Triều đại đầu tiên của Việt Nam được xác định là triều Hùng của nước Văn Lang. Bấy giờ nước ta có tổng cộng 18 đời vua, tất cả đều xưng hiệu là Hùng Vương. Hàng năm, người dân Việt Nam vẫn phát huy tinh thần, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” bằng cách tổ chức lễ giỗ Tổ ngày 10/3 âm lịch.
Có thể nhiều người không biết, con số 18 đời vua Hùng chưa hoàn toàn đúng. 18 nhiều khả năng chỉ là con số có tính ước lệ, bội của số 9, con số thiêng theo quan niệm của người Việt. Có nghiên cứu chỉ ra rằng thực chất có 19 vị vua Hùng, vị thứ 19 này ít khi được nhắc đến vì chỉ trị vì được 6 năm thì mất.
Cụ thể, trong Bản Thần tích ở xã Vi Cương, Phú Thọ có đoạn chép rằng vua Hùng Duệ Vương (vị Vua Hùng thứ 18) đã truyền ngôi cho con trai trưởng là Hùng Kính Vương. Hùng Kính Vương lên ngôi, trị vì được 6 năm thì qua đời, Hùng Duệ Vương vì không có con nối dõi nữa nên đành quay lại ngai vàng. Đến khi quá già yếu, người đành truyền ngôi lại cho con rể là Nguyễn Tuấn (tức Sơn Tinh).
Sở dĩ người ta ít nhắc đến vị Vua Hùng thứ 19 – Hùng Kính Vương là vì thông tin về người rất ít ỏi. Khoảng thời gian trị vì chỉ 6 năm nên không có nhiều ghi chép về ông. Tên húy, ngày sinh, ngày mất của vị vua này đều không rõ. Tuy ít xuất hiện trong truyền thuyết, huyền thoại nhưng Hùng Vương thứ 19 vẫn có ảnh hưởng nhất định trong dân gian.
Tương truyền, Hùng Kính Vương chính là người gắn liền với câu thành ngữ nổi tiếng: “Ngựa quen đường cũ”. Chuyện kể rằng ở vùng Kẻ Đọi có một lạc dân sở hữu con ngựa đen cực đẹp. Viên Bồ chính vùng đó nhìn thấy ngựa thì nảy lòng tham, cướp mất. Lạc dân sau đó tìm đến Hùng Kính Vương nhờ ngài phân giải.
Hai bên được vua triệu hồi, phân xử mãi không xong vì ai cũng cãi ngựa là của mình. Cuối cùng, Vua Hùng thứ 19 quyết định giữ con ngựa lại, cho 2 người về nhà.
Chiều hôm đó, Hùng Kính Vương thả ngựa ra ngoài và đi theo đó. Ngựa không nghĩ ngợi nhiều mà phóng một đường về nhà người lạc dân. Sự thật trắng đen cuối cùng cũng rõ ràng, lạc dân thắng kiện, viên Bồ chính thì bị xử phạt. Cũng từ đó mà dân gian có câu thành ngữ: “Ngựa quen đường cũ”.