LTS: Nhiều năm qua, Hà Nội vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc cải thiện chất lượng không khí. Mặc dù diện tích và dân số nhỏ bé hơn so với nhiều quốc gia khác, nhưng Hà Nội lại có mật độ phương tiện giao thông cao, cùng với hoạt động công nghiệp, làng nghề và đốt phụ phẩm nông nghiệp diễn ra thường xuyên, dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng thế giới và UBND TP Hà Nội cho rằng hơn 40% dân số thành phố đang phơi nhiễm với nồng độ bụi PM 2.5, cao gấp đôi quy chuẩn quốc gia và cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế do Tổ chức Y tế thế giới quy định.
Với 17 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe máy và hơn 600.000 ô tô, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 80 triệu kWh điện và hàng triệu lít xăng dầu, Hà Nội đang phải gánh chịu áp lực lớn về ô nhiễm môi trường. Mặc dù đã xác định được nguồn gốc ô nhiễm, hàng loạt hội thảo, đề xuất, giải pháp được đưa ra, nhưng thực tế vẫn chỉ nằm trên lý thuyết. Khi nồng độ bụi mịn tăng cao, người dân Hà Nội lại chỉ được "an ủi" bằng những chiếc xe "tưới đường" hoạt động hết công suất.
Đến thời điểm này, không khí trong lành là thứ xa xỉ nhất tại Hà Nội. Loạt bài: "Giải pháp xanh" cho bầu không khí Hà Nội của Báo Dân Việt phần nào nêu những hiện trạng đang tồn tại, những nguy cơ mắc bệnh do ô nhiễm không khí, nguyên nhân và giải pháp nào sẽ là bài toán nan giải mà các cơ quan chức năng phải đối mặt trực diện, không thể trì hoãn thêm phút giây nào.
Hà Nội cần có chiến lược bài bản, đồng bộ, quyết liệt để giảm thiểu ô nhiễm không khí, trả lại bầu không khí trong lành cho người dân. Không khí sạch là nhu cầu thiết yếu, là quyền cơ bản của mỗi người và không ai được phép tước đoạt quyền đó.
Đều đặn mỗi ngày 2 lần sáng, chiều, chị Huyền Trang, kinh doanh rèm cửa ở đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân, Hà Nội, lại dành thời gian cả tiếng đồng hồ lấy khăn ướt lau toàn bộ phần cửa kính bám bụi phủ trắng bên ngoài. Chị cầm khăn lau từng kẽ tường phủ bụi mờ, sau đó dùng khăn ướt lau đi lau lại nhiều lần để đón khách.
Làm kinh doanh ở đường Nguyễn Xiển, một trong những cung đường bụi, tắc đường mỗi giờ tan tầm khiến chị và nhiều hộ kinh doanh ở đây không khỏi ngán ngẩm.
"Không khí ô nhiễm, đường bụi, có lúc làm lại vỉa hè nên ảnh hưởng rất nhiều tới lượng khách ra vào mua bán. Nếu mình không lau dọn sạch sẽ hàng quán khách ngại không muốn vào, đặc biệt khi chúng tôi kinh doanh mặt hàng rèm cửa, giấy dán tường. Nhiều khi lau được lúc bụi lại phủ kín, nhất là những ngày thời tiết hanh khô", chị Huyền Trang chia sẻ.
Còn với chị Lê Anh (ở chung cư HH Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) mỗi lần lên cơ quan, đặc biệt vào những ngày đầu tuần càng thêm "ám ảnh" bởi cảnh tắc đường, ô nhiễm môi trường.
"Tôi vốn dĩ mắc chứng viêm xoang nên rất nhạy cảm với thời tiết. Từ nhà tôi sang nơi làm việc ở quận Cầu Giấy chỉ khoảng 5,6km nhưng có khi mất cả tiếng đồng hồ mới đến cơ quan. Đi đường cảnh xe leo lên vỉa hè, xả đầy khói bụi có lúc mù mịt. Ngày hè thì oi nóng, ngột ngạt, nhiều lần theo dõi hệ thống quan trắc không khí của Hà Nội thể hiện chất lượng không khí ở mức rất xấu, xếp loại ô nhiễm bậc nhất thế giới khiến tôi và nhiều người không khỏi lo lại", chị Lê Anh nói.
Dù đeo khẩu trang nhưng chị Lê Anh liên tục bị hắt hơi, chảy nước mũi hoặc ngạt, kèm theo đau đầu kéo dài. Có lúc kèm ho dai dẳng kèm theo xổ mũi rất khó chịu. "Cứ mỗi dịp về quê hay ra khỏi khu vực ngoại thành tôi thấy không khí dễ chịu, chứng viêm xoang của tôi cũng không còn nữa. Tuy nhiên, cứ đi làm đường bụi khô cộng thêm mùi khói xe tắc đường ô nhiễm mũi tôi lại nghẹt cứng lại rất khó chịu. Dịp cuối năm là không khí ô nhiễm nhất. Mặc dù gần cuối tháng 4 nhưng chất lượng không khí ở Hà Nội cũng rất ô nhiễm", chị Lê Anh bày tỏ lo ngại.
Theo số liệu quan trắc ô nhiễm không khí của Pam Air, chỉ số AQI ở nhiều điểm trên địa bàn Hà Nội thường dao động chủ yếu ở mức 150 đơn vị, mức xấu. Những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Tại vị trí vườn Dâu (thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm), thời điểm nhiều ngày trong tháng 3 vừa qua, chỉ số AQI có lúc lên đến 408 mức nguy hại, cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe, tất cả mọi người bị ảnh hưởng về sức khỏe nghiêm trọng hơn. AQI ở nhiều quận trung tâm Hà Nội như Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Ba Đình, Tây Hồ nhiều lần cũng cảnh báo ở mức có hại cho sức khỏe.
IQAir đánh giá bụi mịn (PM2.5) tại Hà Nội hiện cao gấp 12,6 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Thực tế, từ đầu tháng 11 đến nay, thủ đô Hà Nội vẫn thường xuyên "chìm" trong bầu không khí trắng đục mịt mù của sương và khói bụi. Thậm chí, dù đang ở trong thời điểm giao mùa (có gió đông nam cấp 2 - cấp 3) nhưng không khí vẫn bị ô nhiễm nghiêm trọng. Có những tháng ô nhiễm không khí luôn ở mức kém, xấu.
Với AQI ở mức rất xấu, cơ quan môi trường cảnh báo người bình thường nên hạn chế tối đa hoạt động ngoài trời; nếu phải ra ngoài cần đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn. Nhóm người nhạy cảm nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh.
Anh Phạm Đức Bảo (42 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) không giấu được sự lo lắng của mình khi nói tới ô nhiễm không khí tại Hà Nội. "Mỗi sáng thức dậy, thay vì hít thở bầu không khí trong lành, chúng ta lại phải đối mặt với màn sương mù dày đặc, khó chịu. Bụi mịn lơ lửng trong không khí, khiến mắt cay, cổ họng rát, da dẻ sần sùi và là nguyên nhân tiềm ẩn cho nhiều bệnh về đường hô hấp.
Chung ý kiến trên, chị Trần Hà Anh (35 tuổi, Giảng Võ, Hà Nội) chia sẻ: "Vì công việc, tôi thường phải ra khỏi nhà từ 5h30 sáng. Dù xe cộ thưa thớt trên đường, nhưng bầu trời Hà Nội vẫn mịt mù khói bụi. Người dân Hà Nội, đặc biệt là trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp mãn tính, đang phải chịu đựng những hậu quả nặng nề do ô nhiễm không khí gây ra. Đơn cử như hai đứa bé nhà tôi thường xuyên phải nhập viện điều trị các bệnh liên quan tới đường hô hấp.
Bà Nguyễn Thị Hà (62 tuổi), từ quê Thanh Hoá ra quận Hoàng Mai trông cháu nhưng thi thoảng bị ngứa họng, ho và ngạt mũi không rõ nguyên nhân. Qua thăm khám, bà được chẩn đoán bị viêm mũi dị ứng. Chính vì vậy để phòng tránh, bà tự nhốt mình trong nhà, bật máy lọc không khí nhưng sức khỏe không khả quan hơn. Thậm chí đứa cháu của bà Hà có triệu chứng sụt sịt mũi, khiến bà có ý định đưa về quê vài tuần.
"Muốn hưởng không khí trong lành chỉ có bỏ phố về quê nhưng ở đây các con còn công việc, học tập nên đành chịu. Vì cuộc sống làm ăn nên mọi người phải tìm cách phòng tránh như mua khẩu trang hay máy lọc không khí để giảm thiểu ô nhiễm", bà Hà chia sẻ.
Còn nữa!