Ngày 26/4, căn cứ kết quả điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết tại phường Phú Thủy, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, do Công ty Cổ phần Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) làm chủ đầu tư; Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và 11 cựu quan chức khác của tỉnh này về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết là một trong 9 dự án mà Bộ Công an tiến hành xác minh, điều tra theo đơn tố giác tội phạm của công dân tỉnh Bình Thuận. Vụ án cũng thuộc diện theo dõi, chỉ đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Liên quan đến vụ việc này, theo tìm hiểu của PV Dân Việt, ông Đinh Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận chính là người có đơn kiến nghị, tố cáo yêu cầu làm rõ nhiều điểm bất thường trong việc chuyển đổi sân golf Phan Thiết thành Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.
Trong một lần trao đổi với PV Dân Việt, ông Đinh Trung cho biết, sân golf Phan Thiết là đất công được đưa vào hoạt động từ năm 1997, trải qua 4 lần chuyển chủ đầu tư. Ngày 15/11/2013 là lần chuyển nhượng cuối cùng sang Công ty Rạng Đông. Giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Bình Thuận cấp "với mục tiêu xây dựng và kinh doanh một sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế và các công trình phục vụ kèm theo".
Sau khi chuyển nhượng, từ ngày 2 đến 24/12/2013 Công ty Rạng Đông có hai văn bản đề nghị chuyển đổi đất sân golf sang đất ở đô thị để đầu tư xây dựng và kinh doanh biệt thự, nhà vườn, nhà phố, nhà cao tầng và các công trình hạ tầng phụ trợ.
Tiếp đến, ngày 1/3/2014, Công ty Rạng Đông có thông báo về việc "Sân golf Ocean Dunes sẽ chấm dứt hoạt động kể từ ngày 1/4/2014". Thời hạn giải quyết các vấn đề liên quan đến thẻ hội viên kể từ ngày 16/3 đến hết ngày 16/6/2014.
Theo ông Trung, việc này là trái quy định bởi, theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 vẫn còn hiệu lực đều thể hiện, sân golf Phan Thiết vẫn được giữ trong danh mục dự kiến phát triển đến năm 2020.
Thế nhưng, ngày 5/3/2014 UBND tỉnh có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh về việc đồng ý đề nghị của Công ty Rạng Đông. Thông báo này được gửi đến tất cả Ban Thường vụ cấp ủy, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các ban của Tỉnh ủy…
"Đề nghị Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các đoàn thể tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, UBND thành phố Phan Thiết chỉ đạo tổ chức tuyên truyền cho nhân dân và đoàn viên, hội viên của đơn vị mình và địa phương biết để hiểu rõ, tạo sự đồng thuận trong xã hội về vấn đề trên.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư phải có phương án giải quyết hài hòa lợi ích của những người đã bỏ tiền mua thẻ golf của sân golf Phan Thiết" – ông Trung dẫn lại nội dung thông báo.
Đến ngày 7/5/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có thông báo số 394 giao cho UBND tỉnh báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đất sân golf sang đất ở đô thị.
Ngày 23/5/2014, UBND tỉnh có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi Quy hoạch và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất sân golf sang xây dựng khu đô thị.
Từ những phân tích trên, ông Trung cho rằng, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận khi làm thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ đưa sân golf ra khỏi quy hoạch đã biết trước đó chủ đầu tư chấm dứt hoạt động và bỏ sân golf từ ngày 1/4/2014 và giải quyết các vấn đề liên quan đến thẻ hội viên hạn chót là ngày 16/6/2014 nhưng không có ý kiến.
Thậm chí còn "yêu cầu chủ đầu tư phải có phương án giải quyết hài hòa lợi ích của những người mua thẻ golf tại sân golf Phan Thiết", coi như chấp nhận sự đã rồi trong khi chưa báo cáo và có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, theo ông Trung, Thanh tra Chính phủ bắt đầu thanh tra từ khi UBND tỉnh có tờ trình ngày 23/5/2014 đề nghị Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 2117/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ.
Hơn nữa, ngày 10/4/2015, Chủ tịch UBND tỉnh có quyết định số 997/QĐ-UBND cho chuyển mục đích sử dụng đất sân golf sang đất ở đô thị thì ngày 18/4/2015 đã cho phép chủ đầu tư làm lễ khởi công dự án trong khi chưa có giá thu tiền sử dụng đất.
Nghĩa là chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, cho đến ngày 25/11/2015, Chủ tịch UBND tỉnh mới có quyết định về phê duyệt giá đất để tính tiền sử dụng đất khi được phép chuyển mục đích sử dụng đất của dự án.
Nhưng theo đề nghị của chủ đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh làm văn bản đề nghị Bộ Tài Chính cho chủ đầu tư giãn nộp tiền sử dụng đất trong 2 năm (2016-2017). Bộ Tài Chính không đồng ý vì dự án không thuộc diện giãn nộp tiền sử dụng đất nhưng tỉnh vẫn trì kéo cho đến tháng 10/2016 mới bắt đầu thu tiền sử dụng đất và đến cuối năm 2017 Khu dô thị du lịch biển Phan Thiết vẫn còn nợ 164.700 triệu đồng tiền sử dụng đất.
Vì vậy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho rằng, báo cáo của Thanh tra Chính phủ gửi Thủ tướng là chưa khách quan. Ông Đinh Trung tiếp tục có kiến nghị về báo cáo này.
Năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát lại vụ việc, nêu rõ căn cứ pháp lý để kết luận các nội dung phản ánh.
Khi tìm hiểu thêm về sự việc, PV Dân Việt được biết, không chỉ mình ông Đinh Trung mà ông Nguyễn Văn Thu, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng từng phản đối quyết liệt việc chuyển sân golf Phan Thiết sang khu đô thị.
Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, việc chuyển sân golf này thành khu đô thị là sai lầm. Bởi lẽ, khi quy hoạch TP Phan Thiết lên đô thị loại 1 đã thiếu diện tích cây xanh, phải "thiếu nợ" tiêu chí này. Trước đó, khi TP Phan Thiết lên đô thị loại 2 cũng đã phải nợ tiêu chí cây xanh.
Theo ông Thu, trước khi thực hiện dự án, tỉnh có mời các cán bộ nguyên lãnh đạo tỉnh, gồm các đời Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và Ủy viên Ban Thường vụ để xin ý kiến. Tại cuộc họp ông Thu một lần nữa lên tiếng phản đối, bên cạnh đó, nguyên Bí thư Tỉnh ủy và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh cùng nhiệm kỳ với ông Thu cũng phản đối gay gắt.
Tuy nhiên, cuộc họp lấy ý kiến của cán bộ hưu trí được tổ chức sau khi tỉnh đã đồng ý chủ trương cho Công ty Rạng Đông chuyển khu sân golf thành đất ở đô thị.
Dưới góc độ pháp luật, theo ông Thu, việc chuyển đổi này này là trái quy định. Bởi, theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 vẫn còn hiệu lực, đều thể hiện, sân golf Phan Thiết vẫn được giữ trong danh mục dự kiến phát triển đến năm 2020.