Dân Việt

Đọc sách cùng bạn: Trà Việt người Việt dân Việt

Phạm Xuân Nguyên 23/04/2024 14:12 GMT+7
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi mời bạn đọc cuốn sách "Văn minh trà Việt" của tác giả Trịnh Quang Dũng.
Đọc sách cùng bạn: Trà Việt người Việt dân Việt- Ảnh 1.

Cuốn sách "Văn minh trà Việt" của tác giả Trịnh Quang Dũng. (Ảnh: TL)

Bạn hãy chú ý đến cái tên sách. "Trà Việt" chứ không phải "Trà Tàu". Và trà Việt có cả một nền văn minh của nó. Chỉ riêng cái tên sách tác giả đã phải nghĩ ngợi rất lung để cuối cùng đọng lại được bốn chữ này. Ông viết: "Văn minh Trà Việt thể hiện được cả một mảng quan trọng trong nền văn minh của dân tộc Việt trải suốt 5000 năm văn hiến. Nó hội đủ cả: văn hoá trà Việt, nghệ thuật trà Việt, trà cụ Việt, trà nghiệp Việt… và điều quan trọng hơn cả, nó toát lên cái vóc dáng kì vĩ của dân tộc Lạc Việt dựa trên nền tảng lịch sử, văn hoá đầy hào hùng, đầy thăng trầm và nở rộ những trang sử huy hoàng." (tr. 12) Tác giả cũng giới thuyết việc dùng hai tên gọi thức uống này trong sách là Chè và Trà. Chè là âm tiếng Việt, Trà là âm đọc Hán – Việt, và từ xưa nay người Việt đã dùng cả hai tên gọi. Vậy nên tác giả cũng sử dụng luân phiên cả hai từ đó, khi tách bạch, khi hoà lẫn.

VĂN MINH TRÀ VIỆT

Tác giả: Trịnh Quang Dũng

Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, 2024

Số trang: 820 (khổ 16x24cm)

Số lượng: 1500

Giá bán: 390.000đ

Cuốn sách có bốn phần. Phần I "Minh triết cội nguồn trà Việt" trình bày nguồn gốc xuất xứ của trà Việt và khẳng định Việt Nam là cội nguồn trà của thế giới bằng những những luận chứng và tư liệu đầy sức thuyết phục. Phần II "Nghệ thuật thưởng thức trà Việt" nói về nghệ thuật thưởng trà độc đáo với sự song hành của hai cách uống: uống trong dân gian để giải khát và uống trong cung đình quý tộc để thưởng thức. Phần III "Hành trình trà cụ Việt xuyên thế kỷ" giới thiệu trà cụ Việt với đa dạng các hình thức kiểu dáng. Phần IV "Nghiệp trà Việt" nói về nghề canh tác, khai thác, chế biến trà thông qua những vùng trà huyền thoại, những đặc sản trà tinh khiết. Cuối sách có phần hình ảnh về trà và bảng tư liệu tham khảo gồm 350 đơn vị, cho thấy đây thực sự là một công trình khoa học về trà Việt. Nhưng lối viết của tác giả là "lấy lịch sử làm chính xác văn hoá" và "mượn văn hoá làm tươi mát lịch sử" khiến đọc sách người đọc vừa được thu nạp kiến thức vừa được cảm thụ tâm hồn. Sách xuất bản lần đầu năm 2012, nay được tái bản bổ sung số trang gần gấp đôi.

Tác giả Trịnh Quang Dũng (sinh 1952) vốn là một nhà vật lý, tốt nghiệp đại học tại Bulgaria, chuyên gia về điện mặt trời. Nhưng ông say mê văn hoá Việt, tự hào với truyền thống lịch sử của dân tộc mình, cha ông mình trải trường kỳ lịch sử bên cạnh một đế quốc láng giềng luôn có âm mưu xâm lược và đồng hoá vẫn giữ được tính Việt, chất Việt, bản sắc Việt. Trước khi tái bản "Văn minh trà Việt" ông đã viết cuốn "Trăm năm phở Việt" (2020). Khi được Nxb Phụ Nữ Việt Nam đặt hàng viết cuốn sách trà 12 năm trước ông đã chấp nhận thách thức vì ông nghĩ chúng ta, người Việt, có đầy đủ căn cứ lịch sử - văn hoá – thực địa để chứng minh trên lãnh thổ từ ngàn xưa của tộc Bách Việt/ người Việt đã phát sinh cây chè, từ đó sản sinh ra cả một nền văn minh canh tác, chế biến và uống chè/trà. Ông đã công phu lục tìm, so sánh, đối chiếu các kết quả khảo cổ, các thư tịch cổ, các truyền thuyết văn thơ, lại còn tự mình đi đến những nơi thực địa đã và đang có vết tích chè/trà, rồi tổng hợp, phân tích, chứng minh một cách khoa học luận điểm về trà Việt của mình. Cuốn sách "Văn minh trà Việt" của Trịnh Quang Dũng vì vậy có thể đọc như một cuốn sử trà của người Việt xuyên suốt 5000 năm trên một cương vực đất đai rộng lớn trong một không gian địa lý trải dài của cả một chủng tộc theo sự tiến hoá và phát triển của nhân loại mà nay thu gọn lại ở địa danh Việt Nam. Ở cuốn sử đó người đọc được thấm đẫm cảm hứng và tinh thần dân tộc của tác giả.

Mở sách ra là thấy. Bắt đầu từ hai câu nói được Trịnh Quang Dũng lấy làm đề từ. Một của thầy Khổng ở Trung Quốc, một của thầy thuốc Tuệ Tĩnh ở nước Nam.

"Người Bách Việt miền Nam có lối sống, tiếng nói, phong tục, tập quán ăn uống riêng… Dân Bách Việt chuyên làm ruộng lúa mà ăn, không như chúng ta trồng kê và lúa mì. Họ uống nước nấu bằng thứ lá cây lấy trong rừng mà họ gọi là trà." (Khổng Tử, 551-479 TCN).

"Trà là thứ nước uống kỳ diệu: trà khả thanh tâm giải nhiệt, ẩm nhất bát, vạn lự đốn tiêu." (Tuệ Tĩnh, 1330 – 1400).

Khi dẫn lại câu nói của Khổng Tử vào nội dung sách, tác giả coi đó là bức thông điệp của thầy Khổng cho chúng ta biết: "Cho đến thời đại Ngài, người Hoa Hạ chưa biết uống trà!" (tr. 36)

Khi xem xét bức tranh kiệt tác "Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ" vẽ từ thời Trần (thế kỷ XIII), Trịnh Quang Dũng cũng nhìn ra bóng dáng trà trong đoàn tuỳ tùng của vị Đại sĩ vua cha xuống núi (dòng trà dân gian) và trong đoàn tuỳ tùng của vị vua con đi nghênh đón (dòng trà cung đình). Theo ông "đó là trang sử bằng tranh duy nhất phô diễn, đầy đủ, sống động về cả hai dòng trà dân gian và cung đình Việt. Lần đầu tiên chúng ta chạm được tới quá khứ đã trôi qua từ 700 năm trước bằng một vật chứng sinh động về các gánh trà mà tiền nhân đã sử dụng trong đời sống thường nhật. Hình ảnh gánh trà hoàng gia chốn cung đình cao sang và hoành tráng biết bao!" (tr. 292).

Bạn đọc lại cũng có thể đọc "Văn minh trà Việt" như một cuốn bách khoa thư, một cuốn từ điển trà, nhờ đó mà biết được các vùng trà khắp cả nước, những quán trà ngon ở nhiều địa phương, những nghệ nhân làm trà pha trà giỏi, những sản phẩm trà độc đáo. Đọc xong sách này từ nay người uống trà đã có thể có cho mình một "cẩm nang" trà để lựa chọn, thưởng thức. Chén trà nâng lên toả hương thơm, nhấp môi đọng vị ngon có thêm sảng khoái, hứng thú của người đã biết thêm được nhiều điều thú vị về trà Việt nhờ công phu của người viết sách. Và từ đó để thấy cái câu của một vị quan chức nào đó thốt ra "Trà Việt không ngon bằng trà Tàu" mới thật là hồ đồ nông cạn biết bao!

Cuốn sách "Văn minh trà Việt" của Trịnh Quang Dũng không chỉ nói về trà mà từ trà còn nói về tính cách người Việt, bản lĩnh dân Việt. Như nhà thơ Phùng Cung từng viết:

Quất mãi nước sôi

Trà đau nát bã

Không đổi giọng Tân Cương!

Bài này tác giả có dẫn vào sách (tr. 356, nhưng tiếc là sai cả văn bản và tên nhà thơ".

Đọc cuốn sách này như được uống cả ấm trà ngon, dư vị còn đọng lâu và sâu trong tâm trí. Mong sao tác giả và Nxb Phụ Nữ Việt Nam tổ chức được bản dịch tiếng Anh cho sách để độc giả thế giới biết đến trà Việt chân truyền, từ đó trà Việt có thể tự hào sánh ngang với các thức uống lừng danh khác của các tộc người trong nhân loại.

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.

Hà Nội, 23/4/2024