Hoàng hậu Đáp Nạp Thất Lý thuộc bộ lạc Khâm Sát (Kipchak) nên cũng gọi "Khâm Sát thị", ngoài ra còn gọi là "Bá Nha Ngô thị", con gái của Thái Bình vương Yên Thiếp Mộc Nhi, một đại thần thời Nguyên Văn Tông, có ảnh hưởng chính trị phức tạp và là Thái sư đầu triều trong những năm cai trị của Nguyên Văn Tông. Bà có một huynh trưởng là Đường Kỳ Thế (Tangkis), cũng là Đại tướng quân trong triều đình.
Không rõ thời gian bà được cha gả cho Nguyên Huệ Tông, nhưng khi đó sức ảnh hưởng của Yên Thiếp Mộc Nhi vô cùng lớn, đến mức liên tiếp Nguyên Văn Tông rồi Nguyên Ninh Tông đều bị ông khống chế. Yên Thiếp Mộc Nhi vốn được Nguyên Vũ Tông đề bạt; trong cuộc chiến tranh hai đô sau khi Thái Định Đế qua đời, lúc Thiên Thuận Đế lên ngôi ở Thượng Đô thì Yên Thiếp Mộc Nhi nắm giữ đại quyền ở Đại Đô và lập hậu duệ của Nguyên Vũ Tông là Đồ Thiếp Mộc Nhi (Nguyên Văn Tông) lên kế vị.
Sau khi thắng cuộc chiến với phe Thiên Thuận Đế, Yên Thiếp Mộc Nhi đã chọn Nguyên Văn Tông làm một hoàng đế chính thức nên xuống tay đầu độc Trưởng tử của Nguyên Vũ Tông là Nguyên Minh Tông. Do Thỏa Hoan Thiếp Mộc Nhi là đích trưởng tử của Nguyên Minh Tông, lại đang nghi ngờ cái chết của cha, Yên Thiếp Mộc Nhi không muốn lập hoàng tử này lên kế vị, bất chấp Nguyên Văn Tông lúc lâm chung đã để lại di chiếu nhường ngôi cho con của anh trai.
Tuy nhiên, Hoàng hậu của Nguyên Văn Tông, Bốc Đáp Thất Lý đã can dự vào việc này, và quyết định chọn Thỏa Hoan Thiếp Mộc Nhi lên kế vị, tức vua Nguyên Huệ Tông. Việc Đáp Nạp Thất Lý được gả cho Nguyên Huệ Tông có thể là một phần trong thỏa thuận của Yên Thiếp Mộc Nhi để lập Nguyên Huệ Tông làm hoàng đế, vì chỉ như vậy con gái của Yên Thiếp Mộc Nhi mới được sắc phong làm Hoàng hậu.
Năm Chí Thuận thứ 4 (1333), tháng 8 (Âm Lịch), Bốc Đáp Thất Lý được sách lập Hoàng hậu, cũng trong năm này thì Yên Thiếp Mộc Nhi mắc bệnh qua đời, Đường Kỳ Thế tiếp nối Thái Bình vương và thụ chức Ngự sử đại phu. Năm Nguyên Thống thứ 2 (1334), triều đình cử hành lễ Sách lập và nhận Sách bảo. Theo lệ nhà Nguyên, Hoàng đế được lập một lúc nhiều Hoàng hậu, nhưng chỉ có một Hoàng hậu nhận Sách và được xem như Trung cung Hoàng hậu.
Thông tin về hoàng hậu Bốc Đáp Thất Lý thực tế không được ghi lại nhiều, song có vẻ từ khi phụ thân mất, bà thất thế và mất đi ân sủng của Nguyên Huệ Tông. Ngay sau đó, Quốc vương Cao Ly tiến cống mỹ nữ làm cung nữ nội đình, đó là Ki thị - một nữ tử Cao Ly có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành, được Nguyên Huệ Tông chú ý, sủng ái tột độ. Hoàng hậu Bốc Đáp Thất Lý vốn kiêu kỳ nên đố kị với Ki thị, thường xuyên đánh đập, lăng nhục không thương tiếc vị nữ nhân tới từ Cao Ly.
Sau khi Yên Thiếp Mộc Nhi mất, nhờ sự tín nhiệm của Nguyên Huệ Tông, Bá Nhan bắt đầu nắm quyền lực trong triều, trở thành đối trọng với Thái Bình vương Ngự sử đại phu Đường Kỳ Thế. Năm Nguyên Thống thứ 3 (1335), Đường Kỳ Thế dấy binh nổi loạn nhằm trừ khử Bá Nhan nhưng thất bại và bị giết. Vì cố gắng bảo vệ em trai Tháp Lạp Hải đang chạy trốn Bá Nhan, Đáp Nạp Thất Lý cho giấu Tháp Lạp Hải vào trong cung, song bị phát hiện và Tháp Lạp Hải bị xử chết, còn hoàng hậu Đáp Nạp Thất Lý bị phế truất và đuổi ra khỏi hoàng cung. Tân Nguyên sử ghi thêm rằng, không lâu sau, Phế hậu Đáp Nạp Thất Lý bị Thừa tướng Bá Nhan ban rượu độc tại Khai Bình.
Đáp Nạp Thất Lý trở thành 1 trong 4 vị Trung cung Hoàng hậu của nhà Nguyên bị "tước Hậu vị" khi còn sống, bên cạnh Bốc Lỗ Hãn của Nguyên Thành Tông, Bát Bất Hãn của Nguyên Thái Định Đế và Bát Bất Sa của Nguyên Minh Tông. Tuy nhiên, bà là trường hợp duy nhất bị phế truất bởi phu quân là đương kim Hoàng đế, ba vị còn lại đều do đời sau tước tư cách Hoàng hậu sau khi phu quân của họ đã băng hà.