"Đi tìm tên mới cho làng" là câu chuyện gây xôn xao dư luận trong nhiều ngày qua, sau khi hàng loạt tỉnh thành trong cả nước đã công bố phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025. Xung quanh vấn đề này PV Dân Việt có cuộc trao đổi với ông Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL.
Mới đây, hàng loạt tỉnh thành trong cả nước đã công bố phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025. Theo đó, tổng số xã thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị (bao gồm 738 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 109 đơn vị khuyến khích và 396 đơn vị liền kề), sau sắp xếp dự kiến giảm còn 619 đơn vị. Những thay đổi về mặt thủ tục hành chính đã được đưa ra bàn bạc nhiều ngày qua. Vậy còn về khía cạnh văn hóa, theo ông, sự thay đổi này sẽ mang tới những tác động như thế nào?
Thú thực, đây là điều khiến tôi băn khoăn nhiều trong những ngày qua. Phát triển kinh tế - xã hội là điều chúng ta cần làm, tuy nhiên, văn hóa là yếu tố cực kỳ quan trọng, cần lưu giữ, bảo tồn và xây dựng.
Sáp nhập làng xã sẽ tạo ra không ít thách thức đối với văn hóa. Trước hết, đó là sự biến mất của những tên làng, vốn đã gắn liền với nhiều thế hệ. Tiếp đó, không thể không nói tới việc gìn giữ những nét đặc trưng của mỗi địa phương, với các yếu tố về di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể, cảnh quan, lối sống…
Một ví dụ có thể đề cập tới là các đền thờ, thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu trên nhiều địa phương tại Việt Nam. Việc sáp nhập làng xã cùng với tư duy "đổi mới" liệu có đưa những địa chỉ này về một ban quản lý Nhà nước, biến nơi đây thành một đơn vị hành chính sự nghiệp, làm mất đi vị trí người thủ nhang vốn rất uy tín và thiêng liêng như một số nơi đã làm trong những năm gần đây?
Các địa chỉ được in khắc trên những di tích sẽ thay đổi như thế nào? Việc tổ chức những lễ hội tại mỗi địa phương sẽ tiến hành ra sao? Đó đều là những điều chúng ta cần nghĩ tới khi sáp nhập.
Một thực trạng đặt ra là việc sáp nhập các xã, phường khiến nhiều địa phương trong cả nước đứng trước nguy cơ mất đi tên gọi vốn có, đặc biệt là những xã cổ, có làng nghề truyền thống nổi tiếng. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Văn hóa làng xã đã đi vào tâm thức người Việt với những giá trị to lớn về cả vật chất và tinh thần. Xã hội chúng ta bắt nguồn từ làng xã, đó chính là cái nôi gắn kết mỗi con người, tạo nên khối đoàn kết cộng đồng, động lực cho phát triển. Cũng bởi vậy, sự thay đổi tại đơn vị làng xã có tác động sâu sắc và toàn diện đến mọi mặt đời sống xã hội.
Tên làng khi xưa đều chỉ có một từ, như Trôi, Nhổn, Láng, Sặt, Kẻ… Sau đó, theo thời gian, những cái tên hai chữ ra đời, thường đều mang những ý nghĩa khác nhau, có thể là mong ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn như An Thái, Nhân Hòa… hay gắn với dòng họ lập làng, có đông người nhất như Bùi Xá, Cao Xá...
Cái tên không chỉ nhắc nhớ tới không gian sống làng xã của chúng ta thời xa xưa mà còn kết nối các thế hệ từ quá khứ tới hiện tại, đi vào tiềm thức của con người. Đi nhiều nơi trên thế giới, tôi bắt gặp những miền đất có lịch sử hàng ngàn năm, họ giữ nguyên địa danh không thay đổi. Trong việc đặt tên, nếu không cẩn trọng, chúng ta sẽ làm mất đi truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc.
Gần đây, không ít người dân các xã này đã lên tiếng bày tỏ mong muốn giữ lại tên làng. Một số tên gọi bị người dân phản ứng, cho rằng vô nghĩa, chưa phù hợp với văn hóa, lịch sử của địa phương đó. Theo ông, việc đặt tên mới cho làng xã cần lưu ý những yếu tố nào?
Tôi đã nghe những cái tên này và cảm thấy rất buồn. Không thể cứ ghép đầu xã này, đuôi xã kia để thành cái tên mới hoặc đưa ra những cái tên mỹ miều nhưng xa lạ với mỗi địa phương, điều này thể hiện sai lầm trong tư duy văn hóa.
Việc cần làm là chọn ra cái tên mới hợp lòng dân, sao cho phù hợp với các đặc trưng về văn hóa, lịch sử của địa phương. Những địa danh trong quá khứ luôn ẩn chứa những giá trị lịch sử, văn hóa nhất định, nhất là đối với các làng xã – đơn vị hành chính gần gũi bậc nhất đối với mỗi người. Tôi cho rằng, trong quá trình đặt tên, ý kiến của người dân cần được tôn trọng, bởi họ chính là người đóng góp, gìn giữ cho giá trị văn hóa của làng xã, cũng là người gắn bó với cái tên mới sau khi sáp nhập.
Trong quá trình đặt tên, những cái tên cổ, có sử dụng ngôn ngữ địa phương rất cần giữ lại. Điều này giúp tôn vinh và bảo tồn văn hóa dân tộc, bởi tên làng cũng chính là một di sản.
Theo ông, các địa phương có nên mời các chuyên gia khoa học, lịch sử tham gia vào quá trình đặt tên mới sau sáp nhập?
Tôi cho là điều này vô cùng nên làm. Từ trước tới nay, việc đặt tên phố chúng ta còn thành lập hội đồng, vậy làng xã – một đơn vị hành chính lớn như vậy cũng cần nhiều ý kiến tham khảo, đặc biệt là từ những chuyên gia am hiểu về xã hội học, văn hóa, lịch sử.
Trước khi đặt tên cho một địa danh mới, chúng ta rất cần trân trọng lịch sử của vùng đất, thông tin từ các nhà nghiên cứu địa phương, thay vì tiến hành một cách vội vàng, hồ đồ. Để làm điều này không có gì quá khó khăn và phức tạp.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!