Nhiều năm qua, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế ở xã Phước Hải, huyện Ninh Phước đã tập trung chuyển đổi sản xuất trên vùng đất khô cằn, cát trắng đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho xã viên và người dân địa phương.
Bà Châu Thị Xéo – Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế cho biết: Từ năm 2018, HTX được thành lập với 73 thành viên chủ yếu là người dân tộc Chăm. Ngoài trồng măng tây xanh với thu nhập đạt 60 - 70 triệu đồng/sào/năm, các hộ thành viên còn được hưởng lợi từ lợi nhuận kinh doanh của HTX là 48 triệu đồng/hộ/năm; thu nhập bình quân của cán bộ quản lý HTX 36 triệu đồng/người/năm.
"Chỉ tiêu đề ra là đến năm 2025, Hội ND tỉnh Ninh Thuận sẽ vận động thành lập mới 28 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 14 chi hội nông dân nghề nghiệp. Thành lập mới 24 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và 2 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả".
Ông Lê Thanh Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận
Giám đốc Châu Thị Xéo đã vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.
Được thành lập vào năm 2016, ban đầu chỉ có 13 thành viên với số vốn hơn 100 triệu đồng, nhưng đến nay, doanh thu của HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước) đã lên đến hơn 3 tỷ đồng/năm. HTX đã tạo việc làm cho gần 250 lao động thường xuyên, trong đó chủ yếu là người dân tộc Chăm, thu nhập trung bình từ 6-8 triệu đồng mỗi tháng.
Ông Hùng Ky - Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú cho biết: Đến nay, HTX nâng lên 55,6ha măng tây xanh của 85 hộ thành viên, trong đó có 35ha canh tác theo mô hình cánh đồng lớn. Tính riêng trong năm 2023 vừa qua, doanh thu của HTX đạt 3,107 tỷ đồng; chi trả cho các hộ thành viên 3,094 tỷ đồng, HTX có lãi ròng 131,7 triệu đồng. Sản phẩm măng tươi xanh của HTX Tuấn Tú đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022. HTX đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại chế biến sản phẩm trà măng tây VietGAP Tuấn Tú, cung cấp ra thị trường, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm măng tây xanh.
Theo Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có gần 52.000 hội viên nông dân tham gia sinh hoạt tại 65 cơ sở Hội, 398 chi hội và 1.033 tổ Hội. Các cấp Hội đã phối hợp với ngành nông nghiệp, các đơn vị, địa phương đẩy mạnh hoạt động tư vấn, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị, tăng hiệu quả kinh tế.
Ông Lê Thanh Hùng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận cho biết: Trong năm 2023 vừa qua, Hội ND tỉnh cũng đã phối hợp các ngành chuyên môn tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, chương trình hành động về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Riêng về đầu tư phát triển các HTX, từ nguồn ngân sách địa phương trong năm 2023 tỉnh đã bố trí vốn hỗ trợ cho các HTX 20 tỷ đồng trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và UBND tỉnh đã phân bổ cho UBND các huyện, thành phố.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, vừa qua, Chính phủ ban hành Quyết định 182/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030", cán bộ hội viên nông dân tỉnh Ninh Thuận nói chung rất phấn khởi và kỳ vọng triển khai thực hiện sớm.
"Hiện nay, chúng tôi đang chủ trì phối hợp với Sở NNPTNT và các sở ngành, địa phương xây dựng đề án thực hiện Quyết định 182 phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, dự kiến sẽ đưa vào thực hiện trong thời gian sớm nhất" - ông Hùng thông tin.