Không chỉ nổi tiếng là người con hiếu thảo, Tiến sĩ Trương Đỗ còn được sử sách ghi danh bởi tấm lòng son sắt vì nước vì dân, vì triều đình 3 lần dâng sớ can vua chớ tạo binh đao mà vào cửa tử.
Trương Đỗ là một vị quan thanh liêm, tận tụy, mẫn cán, trung quân, ái quốc, ba lần dâng sớ can gián vua Trần Duệ Tông không đem quân đi đánh Chiêm Thành. Không chỉ vậy, Trương Đỗ còn nổi tiếng là người con hiếu nghĩa với cha mẹ, xứng là chân nho mẫu mực.
Cho đến nay, năm sinh và mất của nhà khoa bảng Trương Đỗ vẫn là một ẩn số, chỉ biết qua các cứ liệu văn bia, sắc phong thì ông là người làng Phù Đới, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng - nay là thôn Phù Tải, xã Thanh Giang (Thanh Miện, Hải Dương).
Sinh ra trong gia đình nghèo khó, nhưng vì thông minh nên ngay từ nhỏ Trương Đỗ đã học rất giỏi, có tiếng là văn võ song toàn. Năm 15 tuổi, Trương Đỗ từ làng Phù Đới đến Thăng Long trọ học ở nhà một người quen tại phường Nghi Tàm.
Thời gian này ông làm gia sư dạy học cho con cháu chủ nhà để được miễn tiền ăn ở, nhưng vẫn tranh thủ làm các công việc khác như hái dâu, tỉa cây, bủa lưới để kiếm thêm tiền gửi về quê phụng dưỡng cha mẹ.
Một lần đi học, Trương Đỗ gặp các quan quân ở Binh bộ đang tập bắn cung, ông đứng xem và thấy hầu hết họ đều bắn trượt khiến ông phì cười. Vị tướng chỉ huy thấy ông cười thì tỏ ra không hài lòng, liền gắt hỏi: "Ngươi có bắn trúng được không mà dám cười bọn ta?".
Trương Đỗ đáp: "Bắn trúng thì có khó gì". Nói rồi ông xin mượn cung tên, chẳng cần ngắm nghía mà bắn ba phát trúng cả ba. Quân binh thấy thế đều trầm trồ thán phục, vị tướng chỉ huy cũng kinh ngạc, muốn nhận Trương Đỗ làm con nuôi nhưng ông từ chối.
Sau bao năm sôi kinh nấu sử, đến đời vua Trần Nhân Tông, niên hiệu Thiệu Khánh, Trương Đỗ tham gia ứng thí và đậu Thái học sinh. Ông làm quan tới chức Ngự sử đài tư giám đồng úy tự khanh Trung đô phủ tổng quản, thường gọi là Ngự sử đại phu. Khi xây dựng được nơi ăn chốn ở, ông liền về quê đón cha mẹ lên kinh thành để con cháu có điều kiện phụng dưỡng.
Ở triều, Trương Đỗ làm việc tận tụy, được tiếng khen là cẩn thận, liêm khiết. Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" viết về ông, có đoạn như sau: "Trương Đỗ là người thẳng thắn, không bè đảng, phóng khoáng, có chí lớn… Ông làm quan trong sạch, nghèo túng, không gây dựng điền sản, con cháu nối đời làm quan cũng có tiếng nghèo mà trong sạch".
Tương truyền, Trương Đỗ đặc biệt chú ý việc chăm sóc cha mẹ già, chăm chút từ bữa ăn giấc ngủ hằng ngày cho đến thuốc thang khi đau ốm. Ông và con cái thường ăn cơm độn, dưa cà là chính, dành gạo và thức ăn ngon cho cha mẹ.
Thức ăn dành cho cha mẹ bữa thì thịt tươi, cá tươi, bữa thì chả chim. Hết thì ông cầm cần, cầm nỏ đi săn bắt vì ông có tài buông câu bắn nỏ. Khi cha mẹ qua đời, ông rất đau buồn, ghi lại những bài văn, những câu đối điếu, ai nghe cũng rơi nước mắt.
Với chức trách Ngự sử đại phu, Tiến sĩ Trương Đỗ 3 lần dâng "Bãi chiến sớ" can vua chớ gây cuộc binh đao, nhưng không hiệu quả nên ông cũng từ quan. Còn vua Trần Duệ Tông khi không nghe lời can ngăn mà phải trả giá đắt bằng chính mạng sống.
Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", năm Bính Thìn (1376) vua Chiêm Thành đã gửi dâng cho vua Trần 10 mâm vàng nhưng viên quan tham ô là Đỗ Tử Bình biển thủ đi rồi trí trá tâu vua rằng Chế Bồng Nga ngạo mạn vô lễ. Sau đó kích động vua đem quân sang hỏi tội. Vua Duệ Tông nhẹ dạ cả tin và quyết tự mình mang quân đi đánh cho hả giận.
Vào năm 1377, Chế Bồng Nga thường xuyên đem quân quấy phá. Vua Trần Duệ Tông mới lên ngôi đã quyết định thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Trương Đỗ đã 3 lần can ngăn.
Ông nói: "Chiêm Thành chống lệnh tội cũng chưa đáng phải giết. Song nó ở tận cõi tây xa xôi, núi sông hiểm trở. Nay bệ hạ vừa mới lên ngôi, đức chính, giáo hóa chưa thấm nhuần được tới phương xa, nên sửa sang văn đức khiến nó tự đến thần phục. Nếu nó không theo, sẽ sai tướng đi đánh cũng chưa muộn gì".
Cốt lõi của lá sớ là dùng ân đức nhân nghĩa để cảm hóa chứ không dùng bạo lực chiến tranh. Trong nước vừa dẹp xong loạn Dương Nhật Lễ, tình hình chưa ổn định, thế và lực còn yếu; mà phía Chiêm Thành lại đang khởi sắc với ông vua dũng cảm là Chế Bồng Nga, cho nên hòa bình là giải pháp duy nhất đúng lúc ấy.
Lời sớ của quan Ngự sử đại phu Trương Đỗ rất thống thiết nhưng ý vua không thay đổi. Tháng 9 và tháng 11 cùng năm ấy, Trương Đỗ lại dâng lá sớ thứ hai và thứ ba, phân tích hết điều lợi, điều hại, vua Trần Duệ Tông vẫn bỏ qua không nghe và lệnh cho các tướng dẫn 12 vạn quân Nam tiến.
Ngày 23 tháng Giêng năm 1377, vua Trần Duệ Tông thân chinh đem đại quân đi chinh phạt Chiêm Thành. Chế Bồng Nga sai một viên quan nhỏ tên là Thu Bà Ma đến trá hàng, nói dối là Chế Bồng Nga đã trốn mất, chỉ còn lại thành không, nên nhanh tiến quân, chớ để lỡ cơ hội.
Lúc bấy giờ, đại tướng quân của vua Trần cũng can rằng: "Cổ nhân có nói: Lòng giặc khó lường, thần xin bệ hạ hãy xét kỹ lại". Vua không nghe, ào ạt thúc quân tiến đánh chiếm thành. Tuy nhiên, vì rơi vào ổ phục kích nên các cánh quân của nhà Trần trước – sau không cứu được nhau.
Vào giờ Tý ngày 24 tháng Giêng, quân nhà Trần tan vỡ, Trần Duệ Tông cùng các tướng sĩ đều tử trận. Thừa cơ Đại Việt như rắn mất đầu, triều đình lộn xộn, dân chúng hoang mang nên tháng 6 năm đó Chiêm Thành lại đem quân vào đánh nước ta.
Sau 3 lần dâng sớ can vua không được, Trương Đỗ cởi mũ từ quan về quê dạy học rồi mất tại quê nhà. Cảm mến tài năng và đức độ của nhà khoa bảng can trường, sau khi mất, ông được nhân dân tôn làm Thành hoàng làng, được thờ tự tại đình làng Phù Tải.
Trải qua các triều đại phong kiến, Trương Đỗ đều được các triều đại ban tặng sắc phong ghi nhận công lao và cho phép bản xã thờ tự. Trong đó có các sắc phong của Tự Đức ngày 24/11/1880, vua Duy Tân ngày 11/8/1909 và vua Khải Định ngày 25/7/1924.
Thân thế và sự nghiệp của ông đã được ghi chép lại tương đối rõ ràng trong các sách sử, như: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Lê Quý Đôn toàn tập... Trong "Kiến văn tiểu lục", nhà bác học Lê Quý Đôn đã dành cho ông sự cảm phục: "Nói về nước ta, thì triều nhà Trần có 5 người: Chu Văn An dâng sớ xin chém bọn nịnh thần, làm rung động cả trong triều, ngoài quận, rồi cáo quan, trả mũ áo về nhà không chịu tước lộc bó buộc, vua chúa phải tôn trọng, công khanh phải kính phục. Đấy là bậc thanh cao nhất.
Đặng Tảo được ban ơn, không lấy làm vui mừng mà cam tâm ở nơi vườn ruộng. Trương Đỗ, ba lần dâng sớ can, không được vua dùng mà bỏ quan về ở ẩn. Bùi Mộng Hoa, biết họ Hồ chuyên quyền mà đi ở ẩn không ra làm quan. Trần Đình Thâm, giả làm tai điếc để tránh tai họa mà không chịu thần phục bọn phản nghịch cướp ngôi. Bốn người này là bậc thứ hai".
Giới sử gia đánh giá Trương Đỗ giữ chức Ngự sử đại phu, đứng đầu Ngự sử đài - cơ quan can gián vua. Do đức độ, tài năng, ông còn được vua tin cậy giao kiêm nhiệm chức Đình úy tự khanh (đứng đầu cơ quan tra xét các hình án) và Trung đô phủ tổng quản (quản lý mọi mặt của kinh thành Thăng Long). Dù quyền hành rất lớn, nhưng ông vẫn luôn giữ vững lối sống cao đẹp của một nhà khoa bảng, một chân nho mực thước.
Để ghi tạc ân đức của Tiến sĩ Trương Đỗ, xưa kia người làng Phù Tải cũ gọi các loại đỗ là đậu để không phạm húy một vị quan chính trực. Ông được thờ tại đình Võ của làng, nhưng đến năm 1947, đình Võ bị hạ giải, dân làng rước bài vị cùng khám thờ ông đến di tích Đàn Thiện, phối thờ cùng Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và Trạng nguyên Phạm Hiên.
Đàn Thiện được đánh giá là di tích có kiến trúc độc đáo, được xây dựng vào năm 1906 mang đậm kiến trúc thời Nguyễn. Toàn bộ di tích được xây trên phần mộ tập thể của người dân thôn Phù Tải với mục đích làm nơi thờ cúng, tụng kinh cầu siêu cho người đã khuất và khuyên răn con người tích đức, hành thiện. Xưa kia, đây là trung tâm khuyến thiện, hội tụ nhiều nho sĩ, lương y đến dạy học, chữa bệnh cứu người.
Nhà sử học Ngô Sĩ Liên viết: "Trương Đỗ khi làm quan thì không giấu lời nói thẳng, thế là xứng đáng với chức vụ của mình. Khi can, dâng sớ tới ba lần, thế là dám chạm đến cả vua. Mà vua không nghe, thế là tâm trí của vua đã lẫn rồi. Người có trách nhiệm phải nói, không được nghe theo thì bỏ đi, thế là sự tiến lui của Trương Đỗ đều hợp lẽ phải vậy. Tuy lời nói thẳng thường trái tai vua, nhưng lợi cho thân vua. Việc này có thể nêu lên làm gương được".