Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: Ký ức về Điện Biên Phủ in sâu vào trong tâm trí tôi như vừa mới hôm qua. Media: Nhóm PV BMĐT K41.
Nhân dịp này, Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho đã có những chia sẻ với Dân Việt về thời khắc lịch sử của dân tộc tại chiến trường Điện Biên Phủ 70 năm về trước.
- Nhắc về Điện Biên Phủ là nhắc đến niềm tự hào không chỉ của riêng tôi mà của toàn quân, toàn dân ta. Đó cũng có thể coi là niềm tự hào của nhân dân thế giới. Một đất nước Việt Nam nhỏ bé thường xuyên bị xâm lược, từ thời đại vua Hùng cho đến thời đại Hồ Chí Minh. Với chiến thắng Điện Biên Phủ, lịch sử của chúng ta đã sang một trang mới.
Chúng ta đều biết, tướng và quân của giặc Pháp lũ lượt giơ tay đầu hàng chính là tiếng nổ lớn từ thuốc nổ chúng ta đào, chất đầy trong lòng đồi A1. Khi phát nổ, rung toàn bộ cả đồi A1 và cả hệ thống của giặc Pháp tại Điện Biên.
Thế nhưng, những đồng chí chiến đấu trên đỉnh đồi A1 và những vị trí xung quanh như đồi E, đồi C,...; các đồng chí ấy cho chúng tôi biết, trước khi có tiếng nổ đó để giặc giơ tay đầu hàng, chiến sĩ của chúng ta cũng hy sinh, nằm phủ kín trên đỉnh đồi A1. Tôi nghe những người trực tiếp tham chiến kể lại mà xúc động vô cùng, tôi đã khóc và không thể kìm được nước mắt.
- Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi là thành viên của Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị; vừa là người kéo đàn Violon, vừa là nhạc sĩ sáng tác. Chúng tôi phục vụ cán bộ, chiến sĩ tại ATK (An toàn khu) Định Hóa (Thái Nguyên) - nơi Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn là An toàn khu (ATK), “Thủ đô kháng chiến” trong chín năm trường kỳ chống thực dân Pháp. Đó cũng là chỉ là nơi Bác Hồ, Bộ Chính trị chỉ đạo, đưa ra những quyết định lịch sử.
Hình ảnh nhạc sĩ Doãn Nho xuất hiện hơn 10 giây trong bộ phim "Việt Nam trên đường thắng lợi" của đạo diễn Roman Karmen khi ông đang chơi đàn violon phục vụ cho chiến sĩ trong giờ nghỉ giải lao trên đường hành quân. Ảnh: Gia đình cung cấp.
Khi ấy, các đoàn quân ra trận đều đi qua ATK, chúng tôi được giao nhiệm vụ tiễn họ. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, chúng tôi lại là người đón đoàn quân chiến thắng trở về cũng tại ATK.
Khi chiến dịch chuẩn bị mở màn, đội xung kích của Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, trong đó có nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã có mặt tại đồi Him Lam để chứng kiến, quan sát từng diễn biến lịch sử; từ thời khắc mở màn tới kết thúc trận thắng đầu tiên tại đồi Him Lam. Khi chúng ta vừa có thắng lợi mở màn thì nhạc sĩ Đỗ Nhuận cũng sáng tác xong bài hát "Trên đồi Him Lam". Bài hát được biểu diễn cho các chiến sĩ của ta nghe ngay tại đồi Him Lam sau khi dành chiến thắng.
Còn với cá nhân tôi cũng có một kỷ niệm hết sức đáng nhớ đó là trong bộ phim “Việt Nam trên đường thắng lợi” của đạo diễn, NSND Roman Karmen (người được lãnh đạo Chính phủ Liên Xô giao nhiệm vụ sang Việt Nam vào cuối chiến dịch Điện Biên Phủ để ghi lại những hình ảnh quý giá vào giờ phút hào hùng nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp), hình ảnh của tôi đang chơi đàn Violin được xuất hiện trong bộ phim đó.
- Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến trường Điện Biên lúc này trở thành nông trường Điện Biên. Khi ấy, Đoàn ca múa của Tổng cục Chính trị trở lại chiến trường Điện Biên, tôi là nhạc sĩ sáng tác, được cử đi tiền trạm với yêu cầu là phải viết ngay khi đoàn đến Điện Biên thì có bài hát mới để phục vụ cán bộ và chiến sĩ. Tôi đã hoàn thành ngay nhiệm vụ vì quá xúc động về hình ảnh hiện lên trong tâm trí về chiến trường Điện Biên Phủ và đồng đội của chúng ta đã hy sinh.
Khi đến đồi A1, bước từng bậc từ chân đồi tới đỉnh đồi, tôi không kìm mà khóc. Cảm hứng đầu tiên với tôi là sự uất ức, căm hờn với quân thù. Tôi đã ghi ngay lại một nét nhạc nhật ký từ sự xúc động đó: Bước từng bậc/ Nhớ từng người/ Lòng đau đớn/ Uất ức/ Căm hờn/ Thù này phải trả/ Đồng chí ta ơi...
Chính từ nét nhạc nhật ký đó, khi lên đỉnh đồi tôi ngồi giữa cái xe tăng gục nòng của giặc Pháp và bên cạnh là hai mộ liệt sĩ vô danh mà tôi đã viết: Nghe rung núi đồi từng bước ta đi/ Nhắc tới chiến công ngàn năm xưa/ Nhìn cờ hồng bay rực rỡ/ Gương bao anh hùng bừng cháy trong tim…
Nhưng chỉ một nét nhạc đó thôi thì chưa đủ trở thành một bài hát. Nét nhạc trên là nét nhạc trầm hùng, gợi lên hình ảnh của các cựu binh. Thời điểm ấy ta đã cho ra quân hàng vạn cán bộ chiến sỹ trở về hậu phương sản xuất và cho nhập ngũ hàng vạn tân binh. Nét nhạc trầm hùng gợi lên hình ảnh cựu chiến binh và là đoạn giữa của bài hát “Tiến bước dưới quân kỳ”. Tôi viết tiếp nét nhạc tươi sáng mở đầu bài hát để tạo dựng hình ảnh những tân binh như vậy khi hát lên ta cảm nhận rõ hết thế hệ này đến thế hệ khác cùng nhau tiến bước dưới quân kỳ.
Đó là đoạn: Vừng đông đã hửng sáng/ Núi non xanh ngàn trùng xa/ Tổ Quốc bao la hiền hòa/ Tươi thắm bóng cờ vờn bay trên cao/ Muôn trái tim này hòa nhịp/ Cùng ngàn lời ca trong sóng lúa/ Lấp lánh sao bay trên quân kỳ…
Cả hình ảnh cựu binh và các tân binh, nối tiếp, sát cánh bên nhau cùng “Tiến bước dưới quân kỳ”.
- Hoàn toàn đúng là như vậy. Những người nhạc sĩ quân đội như chúng tôi luôn có mặt ở các chiến trường từ chiến dịch Việt Bắc cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ, sau này trong cả cuộc chống Mỹ tại các chiến trường miền Nam, Tây Nguyên...
Tôi đã có tinh thần cách mạng ngay từ nhỏ. Bởi nhà tôi là cơ sở hoạt động Cách mạng do đồng chí Vũ Oanh phụ trách. Đồng chí Vũ Oanh sau này ghi trong nhật ký rằng nhà của ông Hai Chú (bố nhạc sĩ Doãn Nho, tên thật là Doãn Hưu) là nơi hết sức an toàn. Anh trai tôi cũng là đoàn viên Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Tôi ảnh hưởng tinh thần cách mạng cũng rất tự nhiên và trở thành liên lạc viên cho Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu và cho cả đồng chí Vũ Oanh.
Thời điểm đó, tôi còn dạy cả cho các bạn đồng trang lứa hát các bài hát cách mạng như “Du kích ca” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận hay “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao. Thế hệ của chúng tôi đều như vậy cả, đều rất hồn nhiên trưởng thành trong cách mạng, nhất là khi được tham dự buổi lễ ngày 2/9 khi Bác Hồ đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”.
Ở tuổi 92, nhạc sĩ Doãn Nho vẫn còn rất mẫn tiệp, tinh anh; vẫn có thể vừa tự chơi đàn, vừa hát. Media: Nhóm PV.
Tới bài hát tiếp theo tôi viết là “Bà mẹ nuôi”. Tôi cũng như nhiều đồng chí khác thời bấy giờ, phải khai tăng thêm một tuổi để được tham gia vào quân ngũ. Tôi sáng tác trong hoàn cảnh những ngày nhập ngũ tập luyện vất vả căng thẳng nhưng đến buổi tối lên giường nằm ngủ thì nhớ mẹ. Và khi quan sát, gần gũi với các “bà mẹ” địa phương, tôi cũng rất cảm động. Các bà mẹ ấy hằng ngày với chồng bát và ấm nước trên tay, mang nước tới thao trường rót cho bộ đội uống. Bài hát “Bà mẹ nuôi” ra đời như thế Thao trường ướt đẫm mồ hôi/ Giữa trưa là trưa trời nắng/ Trời nắng nắng soi là soi khắp nơi khắp chốn/ Sau làng bao lính lục quân/ Núp cây là cây tránh nắng/Nghỉ mát, mát là cho cái chân bớt chồn…
Các bài hát sau này của tôi cũng có hoàn cảnh ra đời tương tự, cũng chính từ những cảm xúc của mình trong quá trình phục vụ trong quân ngũ. Chúng tôi vừa phải bám sát ở chiến trường, nhưng đồng thời luôn giữ cảm xúc của mình luôn luôn mới, từ thủ pháp viết tới cả những chất liệu cũng phải mới để tạo được cảm xúc cho các cán bộ chiến sĩ.
- Đúng là như vậy. Đó là ký ức mà tôi mãi mãi không bao giờ quên. Tới ngày hôm nay mỗi khi mà có ai hỏi hoặc trả lời phỏng vấn các báo đài, tôi thường xin phép cho tôi được trả lời bằng cách hát thôi (cười).
Nhạc sĩ Doãn Nho (sinh ngày 1 tháng 8 năm 1933; quê ở làng Cót, xã Yên Hoà, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội nay thuộc quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội). Ông là một nhạc sĩ, Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam được biết tới với những ca khúc Tiến bước dưới quân kỳ, Người con gái sông La, Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Chiếc khăn Piêu...
Thuở nhỏ, nhạc sĩ Doãn Nho đã sớm tiếp xúc với âm nhạc dân gian Bắc Bộ và âm nhạc phương Tây, bắt đầu học violin năm 10 tuổi. Tháng 5 năm 1945, ông tham gia Đội Thiếu niên cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh, với nhiệm vụ tuyên truyền vận động trong thiếu nhi và phổ biến các bài hát cách mạng. Năm 1946, ông tham gia vào Đội tuyên truyền lưu động Bắc Giang, rồi Đội Tuyên truyền xung phong Vĩnh Yên năm 1948.
Năm 1951, ông về Đội văn công trường Lục quân, vừa chơi violon vừa sáng tác những ca khúc đầu tay như Bà mẹ nuôi (1951), Tiến theo gương La Văn Cầu... Tháng 10 năm 1954, ông công tác tại Đoàn văn công Tổng cục Chính trị, viết bài hát Vui giải phóng, hợp xướng Sóng Cửa Tùng (1955) và những ca khúc như Chiếc khăn Piêu (1956), Tiến bước dưới quân kỳ (1958).
Từ 1962-1964, nhạc sĩ Doãn Nho được cử đi học sáng tác tại Nhạc viện Kiev (Liên Xô). Trở về nước, ông đi vào chiến trường ở Khu 4, Nam Lào, Quảng Trị. Ở đây, ông đã có những tác phẩm: Quả bom câm, Tây Nguyên mừng đón thơ Bác, Bài ca Kpakơlơn, Tây Nguyên chiến thắng (1966), Năm anh em trên một chiếc xe tăng (thơ Hữu Thỉnh - 1971), Người con gái sông La (1972) Hát mừng quê ta giải phóng... và ca cảnh Lá đơn tình nguyện (kịch bản Kim Tiến, Quốc Bảo).
Nhạc sĩ Doãn Nho hiện nay thuộc thế hệ lớp người cuối cùng từng trải 3 các sự kiện lớn của lịch sử dân tộc như: Ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoa 2/9/1945; chiến thắng Điện Biên Phủ (7/51954) và Giải phóng miền Nam (30/4/1975).