Dân Việt

Nữ VĐV canoeing Nguyễn Thị Hương "đạp gió rẽ sóng" giành vé dự Olympic lịch sử

Tuệ Minh 01/05/2024 07:10 GMT+7
Cuối tháng 4 vừa qua, Nguyễn Thị Hương ở tuổi 23 đã đi vào lịch sử đua thuyền Việt Nam với tư cách VĐV canoeing đầu tiên giành vé dự Olympic Paris 2024: "Điều kiện thời tiết thi đấu hôm đó rất khắc nghiệt và tôi không thể tin mình có thể đạt thành tích tốt như vậy"

Nguyễn Thị Hương và cú bứt tốc cực đỉnh trong 100m cuối

Ngày 21/4/2024 là thời khắc có ý nghĩa lịch sử với đua thuyền canoeing Việt Nam. Trên đường đua chung kết thuyền đơn 200m nữ giải canoeing vô địch châu Á, vòng loại Olympic Paris 2024 diễn ra tại Nhật Bản, Nguyễn Thị Hương đã có bứt tốc tuyệt đỉnh trong 100m nửa sau cuộc đua để cán đích ở vị trí thứ 2 với thông số 49 giây 351, qua đó cùng VĐV về nhất là Zikirova Nilufar (Uzbekistan, 49 giây 109) giành hai suất chính thức dự Olympic 2024 ở nội dung này.

Cùng với tấm HCB châu Á, Nguyễn Thị Hương đã trở thành VĐV đua thuyền canoeing đầu tiên của Việt Nam giành suất chính thức dự Olympic.

Nữ VĐV canoeing Nguyễn Thị Hương

Nguyễn Thị Hương nhận HCB giải canoeing vô địch châu Á, đồng thời giành vé dự Olympic Paris 2024 . Ảnh: TTVN

Trao đổi với Dân Việt sau khi trở về nước và hiện đã có mặt tại Đà Nẵng chuẩn bị so tài tại giải vô địch các tay chèo xuất sắc quốc gia năm 2024, Nguyễn Thị Hương cho biết:

"Trước khi bước vào giải đấu tại Nhật Bản vừa qua, tôi cũng đặt kỳ vọng nho nhỏ vào bản thân về việc có thể giành vé dự Olympic. Đây là một đấu trường lớn hội tụ nhiều VĐV giỏi và đều khát khao giành vé dự Thế vận hội, trong khi thành tích gần nhất của tôi tại Asiad 2023 lại không tốt lắm.

Tâm lý của tôi khá thoải mái và không áp lực nặng nề gì. Khi về đích và biết mình có vé dự Olympic 2024, tôi vô cùng vui mừng, xúc động".

Vậy thông số 49 giây 351 đã là thành tích tốt nhất của Hương chưa và từ nay tới Olympic, Hương nghĩ mình cần phải cải thiện thêm điều gì để đạt "điểm rơi" phong độ tại Pháp? Dân Việt hỏi và Nguyễn Thị Hương bày tỏ:

"Trong đua thuyền nói chung và canoeing của chúng tôi nói riêng, điều kiện thời tiết như sóng, hướng gió ảnh hưởng rất lớn tới thành tích của VĐV. Vậy nên, nếu chỉ nhìn vào con số kết quả thì đây chưa phải là con số tốt nhất. Nhưng đặt trong điều kiện thi đấu ở eo biển tại Nhật Bản, sóng to, gió mạnh, giật tới 60km/giờ, thì tôi không ngờ mình có thể làm được như vậy.

Môn canoeing của tôi cần rất nhiều đến sức nhanh, sức mạnh. Các đối thủ người Uzbekistan, Kazakhstan... có thể hình to, vạm vỡ, họ rất mạnh và xuất phát tốt hơn tôi.

Sau 100m đầu tiên, tôi thua họ một chút, nhìn xung quanh cũng ngang bằng với các VĐV khác. 100m cuối tôi cố hết sức và may mắn đã về đích thứ hai, hơn hai VĐV về ngay sau là Brovkova Mariya (Kazakhstan, 49 giây 423), Thiangkathok Orasa (Thái Lan, 49 giây 476) khoảng cách chỉ tính bằng phần chục giây.

Từ nay tới Olympic, tôi vẫn sẽ tập luyện theo giáo án mà HLV đưa ra để có thêm sức mạnh, cải thiện khả năng xuất phát của mình.

Sau giải tay chèo xuất sắc quốc gia, vào tháng 6 tôi sẽ dự giải U23 châu Á ở Thái Lan, tiếp theo là giải Đông Nam Á vào tháng 7, trước khi sang Pháp dự Olympic. Tôi hy vọng sẽ đạt thành tích tốt nhất tại Olympic 2024".

Nữ VĐV canoeing Nguyễn Thị Hương

Nguyễn Thị Hương (thứ 2 từ phải qua) hạnh phúc khi trở thành VĐV canoeing đầu tiên giành vé dự Olympic. Ảnh: TTVN

Nguyễn Thị Hương người vùng quê Đôn Nhân, Sông Lô của tỉnh Vĩnh Phúc. Trước Hương, có "đàn chị" đồng hương Trương Thị Phương cũng đã khẳng định được tên tuổi trên đấu trường SEA Games với những tấm HCV, nhưng cũng chưa thể chạm tới tấm vé dự Olympic. Nói về chị Phương, Hương chia sẻ:

"Tôi đã có thời gian tập cùng chị Phương, hai chị em "ganh đua" nhau rất nhiều để cùng tiến bộ. Chị Phương đã chỉ bảo tôi nhiều về kỹ thuật, những "mẹo" nhỏ trên đường đua để có thành tích tốt.

Với Olympic thì "cái duyên" chưa tới với chị Phương. Em là người kế cận và sẽ cố gắng thi đấu thay cả phần của chị Phương trên đấu trường Olympic".

Đến với vật, đua thuyền để gia đình bớt nhọc nhằn

Trở lại thời điểm cách đây hai năm, tại SEA Games 31 tổ chức trên sân nhà, Nguyễn Thị Hương đã xuất hiện như một "hiện tượng" khi giành 5 HCV canoeing nay trong lần đầu tiên dự Đại hội.

Tới SEA Games 32 diễn ra ở Campuchia tháng 5 năm ngoái, khi đua thuyền canoeing không được nước chủ nhà đưa vào chương trình thi đấu, Nguyễn Thị Hương là chuyển sang đua thuyền rồng.

Chi tiết đáng chú ý là Nguyễn Thị Hương chỉ mất 6 năm, kể từ khi bắt đầu làm quen với môn đua thuyền để bước lên đỉnh cao SEA Games và lúc này đã cầm trên tay tới Paris (Pháp) dự Thế vận hội 2024:

"Tôi sinh ra trong gia đình thuần nông có hai chị em gái, tôi là em. Từ nhỏ đã quen việc phụ giúp cha mẹ việc nhà nông nên cũng rất thích vận động, chứ thể thao vốn là một điều gì đó rất mới mẻ.

Năm 2015 khi tôi 14 tuổi học lớp 8, có tham gia thi đấu môn đẩy gậy Hội khỏe phù đổng giành huy chương cấp huyện, được thi đấu tỉnh và giành HCĐ, đó là tấm huy chương đáng nhớ đầu tiên của tôi.

Sau đó, có các thầy tuyển tôi đi tập thể thao, cụ thể là môn vật Vĩnh Phúc. Ban đầu, gia đình tôi ngăn cản bởi đường xá, phương tiện di chuyển khó khăn, gia đình không có điều kiện thường xuyên đi thăm con.

Nhưng tôi nghĩ đi tập thể thao sẽ được nuôi ăn ở, không phải lo học phí khi học văn hóa nên quyết tâm xin đi để cha mẹ bớt khó khăn.

Tập vật được một năm thì môn vật ở Vĩnh Phúc giải tán. May là lúc đó có thầy Hoàn (HLV Lưu Văn Hoàn - Trưởng bộ môn đua thuyền canoeing Trung tâm đào tạo VĐV tỉnh Vĩnh Phúc - PV) chọn tôi sang canoeing".

Nguyễn Thị Hương cho hay, môn vật vốn phải tập thể lực chạy nhiều, tập sức nhanh, sức mạnh, đặc biệt là sức mạnh thân trên nên khi chuyển sang đua thuyền canoeing, cô tiến bộ rất nhanh dựa trên "cái nền" đã tích lũy từ vật.

"Môn của tôi phải tích lũy nhiều năm mới có thể đạt thành tích tốt nên tôi không cảm thấy buồn, chán nản khi tới năm 2022 mới được thi đấu giải quốc tế lớn đầu tiên trong sự nghiệp là SEA Games 31.

Trong quãng thời gian 6 năm rèn giũa, tôi vẫn thi đấu các giải trong nước và giành thành tích tốt. Con gái theo nghiệp thể thao, đặc biệt là những môn "nắng gió" như đua thuyền cũng không khỏi chạnh lòng mỗi khi về quê đi chơi với các bạn đồng lứa thấy da mình đen hơn, trông "già" hơn các bạn. Nhưng sau tất cả, tôi chấp nhận đánh đổi và coi đó như một điều bình thường trên hành trình theo đuổi đam mê của mình", Nguyễn Thị Hương bộc bạch.

Khi Dân Việt đặt câu hỏi về một thần tượng đua thuyền canoeing mà Hương muốn noi theo, cô vui vẻ đáp: "Cứ ai giành HCV Olympic là tôi thần tượng! Năm nay tôi 23 tuổi và giấc mơ của tôi là một ngày nào đó được đứng trên bục nhận huy chương Thế vận hội".

Song song với việc tập luyện chuyên môn, lúc này, Nguyễn Thị Hương cũng đang học năm cuối khoa huấn luyện Đại học TDTT Bắc Ninh. Nếu năm nay cô có thể làm được một điều gì đó đặc biệt tại Pháp, cộng với việc ra trường với tấm bằng đỏ trên tay thì thực sự hoàn hảo: "Nghe tin tôi có vé dự Olympic, gia đình tôi rất mừng, muốn làm cỗ khao họ hàng, người thân. Nhưng do tôi bận đi thi đấu suốt nên chắc phải đợi sau Olympic cả nhà sẽ cùng chia vui", Nguyễn Thị Hương