PGS.TS Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, bệnh viện triển khai ca ghép thận đầu tiên vào tháng 5/2022 cho một nam thiếu niên 17 tuổi (ngụ TP.HCM), bị bệnh lý hội chứng thận hư đã điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Thận được ghép từ người cho sống là mẹ ruột (47 tuổi). Tám ngày sau ra viện, chức năng thận của bệnh nhân trở lại bình thường.
Sau đó một tháng, bệnh viện tiến hành ca ghép thận thứ hai cho một nam thiếu niên 17 tuổi bị viêm cầu thận, đã chạy thận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 trong 3 năm. Bệnh nhân nhập viện cuối năm 2021, ngày 14/6/2022, bệnh nhân được ghép thận từ người cho sống là cha ruột (51 tuổi). Sau ghép, chức năng thận tốt. Khoảng 10 ngày sau bệnh nhân được xuất viện.
"Đây là hai ca ghép thận đầu tiên tại bệnh viện với sự phối hợp của Bệnh viện Chợ Rẫy, mở ra cơ hội ghép thận cho nhiều bệnh nhân khác. Sau hai ca này, kỹ thuật ghép thận đã trở thành thường quy tại Bệnh viện Thống Nhất", BS Quế chia sẻ.
Từ ca đầu tiên đến nay, bệnh viện đã ghép thận thành công cho 12 bệnh nhân. Ca thứ 12 vừa được thực hiện vào ngày 23/4 vừa qua. Trong 12 ca ghép, có hai cặp ghép không cùng huyết thống là vợ hiến thận cho chồng. Hiện các cặp ghép đều khỏe mạnh
Theo BS Quế, tại Bệnh viện Thống Nhất hiện có khoảng 200 bệnh nhân lọc máu chu kỳ, 60 bệnh nhân thẩm phân phúc mạc. PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho rằng 12 ca ghép thận thành công tuy chưa phải con số lớn nhưng đã đánh dấu bước phát triển của bệnh viện trong chương trình đẩy mạnh chuyên môn và ghép mô tạng.
Theo PGS.TS.BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy, ghép thận là phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Tuy nhiên, thiếu hụt nguồn thận ghép đang là một thách thức lớn. Vì thế, theo BS Sâm, cần phát triển đồng bộ nhiều phương pháp, đặc biệt chú ý phát triển ghép thận từ người hiến chết não.