Với kỳ tích loại U23 Hàn Quốc ở vòng tứ kết, U23 Indonesia đã tạo nên bất ngờ ở VCK U23 châu Á 2024. Nhưng nếu xem U23 Indonesia, với vị trí 134 trên bảng xếp hạng FIFA, đá với U23 Hàn Quốc, xếp thứ 23, ta sẽ không bất ngờ nếu thấy họ chiến thắng. Việc họ vượt qua Hàn Quốc để góp mặt trong trận bán kết đã là thành công vang dội của đội bóng này rồi, bất chấp kết quả ở bán kết ra sao.
Chúng ta cùng nhìn lại trận đấu này và tìm hiểu xem, lối đá của đội bóng của ông HLV Shin Tae-yong, 1 đội bóng cũng ở Đông Nam Á có gì khác với U23 Việt Nam đã thành công ở VCK U23 châu Á năm 2018 và chúng ta học được gì qua cách phát triển bóng đá của Indonesia?
Tổng thể trận đấu, thế trận là cân bằng, thời gian kiểm soát bóng của 2 đội cũng gần tương đương, số các pha tấn công cũng như dứt điểm không chênh lệch nhau nhiều. U23 Hàn Quốc cũng rất thận trọng, ý thức được sự nguy hiểm của các cầu thủ tấn công đối phương, họ thường chỉ pressing tầm trung chứ ít khi pressing tầm cao.
Phía bên kia, các cầu thủ U23 Indonesia thực sự duy trì 1 lối đá kiểm soát. Họ thường pressing tầm thấp, chỉ thực sự tranh chấp bóng quyết liệt kể từ vạch giữa sân. Khi kiểm soát bóng, họ triển khai tấn công bằng các pha phối hợp đa dạng, cả phối hợp nhỏ, đưa dần bóng lên lẫn các pha chuyền dài khi có cơ hội.
Indonesia đã có 1 trận đấu rất hay. Tất nhiên, các cầu thủ nội địa của Indonesia đã rất tiến bộ, họ chơi bóng tự tin, chững chạc, sáng tạo trước đối thủ được đánh giá cao hơn. Nhưng sẽ không có chiến thắng này nếu Indonesia không có 4 cầu thủ nhập tịch.
Qua các tình huống trên sân, chúng ta thấy rõ vai trò của họ trong đội bóng. Các cầu thủ nhập tịch Indonesia trấn giữ các vị trí quan trọng của các tuyến, tạo thành xương sống của đội bóng. Và 2 bàn thắng của Indonesia vào lưới Hàn Quốc đều của cầu thủ số 11 Rafael Struick, đến từ Hà Lan. Với khả năng cầm giữ bóng, số 6 Ivar Jenner, số 23 Nathan Tjo quán xuyến khu vực giữa sân rất tốt giúp hàng tiền vệ U23 Indonesia chơi sòng phẳng với các tiền vệ mạnh mẽ và cơ động của Hàn Quốc. Chúng ta cũng thường xuyên được xem các pha cản phá dũng mãnh và đẹp mắt của trung vệ lệch trái mang áo số 10 Justin Hubner.
Có thể nói U23 Indonesia là một mô hình hay để bóng đá Việt Nam học tập. Thực tế mô hình này không phải cái gì quá mới lạ với bóng đá Việt Nam. Nó chính là mô hình mà các CLB ở V.League đang áp dụng: Lấy các cầu thủ ngoại làm xương sống cho đội bóng. Chỉ với 3 cầu thủ ngoại trên sân, năng lực của đội bóng, từ khả năng phối hợp tấn công, ghi bàn đến khả năng phòng thủ được nâng cao rõ rệt, chất của đội bóng thay đổi hẳn.
Về mặt lối đá của U23 Indonesia, chúng ta thấy họ chơi thứ bóng đá hiện đại, thứ bóng đá mà ta vẫn gọi là "kiểm soát". Tất nhiên là với sự góp mặt của một số cầu thủ nhập tịch, nhưng các cầu thủ trẻ Indonesia đã chứng minh rằng các cầu thủ Đông Nam Á hoàn toàn có thể chơi thứ bóng đá này. Các cầu thủ nội như số 7 Maselino Ferdinan, số 5 Rizky Ridho hay số 8 Witan Sulaeman … đã làm chủ và thích nghi được với lối chơi này. Họ cầm bóng, phối hợp thoải mái, đủ thể lực để liên tục pressing hay thực hiện "apply pressure", tranh cướp bóng ngay khi vừa mất bóng, cho đến những phút cuối cùng của trận đấu.
Đây cũng là điều bóng đá Indonesia tạo ra sự khác biệt so với thành công của thày trò HLV Park Hang-seo năm 2018 ở Thường Châu. U23 Hàn Quốc thua U23 Indonesia 1 cách không có gì để ấm ức. U23 Indonesia hay không kém họ và ít sai sót hơn họ.
Nhưng các đối thủ của U23 Việt Nam ở vòng chung kết AFC Cup 2018 rất ức chế khi để thua U23 Việt Nam. Họ chơi hay hơn, ép từ đầu đến cuối, làm chủ trận đấu, kiểm soát bóng đến 80%, nhưng không làm gì được trước lối chơi đổ bê tông chặt chẽ, cuối cùng thì hoặc dính đòn phản công, hoặc bất lực và để U23 Việt Nam dắt đến loạt luân lưu.
Sẽ rất thú vị nếu 4 đội lọt vào bán kết giải đấu này có 2 đội của Đông Nam Á. Chúng ta sẽ cùng chờ đợi xem điều có có xảy ra hay không qua trận đấu đêm nay của thày trò ông Hoàng Anh Tuấn. Chúc U23 Việt Nam có chiến thắng trước U23 Iraq.