vị phi tần ngoại quốc này đã vươn lên từ thân phận của một cung nữ thấp hèn trở thành Ngũ phẩm Tài nhân và sau đó thăng làm Tiệp dư, Quý phi. Thế nhưng ngay cả khi đã chiếm trọn trái tim của Thiên tử, cuộc sống của bà trong chốn hậu cung xô bồ vẫn chưa có nổi một ngày yên bình.
Sử cũ ghi lại, khi vừa trở thành một phi tử bình thường trong hậu cung, bà đã nhiều lần bị Hoàng hậu đương triều là Đáp Nạp Thất Lý bày kế hãm hại và tìm cách đánh đập. Trong những ngày tháng tủi nhục ấy, việc bà có thể giữ được mạng sống của mình trước những trò đầy đọa của đương kim Hoàng hậu vốn đã được xem là kỳ tích.
Sau đó, gia tộc Đáp Nạp Thất Lý bị khép vào tội phản nghịch. Vua Huệ Tông liền phế bỏ và lưu đày vị Hoành hậu thường xuyên hiếp đáp sủng phi của mình.
Ngay sau khi đối thủ nặng ký bị loại trừ, cuộc sống của Ki thị ở hậu cung đã thay đổi một cách ngoạn mục.
Theo quy chế của Nguyên triều, các Hoàng đế có quyền lập nhiều vị Hoàng hậu cùng một lúc, nhưng người được trao quyền quản lý hậu cung lại chỉ có một. Sau khi Tiên Hoàng hậu qua đời, Ki thị cùng với cháu gái của Thừa tướng Bá Nhan đều đồng loạt được phong hậu.
Theo "Nguyên sử", chính cung Hoàng hậu Bá Nhan Hốt Đô được đánh giá là người "đức hạnh, sống không đố kỵ, thông hiểu lễ nghi nội cung". Có nhiều ý kiến còn cho rằng bà có tính cách và bản chất trái ngược hoàn toàn so với Đệ nhị Hoàng hậu Ki thị.
Mặc dù Bá Nhan Hốt Đô Hoàng hậu mới được xem như chính thất, thế nhưng mọi quyền hành quản lý lục cung lại được Hoàng hậu đệ nhị là Ki thị nắm trong lòng bàn tay.
Chỉ riêng việc "vượt mặt" được cháu gái của Thừa tướng cũng đủ để thấy bản lĩnh của vị phi tần Cao Ly ấy vốn không thể coi thường.
Tới năm 1365, Bá Nhan Hốt Đô Hoàng hậu đột ngột qua đời ở tuổi 42. Tương truyền rằng khi vị Hoàng hậu này băng hà, Ki thị đã nhìn vào những bộ trang phúc cũ rách, đơn sơ của bà mà chế giễu rằng:
"Đường đường là một Hoàng hậu, một chính thê của Hoàng đế, sao có thể mặc những bộ trang phục như vậy?".
Cũng kể từ sau cái chết đột ngột của Bá Nhan Hoàng hậu, Ki thị đã chính thức được làm đại lễ sắc phong và trở thành vị Hoàng hậu chính thất duy nhất của triều Nguyên lúc bấy giờ.
Không những vậy, bà còn hạ sinh cho Nguyên Huệ Tông một người con trai, người này cũng là con trưởng và đã trở thành Hoàng đế nối ngôi sau khi Tiên đế qua đời.
Từ một phi tần mang gốc gác ngoại bang, Hoàng hậu Ki đã loại bỏ mọi rào cản trên con đường bước lên ngai vị mẫu nghi thiên hạ.
Và một trong những nguyên nhân khiến bà trở thành người phụ nữ quyền lực nhất Nguyên triều không thể không kể tới sự tâm cơ cùng tài năng cung đấu thuộc vào hàng thượng thừa.
Theo Bách khoa toàn thư Trung Quốc, Hoàng hậu Ki được đánh giá là con người thông minh, nhưng tính cách lại hết sức tâm cơ, nhiều mưu tính và đôi khi không từ thủ đoạn để diệt trừ đối thủ.
Ngay cả khi đã đứng đầu hậu cung, bà vẫn không thỏa mãn với việc điều khiển lục cung mà còn có ý định thâu tóm chính trị trong triều.
Bấy giờ, Thừa tướng Nguyên triều là Bá Nhan từng nhiều lần ra mặt chống lại Hoàng hậu Ki. Sau này, bà đã tìm cách cấu kết một số triều thần nhằm khép Bá Nhan vào tội lộng quyền, hạ lệnh cách chức và âm thầm cho người trừ khử ông.
Cũng theo ghi chép của một vài tư liệu lịch sử, Hoàng hậu Ki từng có mưu đồ ép phu quân Huệ Tông thoái vị để con trai lên làm Hoàng đế, còn mình thì ở ngôi Hoàng Thái hậu.
Để thực hiện âm mưu này, bà đã cố tình tìm đến Tả Thừa tướng Thái Bình nhằm kết liên minh. Tuy nhiên vị Thừa tướng ấy chẳng những không nhận lời mà còn mắng bà là kẻ có âm mưu đại nghịch.
Không lâu sau đó, Thừa tướng Thái Bình cũng có kết cục bi thảm không kém so với Bá Nhan. Bản thân ông bị cách chức, lưu đày, còn gia tộc thì sau đó đều bị giết hại.
Bên cạnh những nước cờ chính trị thâm sâu kể trên, vị Hoàng hậu đến từ xứ Cao Ly này còn rất biết cách thu phục lòng người.
Năm xưa khi quê hương mẫu quốc của bà gặp đại hạn, chính Ki thị đã hạ lệnh cho triều đình nhà Nguyên mở kho cứu tế, từ đó lấy được lòng dân và được bách tính rất mực yêu kính.
Tại mẫu quốc Cao Ly, cha của Hoàng hậu Ki biết con gái đang nắm trong tay đại quyền nên càng lúc càng kiêu ngạo, thậm chí còn ra mặt chống đối quốc vương, cả gan khẳng định mình sẽ thay thế vương vị.
Việc này khiến quốc vương của Cao Ly không dễ dàng bỏ qua. Gia tộc của Hoàng hậu Ki tại quê nhà cũng vì vậy mà đều bị xử tử.
Phẫn nộ trước việc quốc vương tàn sát người nhà mình, Hoàng hậu Ki đã để con trai đem quân xuất binh đi tấn công Cao Ly. Không ngờ rằng đại quân Nguyên triều lại trở về trong thất bại nặng nề.
Sự thực là dù tâm cơ và toan tính tới đâu, Hoàng hậu Ki vẫn không thể cứu vớt thế cục của một vương triều đang trượt dài trên đà suy vong. Bởi thực tế là tới thời Nguyên Huệ Tông tại vị, thiên hạ đã đại loạn, khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi.
Năm 1368, trước tình thế quân Chu Nguyên Chương đã nắm giữ đại cục, Ki Hoàng hậu cùng con trai phải chạy trốn khỏi Đại Đô.
Sự kiện này cũng chính thức đặt dấu chấm hết cho thời kỳ người Mông Cổ nắm quyền thống trị trên toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa.
Sau khi con trai lên ngôi Hoàng đế, lập ra nhà Bắc Nguyên đối kháng kéo dài với nhà Minh, Hoàng hậu Ki đã được phong làm Hoàng Thái hậu đúng như mong muốn của bà lúc sinh thời.
Tiếc rằng chỉ chưa đầy một năm sau khi được nhận ngôi vị này, bà đã qua đời ở tuổi 55. Có giai thoại khác truyền lại rằng bà đã mất tích không lâu sau khi trở thành Hoàng Thái hậu.
Tuy nhiên dù kết cục của Hoàng hậu Ki cuối cùng ra sao, thì cuộc đời đầy sóng gió và thăng trầm của vị phi tần đến từ Cao Ly ấy cũng đã chính thức khép lại vào năm 1369. Thế nhưng những dấu ấn mà bà khắc ghi vào trong lịch sử vẫn sẽ trở thành những giai thoại khiến hậu thế không thể nào quên.