Sự thật phơi bày
32 năm trước, Chuck Searcy trở lại Việt Nam lần đầu tiên. Đó là không lâu sau khi Chính phủ Mỹ chính thức cho phép khách du lịch, cựu chiến binh, nhà báo, doanh nhân Mỹ thăm Việt Nam bắt đầu từ cuối năm trước đó. Quan hệ Việt - Mỹ lúc đó mới ở những bước đầu tiên của tiến trình bình thường hóa và cái tên "Việt Nam" vẫn còn là sự ám ảnh đầy chia rẽ ở nước Mỹ, vẫn là điều cấm kỵ không muốn nhắc đến với nhiều người Mỹ.
Năm 2003, Chính phủ Việt Nam tặng Chuck Searcy Huân chương Hữu nghị - phần thưởng to lớn nhất trao tặng một người nước ngoài. Và mới đây, tháng 3/2024, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đã trao cho cựu chiến binh Chuck Searcy lá thư cảm ơn từ Tổng thống Joe Biden về những đóng góp không ngừng nghỉ của ông để khắc phục hậu quả chiến tranh.
Nhưng quyết định trở lại Việt Nam với Chuck không khó, bởi ông vốn đã là một cựu binh phản chiến. Chuck gia nhập Lục quân Mỹ từ năm 1966 - 1969. Ông được đưa tới Sài Gòn từ tháng 6/1967 - 6/1968 với vai trò là sĩ quan quân báo thuộc Tiểu đoàn Tình báo quân sự số 519. Chưa từng biết về Việt Nam, khi tới đây, chứng kiến những lính Mỹ trẻ tuổi bỏ mạng tại đất nước xa xôi này, Chuck cảm thấy cay đắng. Ông làm việc tại Sài Gòn, được tiếp cận nhiều tài liệu cả công khai lẫn bí mật, Chuck nhận ra cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là chết chóc, hủy diệt, sai trái, không giống như những gì Chính phủ Mỹ đã nói với ông và người dân Mỹ.
Trở về sau khi hết hạn quân dịch, Chuck tiếp tục đi học đại học và tham gia các phong trào phản chiến. Việc chàng trai trẻ chống lại những nỗ lực chiến tranh của Chính phủ Mỹ ở Việt Nam khi đó đã gây ra sự rạn nứt trong gia đình. Bố ông, một cựu binh Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai đã không hiểu con mình và rất tức giận. Nhưng cuối cùng, người bố cũng trở thành một người phản chiến, và ông gọi cho con trai đế nói rằng ông đã sai.
Chuck làm nhiều công việc khác nhau, từ việc sáng lập một tờ báo và làm biên tập viên, làm việc cho chính quyền và trong Thượng viện Mỹ. Khi đến Việt Nam năm 1992, Chuck rất ngạc nhiên khi người Việt đón chào ông với sự bao dung và những nụ cười, điều khác hoàn toàn so với việc người Mỹ nhắc tới Việt Nam khi đó. Ông cũng nhận ra rằng Việt Nam, lúc ấy còn rất nghèo khó do lệnh cấm vận kéo dài của Mỹ, vẫn đang phải vật lộn với hậu quả nặng nề của chiến tranh. Từ đó Chuck luôn nghĩ tới việc trở lại Việt Nam. Ông cảm thấy mình có trách nhiệm vì đã là một phần trong bộ máy chiến tranh khổng lồ của Mỹ, cuộc chiến mà theo ông, lẽ ra đừng nên xảy ra ở Việt Nam.
"Tôi có trách nhiệm vì đã là một phần trong bộ máy chiến tranh khổng lồ của Mỹ, cuộc chiến mà theo ông, lẽ ra đừng nên xảy ra ở Việt Nam”.
Ông Chuck Searcy
Năm 1995, Chuck Searcy chuyển tới Việt Nam, làm đại diện cho một tổ chức cựu chiến binh Mỹ. Từ đó, là đại diện và làm việc với các tổ chức cựu chiến binh Mỹ, các cơ quan, tổ chức Việt Nam, ông càng nhận thức sâu sắc hậu quả khủng khiếp của chiến tranh, từ bom mìn đến chất độc da cam. Ông đồng sáng lập dự án RENEW ở Quảng Trị - một dự án chuyên về giáo dục cho trẻ em và người dân ở Quảng Trị về bom mìn chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh, rà phá bom mìn, cung cấp chân tay giả và hỗ trợ sinh kế cho người dân.
Vùng đất đạn bom
Trong chiến tranh, quân đội Mỹ đã thả hơn 5 triệu tấn bom xuống Việt Nam, khiến Việt Nam trở thành đất nước hứng chịu nhiều bom đạn nhất trong lịch sử. Đó là chưa kể đến 71 triệu lít chất diệt cỏ chứa chất độc màu da cam. Quảng Trị - chiến trường khốc liệt năm xưa, có lẽ là nơi chịu nhiều bom đạn nhất, kể cả những trận bom rải thảm B-52. Bom đạn chưa nổ, từ những quả bom lớn hàng trăm cân thả từ trên không, tới bom bi, đạn pháo, lựu đạn, bẫy mìn, đạn súng cối… vẫn nằm im trong lòng đất 2 thập kỷ sau cuộc chiến và đã cướp đi sinh mạng hơn 100.000 người Việt Nam kể từ năm 1975 tới nay. Với Chuck Searcy khi đó, cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam vẫn chưa kết thúc.
Để làm cho Quảng Trị an toàn hơn, những năm đầu tiên, RENEW đã kết hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, các cơ quan tổ chức khác đào tạo tình nguyện viên để tới lượt họ giáo dục cho trẻ em, những người nông dân, dân làng cách nhận biết bom mìn chưa nổ mà họ tìm thấy khắp nơi - ngoài đồng ruộng, trong rừng, bên vệ đường, lúc làm nhà, những nguy cơ từ đó, làm sao tự bảo vệ mình cho an toàn, làm sao báo cáo với các cơ quan chức năng về vật nổ…
Sau đó, Chuck và RENEW đã thuyết phục được Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (Norwegian People's Aid - NPA) tài trợ để rà phá bom mìn ở Quảng Trị. Từ những quan hệ đối tác bền vững đó, RENEW đã giúp đào tạo đội ngũ rà phá bom mìn ở địa phương. Họ khớp nối giữa bản đồ ném bom của quân đội Mỹ với số liệu khảo sát thực tế ở địa phương để giúp xác định bom mìn chưa nổ, đưa chúng đến nơi an toàn hoặc cho nổ có kiểm soát. Một công việc nguy hiểm để mang lại sự yên bình.
Bình yên trở lại
Niềm tự hào lớn nhất của Chuck Searcy và các cộng sự trong dự án thể hiện ở những con số rất cụ thể. Hơn 20 năm hoạt động, RENEW đã giúp rà phá hơn 815.000 vật liệu nổ. 207 triệu ha đất nơi từng là chiến trường, nơi bom đạn từng trút xuống ngày đêm không ngừng nghỉ, giờ đã được làm sạch, trở thành đồng ruộng cho người dân, các làng mạc, xưởng sản xuất mọc lên, trẻ em được đến trường an toàn, người nông dân đi làm đồng không còn sợ tai nạn bom. Hơn 378.000 trẻ em tham gia các giờ học về nguy cơ của bom mìn.
Trong một bài báo gần đây của tờ New York Times, báo này cho biết, từ khi dự án RENEW hoạt động đến nay, con số thương vong ở Quảng Trị do bom mìn, vật liện chưa nổ đã giảm từ 70 - 80 trường hợp mỗi năm xuống còn 0 trường hợp năm 2019 và 2 trường hợp trong 2 năm qua. Ngoài ra, dự án còn vận động để trao tặng hàng tram xe đạp mỗi năm cho học sinh ở Quảng Trị và các tỉnh lân cận. Sứ mệnh của RENEW mà cựu chiến binh Mỹ Chuck Searcy đặt ra khi đồng sáng lập dự án - làm cho Quảng Trị an toàn, đã trở thành hiện thực.
Ngoài ra, Chuck Searcy vẫn làm việc với các tổ chức cựu chiến binh và các cá nhân từ Mỹ để vận động giúp đỡ giải quyết các hậu quả của chất độc gia cam, giúp người dân tạo sinh kế, giúp những người khuyết tật ở Việt Nam. Ông còn tổ chức cho nhiều đoàn cựu chiến binh Mỹ và gia đình họ tới thăm Việt Nam để thấy một đất nước đã thay đổi và phát triển mạnh mẽ thế nào sau chiến tranh, người dân Việt Nam chăm chỉ, nhân ái, yêu chuộng hòa bình, qua đó giúp các thế hệ trẻ người Mỹ hiểu thêm về lịch sử và những bài học mà người Mỹ có thể rút ra từ cuộc chiến tranh mà Chính phủ Mỹ đã gây ra ở Việt Nam.
Sống ở Hà Nội gần 30 năm với những chuyến đi thường xuyên giữa Hà Nội – Quảng Trị và nhiều nơi khác, Chuck vô cùng gắn bó và yêu mến đất nước con người Việt Nam. Việt Nam đã thay đổi cuộc đời ông trong chiến tranh, khi ông còn trẻ, giúp ông nhận ra một sự thật lịch sử. Để sau này, công cuộc Mỹ bình thường hóa và phát triển quan hệ với Việt Nam không thể thiếu đóng góp của những cựu chiến binh Mỹ can đảm vượt qua đắng cay của thời hậu chiến, trong đó có Chuck Searcy. Cuộc sống của người dân Quảng Trị bình yên hơn cũng có đóng góp to lớn của Chuck. Nhiều người Việt Nam đã quen thuộc với vóc dáng gầy gò, vẻ lặng lẽ ít nói của Chuck - ông đã trở thành một phần của Hà Nội.