Dân Việt

TS Nguyễn Tuấn Anh: Quấy rối nơi công sở thời 4.0 có nhiều biểu hiện khó xác định mức độ nghiêm trọng

Hà Tùng Long 19/04/2024 08:01 GMT+7
TS. Nguyễn Tuấn Anh - Viện Nghiên cứu Thanh niên, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ với Dân Việt về những biểu hiện tiêu cực của văn hóa ứng xử nơi công sở thời 4.0.

Mấy ngày qua, thông tin CEO Nhã Nam có hành vi quấy rối nhân viên nữ nơi công sở đang gây nhiều bất bình trong dư luận. Với tư cách là Tiến sĩ nghiên cứu và giảng dạy tại Viện Nghiên cứu Thanh niên, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

- Tôi cũng có theo dõi vụ việc trên và bản thân tôi là người rất phản đối những hành vi này. Từ phía chủ quan, tôi cho rằng, thực trạng quấy rối tình dục tại nơi công cộng có lẽ đang diễn ra tại nhiều môi trường làm việc và bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của tình trạng này. Tôi nghĩ, cũng đã đến lúc chúng ta cần thẳng thắn và dũng cảm đối diện với thực trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc – một vấn đề không mới nhưng gần như vẫn chỉ âm ỉ tổn tại trong sự bức xúc, ức chế, khổ đau và sự kháng cự yếu ớt của các nạn nhân. Và cũng đã đến lúc, chúng ta cần áp dụng mạnh tay các chế tài xử lý về mặt pháp luật và sự lên án mạnh mẽ từ phía cộng đồng xã hội.

TS Nguyễn Tuấn Anh: Quấy rối nơi công sở thời 4.0 có nhiều biểu hiện khó xác định mức độ nghiêm trọng- Ảnh 1.

TS. Nguyễn Tuấn Anh - Viện Nghiên cứu Thanh niên. Ảnh: NVCC

Nhiều người cho rằng, văn hóa ứng xử công sở thời 4.0 đang có rất nhiều vấn đề đáng báo động. Đặc biệt là chuyện quấy rối tình dục nơi công sở ngày càng nhiều với hình thức biểu hiện tinh vi và phức tạp hơn. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

- Tôi cho rằng, các hình thức và nội dung quấy rối tình dục tại nơi công sở nói riêng và các hành vi quấy rối tình dục nói chung là rất đa dạng, phong phú... đặc biệt là trong nhiều trường hợp rất khó xác định. Hậu quả gây ra từ hành vi này đôi khi cũng khó xác định được mức độ nghiêm trọng. Tôi đồng tình rằng, dưới sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh, mạng xã hội và sự phát triển của hệ thống thông tin truyền thông mà quấy rối tình dục tại nơi công sở diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp hơn. Chúng ta thấy hiện nay, mỗi cá nhân đều có thể là thành viên của nhiều hội nhóm trên mạng và cũng là người dùng của nhiều nền tảng mạng xã hội.

Do đó, nhiều nội dung trước kia khó xác định đó là hành vi quấy rối tình dục thì giờ cũng có thể/cần được coi là hành vi quấy rối tình dục. Ví dụ: Việc chia sẻ các hình ảnh, video clip nhạy cảm trong các hội nhóm, các bình luận công kích về các nạn nhân... cũng là những hành vi quấy rối tình dục gián tiếp. Mà như chúng ta đã biết, nhiều hành vi gián tiếp nhưng trên thực tế lại gây ra hậu quả trực tiếp.

Nguyên nhân dẫn đến những biểu hiện này là gì, thưa ông?

- Theo tôi, nguyên nhân của tình trạng quấy rối tình dục tại nơi công sở ngày càng nghiêm trọng với các biểu hiện ngày càng tinh vi phức tạp là vì:

Từ phía nạn nhân: nhiều người ở vị trí làm việc thấp nên không dám lên tiếng phản kháng; sợ ảnh hưởng đến cá nhân và gia đình; nhiều người xấu hổ dẫn đến ngại ngùng, khó diễn đạt; nhiều người lại bỏ qua vì không nhận thức được mức độ của vấn đề...

Từ phía người thực hiện hành vi: dùng áp lực từ quyền thế của mình; nắm bắt được tâm lý xấu hổ, sợ hãi, e ngại của nạn nhân; nắm được những điểm yếu của nạn nhân... Đặc biệt, nhiều người cũng không nhận thức được đâu là những hành vi nằm trong giới hạn trêu đùa, vui vẻ với quấy rối tình dục, gây ra khó chịu cho người khác.

Thêm nữa, tình trạng quấy rối tình dục diễn ra phức tạp cũng có đóng góp rất lớn từ sự thờ ơ của những người xung quanh nạn nhân (như đồng nghiệp, bạn bè, người thân...) do những người này không dám lên tiếng vì sợ ảnh hưởng đến bản thân hoặc do họ chưa đồng cảm, thấu cảm được với tình trạng và tinh thần của các nạn nhân để có những sẻ chia, cảm thông và bảo vệ những người này.

Nhiều hành vi quấy rối nơi công sở rất khó xác định

Trước thực trạng nêu trên, phải chăng chúng ta cần phải nhìn nhận lại và đặt ra các vấn đề về giới hạn đạo đức, văn hóa ứng xử nơi công sở trực diện, sát với thực tiễn hơn?

- Cá nhân tôi cho rằng, câu chuyện quấy rối tình dục tại nơi làm việc không phải bây giờ mới được bàn đến. Tôi còn nhớ cách đây khoảng chục năm, Vụ Bình Đẳng giới - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã tổ chức một chuỗi hội thảo, toạ đàm khoa học về vấn đề này nhằm đề xuất, xây dựng các quy định pháp luật có liên quan và hiện nội dung này cũng đã được một số luật đề cập.

Tuy nhiên, cái khó nhất vẫn là việc xác định hành vi nào là quấy rối và hành vi nào là không rất khó do thường những hành vi này có rất ít người chứng kiến để có thể làm chứng. Đồng thời, nhiều người lợi dụng sự thân thiết, các tình huống vui vẻ của cơ quan để thực hiện những hành vi này nên nhiều người không nhận ra hoặc rất khó để đưa vấn đề này ra thành một nội dung để xử lý. Chúng ta cũng biết đây là vấn đề nhạy cảm nên chúng ta có xu hướng ít nói về chúng.

Tuy vậy, để dứt điểm giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng, chúng ta cần nghiêm túc, thẳng thắn đưa các quy định liên quân đến quấy rối tình dục tại nơi công sở vào các quy tắc làm việc hay quy tắc giao tiếp giữa các cá nhân trong môi trường công sở; quy định rõ hành vi nào được phép và hành vi nào là không được phép và đặc biệt cần có quy định về chế tài xử lý rõ ràng, đủ tính răn đe.

Sẽ có những nguy cơ nào xảy ra nếu chúng ta không thiết lập được hệ thống trật tự đó?

- Nguy cơ lớn nhất là sẽ ngày càng có nhiều nạn nhân của quấy rối tình dục. Khi tâm trạng của họ hoảng loạn, sự hãi thì họ không tập trung làm việc được. Đặc biệt, khi sự cầu cứu của họ với đồng nghiệp không được lắng nghe thì họ sẽ cảm thấy bất lực, đau khổ... từ đó họ mất đi tâm thế làm việc, động cơ cống hiến cho tổ chức ngày càng giảm sút. Về phía cơ quan nơi nạn nhân công tác cũng sẽ bị ảnh hưởng đến danh tiếng, hiệu quả làm việc, hiệu quả sản xuất kinh doanh, gây nên những dư luân xấu trong cơ quan, các cán bộ sẽ không an tâm làm việc. Nói chung, một môi trường làm việc thiếu an toàn thì sẽ không phải là một môi trường làm việc mà người lao động hướng đến.

Một điều rất đáng nói là trong các vụ bê bối liên quan đến chuyện quấy rối tình dục nơi công sở, đa phần các đối tượng chọn cách xin lỗi qua loa, bâng quơ trên mạng xã hội. Những lời xin lỗi này thường rất thiếu sự thành khẩn và thiếu sự hối lỗi. Phải chăng, công sở thời 4.0 không còn văn hóa xin lỗi?

- Cá nhân tôi nghĩa, công sở thời 4.0 không những không mất đi văn hoá xin lỗi mà thậm chí văn hoá xin lỗi còn có nhiều cách thức thể hiện hơn. Như chúng ta đã biết, con người thường dễ dàng viết ra những thứ mình muốn truyền đạt dễ dàng hơn là nói ra trực tiếp những điều đó. Tuy nhiên, chuyện xin lỗi như thế nào, mức độ thành khẩn ra sao thì còn phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, địa vị của người xin lỗi, người tiếp nhận và tình trạng nghiêm trọng của vấn đề.

Chúng ta cũng đã thấy có nhiều sự việc được các cá nhân đăng tải lời xin lỗi trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và nhận được sự chấp nhận và thứ lỗi của cộng đồng. Đương nhiên, lời xin lỗi đó phải phụ thuộc vào việc chúng đã thực sự thành khẩn chưa, đã đối diện với thực tế vấn đề chưa, đã hướng đến các nạn nhân chưa và có cam kết thay đổi trong thời gian tới hay không.

Thêm nữa, tôi cũng thấy rằng, các chế tài xử lý của chúng ta vẫn chưa thực sự đủ mạnh nên những người gây ra các vụ việc chưa thành khẩn trong các lời xin lỗi của mình.

Theo ông, vì sao, dù đã bước vào kỷ nguyên số, bước vào thời đại 4.0, người ta quá dễ dàng để bảo vệ mình bằng các phương tiện công nghệ và nền tảng xã hội nhưng nạn nhân của những vụ quấy rối tình dục vẫn không dám lên tiếng?

- Có nhiều lý do dẫn đến việc nhiều nạn nhân chưa dám lên tiếng về việc bị quấy rối tình dục. Thứ nhất, nạn nhân sợ ảnh hưởng đến danh tiếng, uy tín cá nhân. Thứ hai, họ sợ công việc bị ảnh hưởng (giảm việc, mất việc, quyền lợi công việc giảm sút chẳng hạn). Thứ ba, họ không tìm được sự sẻ chia, cảm thông từ phía những người mà họ cho là có thể giúp đỡ họ. Thứ tư, họ thiếu bằng chứng để tố cáo những người quấy rối họ. Thứ năm, nhiều nạn nhân còn hạn chế trong nhận thức, thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật và các chế tài có liên quan có thể bảo vệ họ.

Cần có sự điều chỉnh nào về mặt pháp luật, quy chuẩn đạo đức hay giáo dục để chấn chỉnh những sự việc như đã nêu ở trên, thưa ông?

- Một số nghị định về xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc đã có nhưng chế tài và mức xử phạt chưa đủ sức răn đe về hành vi này. Do đó, cá nhân tôi nghĩ cần tăng mức phạt cho hành vi này, thậm chí công khai danh tính của người thực hiện hành vi quấy rối. Tôi nghĩ, cũng cần quy định cả trách nhiệm của những người có liên quan trong việc lên tiếng bảo vệ nạn nhân giống như quy định về trách nhiệm của người chứng kiến tai nạn giao thông phải có trách nhiệm hỗ trợ giúp đỡ người bị nạn vậy.

Các công sở thì cần có những chuẩn mực nguyên tắc làm việc giao tiếp giữa lãnh đạo, người quản lý với nhân viên và giữa nhân viên với nhau một cách công khai minh bạch và cũng cần có chế tài xử lý công khai, đúng người đúng tội không có bao che, bỏ qua sự việc.

Cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh đã chia sẻ thông tin!