Diễn viên Hồng Phúc tên thật là Nguyễn Hồng Phúc, sinh năm 1995 ở Hà Nội. Anh từng tốt nghiệp lớp diễn viên Kịch - Điện ảnh tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, sau đó đầu quân cho Nhà hát Kịch Việt Nam.
Trong số các diễn viên thuộc thế hệ 9x của Nhà hát Kịch Việt Nam, Hồng Phúc được đánh giá là diễn viên trẻ tài năng và tiềm năng. Anh từng góp mặt trong nhiều vở diễn đặc sắc của Nhà hát như: Bão Tố Trường Sơn, Kiều, Nghêu, sò, ốc, hến, Cô gái và chiếc xe máy, Sự sống, Người tốt nhà số 5, Đêm Trắng, Thiên Mệnh, Người trong cõi nhớ, Quan Thanh Tra, Ả cave nhà hàng Maxim....
Nhờ sự chăm chỉ trau dồi, tích lũy kinh nghiệm diễn xuất, diễn viên Hồng Phúc đã nhận được nhiều giải thưởng như: Tài năng trẻ triển vọng Liên hoan tài năng trẻ sân khấu kịch nói Toàn quốc 2017 vở diễn Ôn Đình chém Tá vai Khương Linh Tá; Huy chương Bạc Liên hoan sân khấu Thủ Đô 2020 vai Khôi "lốp" vở Người tốt nhà số 5; Huy chương Đồng Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc 2021 vai vua Trần Thái Tông trong vở Thiên Mệnh.
Mới đây, Hồng Phúc còn ra sách với tư cách là tác giả. Cuốn sách Tôi và nỗi buồn không muốn làm khổ nhau nữa cho thấy sự đa năng của nam diễn viên sinh năm 1995. Dẫu vậy, ít ai biết rằng, phía sau những hào quang trên sân khấu, phía sau những tài năng chớm nở… là chuyện đời cũng khá nhiều đục trong, sướng khổ.
Va chạm với nghề diễn, vật lộn với sân khấu… Hồng Phúc thấy sự lựa chọn của mình đã thực sự đúng?
- Lúc mới ra trường tôi cũng hoang mang lắm, phải đứng trước quá nhiều sự lựa chọn. Một là về Nhà hát Kịch Việt Nam làm diễn viên sân khấu. Hai là làm diễn viên tự do. Thời điểm đó và thời điểm này, làm diễn viên tự do cũng có nhiều thứ hay ho và hấp dẫn lắm. Được đóng phim, được đóng quảng cáo, được sáng tạo nội dung số… mọi thứ đều rất mê hoặc. Cơ hội của lứa diễn viên chúng tôi nhiều hơn các bác, các cô chú, các anh chị ngày xưa nhiều. Nhưng cuối cùng tôi chọn đi theo truyền thống của gia đình đó là làm sân khấu. Bà nội và bố tôi đều là những nghệ sĩ múa rối chuyên nghiệp.
Vì lẽ đó nên tôi vẫn thích về một Nhà hát chuyên nghiệp để cống hiến và làm việc. Qua thời gian, sự gắn bó tăng lên và cơ hội cũng đến từng bước một. Tôi đi từ những vai bé, đến vai phụ, lên vai chính rồi vai đoạt huy chương… Đó là những tín hiệu cho thấy tôi đang đi đúng hướng và thỏa mãn với con đường hiện tại.
Đa số các bạn trẻ theo học nghệ thuật ngày nay khi ra trường đều chọn làm việc tự do. Bởi khi làm việc tự do họ được thỏa sức bay nhảy, sáng tạo và làm những thứ mình thích mà không bị gò theo khuôn khổ. Việc bạn lựa chọn đầu quân cho Nhà hát cũng cho thấy sự tác động rất lớn của gia đình?
- Tôi nghĩ, có một phần là như thế. Tôi thường hay đùa, bên trong mình có một phần thôi thúc làm nghệ thuật một cách chính thống và chuyên nghiệp. Việc đầu quân về làm cho một đơn vị nghệ thuật nhà nước được coi là "anh cả đỏ" của làng kịch nghệ cũng là một vinh dự và trách nhiệm mà nếu như mình có thể đảm đương được thì sẽ đúng như điều mình mong muốn. Mặc dù, có thể nó hơi xa so với thực tế của bạn bè đồng trang lứa hay giới trẻ nhưng tôi nghĩ, mỗi người đều có lý tưởng riêng, mỗi người đều có lựa chọn… quan trọng nhất là con đường đó có thỏa mãn bản thân không.
Ở tuổi 29 tuổi đã phải đảm đương những vai diễn có thể nói là ngang ngửa với những thế hệ đi trước. Hồng Phúc có cảm những vai đó hơi sức với mình?
- Cảm thấy quá sức là điều tất nhiên, ở những vở khác như: Người trong cõi nhớ của NSƯT Trịnh Mai Nguyên, Người tốt nhà số 5 của NSND Tạ Tuấn Minh… dù đảm nhận vai chính nhưng những vai đó rất gần với lứa tuổi của tôi. Tuy nhiên, đến vở Quan thanh tra của đạo diễn Lê Mạnh Hùng thì đó lại là một thử thách, vì vai đó là một nhân vật có tầm vóc, trách nhiệm của vai diễn đó trong vở lại ngang với trách nhiệm của các bậc đàn anh, đàn chị. Đứng chung cùng một dàn diễn viên tên tuổi là một gánh nặng và áp lực.
Ngay từ lúc nhận vai, tôi cũng phải cố rất nhiều. May mắn là tôi đã học được cách cân bằng và coi đó là thử thách mà bản thân phải vượt qua thay vì để áp lực đè nặng. Việc nói chuyện, trao đổi, xin kinh nghiệm của đạo diễn, của anh chị tham gia vở diễn phần nào cũng giúp tôi bớt sự căng thẳng. Và sau buổi công diễn đầu tiên khá thành công, nhận được nhiều đánh giá tốt từ mọi người… tôi cũng thở phào nhẹ nhõm.
Phải nói là tôi thực sự may mắn khi được làm việc trong một tập thể với các lãnh đạo, anh chị đi trước luôn sẵn sàng mở lòng và thật tâm giúp đỡ những thế hệ sau để trở lên tốt hơn, thậm chí là giúp những người trẻ đạt được thành công sớm hơn cả bản thân họ khi cùng thời.
Đã có ai từng nhận xét Hồng Phúc có phần chín chắn, trưởng thành hơn so với tuổi thật? Và liệu sự già dặn đó đến từ tính chất công việc khi phải đảm đương những vai diễn lớn hay là tính cách vốn có của bản thân?
- Phải nói là lời nhận xét đó tôi thường xuyên được nghe. Nhận định về tính cách vốn có hay từ tính chất công việc thì đều đúng. Nếu nói về tính chất công việc, có thể thấy các bạn đồng lứa tuổi với mình vẫn có thể đảm nhận các vai trẻ trung, sôi nổi, nhí nhảnh... còn với tôi, khi được giao những vai lớn tuổi, tôi cũng thấy mình già lên theo nhân vật.
Ngoài ra, một phần nào đó, con người tôi cũng già hơn so với tuổi thật. Nếu nói về tính cách, bản thân tôi không dám nhận mình đã trả qua nhiều chuyện trong cuộc sống, nhưng có những biến cố cũng đã đi ngang cuộc đời khiến tôi già dặn đi. Cụm từ "đứa trẻ hiểu chuyện" có lẽ cũng khá hợp với tôi khi còn 3 tuổi, sống trong một gia đình không hạnh phúc. Tôi phải rời Hà Nội theo mẹ vào trong Buôn Mê Thuột - Tây Nguyên.
Cả quá trình ấy, tôi thấy mẹ tôi lúc vào cũng tất bật và vất vả để có thể ổn định cuộc sống cho hai mẹ con, cho tôi có điều kiện học hành đầy đủ. Sau những thăng trầm, cho đến bây giờ, khi ngồi suy ngẫm, tôi thấy đời sống tâm hồn và tư duy của mình già lắm.
- Tôi chưa từng có ý định đó. Đã có những lúc tôi tự hỏi sao cuộc sống của mình lại vất cả như vậy, nhưng đó chỉ là những câu hỏi khi tôi còn nhỏ và tôi cũng không giữ nó quá lâu trong suy nghĩ của mình. Cho đến khi cấp 3, khi nhìn lại quãng thời gian trước và quyết định trở lại Hà Nội học, tôi mới thấy đó là những chuyện đã qua và mình cũng không có lựa chọn cho nó. Đổi lại từ những năm tháng khó khăn ấy là một Hồng Phúc biết suy nghĩ và cảm xúc sâu sắc hơn ở hiện tại. Bản thân tôi cũng chưa từng muốn thay đổi điều gì trong quá khứ, tôi chọn cách hàn gắn những con người ở trong quá khứ để cuộc sống trở nên dễ chịu và thoải mái hơn.
Việc hàn gắn những điều đã cũ, những người trong quá khứ với nhau, đặc biệt là trong gia đình cũng thể hiện sự thấu hiểu rất lớn với mỗi người thân của mình. Hồng Phúc đã làm những điều đó như thế nào?
- Trước đây, bố mẹ tôi rất khó để nói chuyện với nhau. Sau khi ra Hà Nội đi học, tôi đã làm được một việc là ngồi ăn cơm với đủ cả bố và mẹ, cùng nói chuyện. Thậm chí, tôi có thể chở mẹ đi xem bố tôi diễn một vở diễn mới. Tôi nghĩ, những dịp như vậy cũng khiến cho những vướng mắc, vết hằn cũ trong gia đình được xoa dịu đi rất nhiều.
Vui hơn là hiện tại tôi có được thêm hai người em là con của bố, mẹ tôi mỗi khi rảnh vẫn đến đón hai em đi học về. Khi không ở cạnh nhau với danh nghĩa là vợ chồng, tôi mừng vì họ vẫn có thể vì nhau, vì con mà trở thành những người bạn, người thân thay vì giữ mãi những khúc mắc trong lòng.
(Còn tiếp)