Theo đó, Sở Y tế yêu cầu giám đốc các bệnh viện lập danh sách cán bộ, nhân viên trực trong suốt các ngày nghỉ lễ, đảm bảo thường trực 5 cấp 24/24 giờ (trực lãnh đạo, trực lâm sàng, trực cận lâm sàng, trực hậu cần quản trị và trực thường trú ngoại viện).
Đảm bảo cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện; sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác thu dung, cấp cứu điều trị, cách ly người bệnh, nhất là khi có tình huống tăng đột biến số người nhập viện.
Tổ chức tốt việc trực cấp cứu, khám chữa bệnh, đảm bảo tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ các trường hợp cấp cứu. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cần xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, thân nhân người bệnh trước khi chuyển đến cơ sở y tế khác.
Đảm bảo dự trữ, cung ứng đầy đủ, kịp thời về nguồn thuốc, đặc biệt thuốc dùng cho cấp cứu, chống độc, thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra như: sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng, sởi, rubella, tiêu chảy do virus Rota, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Phối hợp với lực lượng công an, các đơn vị có liên quan trên địa bàn xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ và các vấn đề liên quan khác.
Sở Y tế TP.HCM giao Trung tâm Cấp cứu 115 phối hợp với các bệnh viện điều động xe, xử lý cấp cứu trong các tình huống khẩn cấp, đảm bảo an toàn người bệnh; phối hợp với các bệnh viện và các đơn vị có liên quan triển khai các hoạt động đảm bảo công tác y tế phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa, lễ hội trong suốt thời gian nghỉ lễ.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, Trung tâm Y tế quận huyện, TP.Thủ Đức tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, giám sát dịch bệnh chặt chẽ, chủ động phát hiện các ổ dịch, khống chế dịch có hiệu quả, không để dịch bệnh bùng phát.
Đặc biệt, yêu cầu các bệnh viện đảm bảo công tác y tế trong đêm bắn pháo hoa (từ 21 giờ đến 21 giờ 15 phút ngày 30/4/2024).
Bốn bệnh viện: Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Quận 11, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á - là những bệnh viện tại khu vực có tổ chức điểm bắn pháo hoa - phân công xe và ekip cấp cứu với đầy đủ nhân sự, thiết bị và cơ số thuốc cấp cứu.
Các bệnh viện này sẵn sàng làm nhiệm vụ trong suốt quá trình vận chuyển đạn pháo hoa và thường trực tại các điểm cầu, vận chuyển người bệnh về bệnh viện gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời, đảm bảo an toàn người bệnh trong trường hợp xảy ra sự cố tại các điểm bắn.
Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chuẩn bị cơ số giường bệnh, cơ số thuốc, thiết bị y tế, nhân sự thường trực 24/24 giờ để sẵn sàng tiếp nhận, khẩn trương điều trị cấp cứu người bệnh khi được Trung tâm Cấp cứu 115, các Trạm vệ tinh trên địa bàn thành phố chuyển đến; đồng thời tiếp ứng tại hiện trường khi có yêu cầu.
Tối 30/4, TP.HCM bắn pháo hoa tại 5 điểm: 1 điểm tầm cao tại khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn (phường Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức).
4 điểm tầm thấp gồm: Khu biệt thự Thảo Điền (phường Thảo Điền, TP.Thủ Đức), điểm bắn trên sà lan; khu đô thị Vạn Phúc (phường Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức); lô N4-D6 Khu công nghiệp Tây Bắc (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi); công viên văn hóa Đầm Sen (phường 3, quận 11).