Dân Việt

Loại trừ vấn đề sao chép, mua bán sáng kiến kinh nghiệm

Đình Tuệ 25/04/2024 06:25 GMT+7
Nhiều GV bày tỏ vui mừng khi từ nay, sáng kiến - kinh nghiệm không còn là điều kiện bắt buộc trong quá trình làm hồ sơ xét danh hiệu CSTĐ cấp cơ sở...

Loại bỏ hình thức

Hơn 30 năm trong nghề, cô Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B, Hà Nội khẳng định, sáng kiến - kinh nghiệm là một trong các công cụ để ghi nhận tâm huyết, sáng tạo của giáo viên.

Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có hiệu lực từ 1/1/2024 không quy định bắt buộc phải có sáng kiến - kinh nghiệm trong xét duyệt chiến sĩ thi đua (CSTĐ) cấp cơ sở sẽ giúp giáo viên bớt được một phần việc tiêu tốn nhiều thời gian, công sức. Thầy cô chỉ cần dốc sức vào từng bài giảng trên lớp sao cho hiệu quả đã là sự cố gắng cần tôn vinh.

Thực tế, không ít giáo viên cảm thấy áp lực và hụt hẫng khi cả năm học đã nỗ lực về chuyên môn nhưng chỉ vì không đạt yêu cầu hoặc không có sáng kiến - kinh nghiệm nên “tuột” mất danh hiệu CSTĐ cấp cơ sở.

Khi áp dụng quy định mới sẽ giúp loại trừ được vấn đề sao chép, mua bán sáng kiến -kinh nghiệm xảy ra ở nhiều nơi. Đồng thời, việc này chấm dứt tình trạng mỗi năm có hàng trăm sáng kiến - kinh nghiệm của giáo viên trên cả nước sau khi được cấp có thẩm quyền xếp loại công nhận nhưng lại không được áp dụng vào thực tế gây lãng phí.

Theo cô Phạm Thị Liên - Tổ trưởng bộ môn Tiếng Anh, Trường THPT Vị Xuyên (Hà Giang), viết sáng kiến - kinh nghiệm là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển chuyên môn giáo viên. Cô luôn coi đây là hành trình học hỏi, phát triển bản thân và chia sẻ kinh nghiệm quý báu đã áp dụng trong suốt năm học.

Việc chuyển hướng từ viết sáng kiến - kinh nghiệm chỉ để đạt danh hiệu CSTĐ sang mục đích phát triển bản thân cũng như nghề nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Điều này giúp giáo viên tập trung vào việc cải tiến phương pháp dạy học dựa trên kinh nghiệm thực tế và sự sáng tạo, thay vì chỉ đáp ứng các yêu cầu hình thức.

Mỗi sáng kiến - kinh nghiệm là cơ hội để tổng kết, phản chiếu và lan tỏa những kinh nghiệm giáo dục, tạo nên cộng đồng giáo dục mở - nơi mọi người có thể học hỏi lẫn nhau và cùng tiến bộ. Điều này khuyến khích môi trường làm việc hợp tác, cải thiện kỹ năng giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục.

Ngoài ra, giáo viên giảm bớt được áp lực khi không còn phải “sản xuất” sáng kiến - kinh nghiệm chỉ để đáp ứng các tiêu chí đánh giá thi đua, cho phép họ dành nhiều thời gian hơn để đầu tư vào chất lượng dạy học.

“Tôi tin rằng, viết sáng kiến - kinh nghiệm như một phần của quá trình phát triển chuyên môn sẽ tạo ra những tài liệu có giá trị thực sự, không chỉ giúp nâng cao chất lượng giảng dạy, mà còn phát triển nghề nghiệp giáo viên bền vững. Đây là cách chúng ta tôn vinh, phát huy giá trị nghề giáo, góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong hệ thống giáo dục”, cô Phạm Thị Liên trao đổi.

Loại trừ vấn đề sao chép, mua bán sáng kiến kinh nghiệm- Ảnh 1.

Cô Phạm Thị Liên - Tổ trưởng bộ môn Tiếng Anh, Trường THPT Vị Xuyên (Hà Giang). Ảnh: TG

Sáng kiến phải có “chất”

Bày tỏ đồng tình với quy định mới được nêu trong Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, cô Đào Thị Luyến - Trường Tiểu học Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) cho hay, thầy cô ai cũng cố gắng thực hiện tốt trách nhiệm trong việc giảng dạy.

Sáng kiến - kinh nghiệm được tích lũy trong thực tế qua từng bài giảng với mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng chuyên môn. Song với yêu cầu phải có sáng kiến - kinh nghiệm gắn với xét cộng nhận CSTĐ cấp cơ sở đã tạo ra những áp lực không nhỏ đối với giáo viên và thiếu tính thực tế.

Ngoài ra, Luật Thi đua, khen thưởng 2022 không có quy định khống chế tỷ lệ % giáo viên đạt danh hiệu CSTĐ cấp cơ sở như những năm học trước cũng là tín hiệu đáng mừng. Điều này giúp các thầy cô thêm động lực để phấn đấu.

“Sáng kiến - kinh nghiệm là hình thức tốt nếu nó được thực hiện khoa học, bài bản, được kiểm chứng và áp dụng rộng rãi trong thực tế. Sáng kiến - kinh nghiệm phải được đúc rút từ thực tế giảng dạy của giáo viên mới có chất lượng. Khi quy định mới về xét tặng danh hiệu CSTĐ cấp cơ sở triển khai sẽ khắc phục tình trạng “copy – paste” các sáng kiến - kinh nghiệm như một số nơi đang làm”, cô Luyến nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn chuyên gia giáo dục, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – giảng viên cao cấp Học viện Quản lý Giáo dục chia sẻ, trước đây giáo viên muốn xét tặng danh hiệu CSTĐ cấp cơ sở thì sáng kiến - kinh nghiệm là điều kiện “cứng” phải có; sáng kiến phải đảm bảo tính thực tiễn và áp dụng hiệu quả. Đây là mục tiêu đúng đắn nhằm đánh giá đúng năng lực của thầy cô. Tuy nhiên, ở nhiều nơi thực hiện còn mang tính hình thức gây bức xúc cho giáo viên khi phải làm sáng kiến - kinh nghiệm.

“Theo quy định mới của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, giáo viên không nhất thiết phải có sáng kiến - kinh nghiệm khi xét tặng danh hiệu CSTĐ cấp cơ sở là điều nhiều thầy cô mong mỏi.

Dù vậy, để bình xét thi đua hoặc khen thưởng, cấp trên sẽ phải dựa vào những căn cứ cụ thể để minh chứng cho sự nỗ lực, cống hiến, sáng tạo của giáo viên. Vì thế, mỗi cơ sở giáo dục cần có cách thức triển khai tổ chức, đánh giá giáo viên thật công tâm, bám theo quy định hiện hành để đảm bảo công bằng, minh bạch khi bình xét thi đua”, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng nhấn mạnh.

Thầy Vũ Văn Tùng - Trường Tiểu học & THCS Đinh Núp (Ia Pa, Gia Lai) bày tỏ, bỏ viết sáng kiến - kinh nghiệm trong bình xét thi đua là việc nên làm. Trước hết, thi đua là cả quá trình cố gắng trong các hoạt động, không chỉ cứ căn cứ vào sáng kiến - kinh nghiệm. Việc này sẽ giảm bớt áp lực và thời gian cho giáo viên.

Thực tế nhiều năm công tác, có người viết nhiều sáng kiến - kinh nghiệm và được công nhận nhưng lại không được áp dụng rộng rãi dù viết hay. Do đó, không nên chỉ dựa vào vài báo cáo để đánh giá cả quá trình phấn đấu của nhà giáo.