Dân Việt

Đọc sách cùng bạn: Biên bản một đời người

Phạm Xuân Nguyên 30/04/2024 19:00 GMT+7
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi mời bạn đọc cuốn tự truyện "Sống đến bình minh" của nhà báo Trần Mai Hạnh (1943 – 2024).
Đọc sách cùng bạn: Biên bản một đời người- Ảnh 1.

Đúng ngày này 49 năm về trước, ngày 30/4/1975, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước kết thúc khi lá cờ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng Hoà tại Sài Gòn. Nhà báo Trần Mai Hạnh, khi đó là phóng viên trong đoàn công tác đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, đã được trực tiếp chứng kiến giờ phút lịch sử đó và là người đã viết bài báo tường thuật đầu tiên về sự kiện lịch sử trưa ngày 30/4/1975 tại dinh Độc Lập gửi từ miền Nam ra miền Bắc được in trên báo Nhân Dân, phát trên Đài Tiếng Nói Việt Nam. Đó là vinh dự tột cùng, hạnh phúc tột cùng trong đời làm báo của ông.

SỐNG ĐẾN BÌNH MINH

Tác giả: Trần Mai Hạnh

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật, 2024

Số trang: 687 (khổ 16x24cm)

Số lượng: 300

Giá bán: 325.000đ

Gần ba mươi năm sau (2002), nhà báo Trần Mai Hạnh bị lâm vòng lao lý trong vụ án Năm Cam mà ông bị quy tội nhận hối lộ chạy án. Ông bị mất hết mọi chức vụ đang nắm giữ: Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam. Ông bị kết án 9 năm tù. Đó là nỗi đau tột cùng, bi kịch tột cùng của ông.

Đọc tự truyện "Sống đến bình minh" của Trần Mai Hạnh bạn sẽ được biết hai cái mốc số phận cuộc đời đó của ông. Nhưng trước và sau đó cuộc đời ông còn phong phú nhiều sự kiện khác cho thấy ông là một con người dám chịu đựng, dám chấp nhận và dám vượt lên. 

Từ một học trò trường tỉnh ở Hải Dương yêu văn chương lên học khoá 7 Khoa Văn Đại học Tổng Hợp Hà Nội nhưng chưa tốt nghiệp đã được điều sang học báo chí và đi vào chiến trường Quảng Đà trong tư cách phóng viên biệt phái của Thông tấn xã Việt Nam, Trần Mai Hạnh đã chứng tỏ bản lĩnh của mình trong bom đạn. 

Bản lĩnh của một nhà báo đã cùng dân bám trụ địa bàn trong những ngày ác liệt chiến tranh, đã cùng những người lính đứng vững trong vòng vây của quân địch suốt 21 ngày. Bản lĩnh của một nhà báo không lúc nào rời cây bút, tranh thủ mọi lúc mọi nơi ghi chép tỉ mỉ, trung thực, chính xác những sự kiện tức thời, những ấn tượng đáng nhớ, những vấn đề trăn trở. Bản lĩnh của một nhà báo mang tâm hồn văn chương bắt nhạy với những chuyển động cuộc sống giữa ranh giới sống chết, những rung động tâm tư tình cảm cá nhân của mình và đồng đội.

 Nhờ thế cuốn tự truyện xuất bản hôm nay nhưng nhiều trang trong đó là từ nhật ký, ghi chép của tác giả những tháng ngày lăn lộn ở chiến trường. Độ lùi thời gian trôi qua trên trang viết nhưng đọc chúng ta vẫn còn thấy sự phập phồng nóng hổi của người và việc, và nhất là cái tình sâu nặng mà tác giả dồn nén ngay từ khi viết ra. Chính nhờ thế nên khi những người lính tiểu đoàn 3 mặt trận Quảng Đà, đơn vị đã kiên cường đánh giặc 21 ngày phá vòng vây, sau này cần lập hồ sơ để đề nghị nhà nước phong tặng anh hùng đã có phần căn cứ vào những ghi chép của nhà báo Trần Mai Hạnh cũng như mời ông tham gia việc soạn thảo. 

Cũng vậy, chính nhờ ông đã cẩn thận gìn giữ các kỷ vật, giấy tờ và viết bài nói rõ sự hy sinh ở mặt trận mà nhà báo, nhà thơ Nguyễn Trọng Định phóng viên báo Nhân Dân về sau đã được công nhận là liệt sĩ. Đó là một phẩm chất của con người Trần Mai Hạnh – không để ai bị quên lãng và cái gì bị lãng quên trong cuộc đời mình.

Cuộc đời mình ông đã tổng kết: "Đời làm báo của tôi không chỉ có vinh quang mà còn không ít cay đắng; không chỉ có những phút giây thăng hoa khi được chứng kiến, tác nghiệp trong sự kiện lịch sử huy hoàng của dân tộc mà còn có cả tai nạn nghề nghiệp và hệ luỵ kinh hoàng; không chỉ có chiến thắng – thành đạt mà còn có cả thất bại – mất mát; không chỉ có nặng sâu ân nghĩa mà còn có sự đổi thay chóng mặt của nhân tình thế thái; không chỉ đương đầu với thử thách mà còn phải ngậm ngùi trước trò đùa của số phận. Những cung bậc ấy đã làm nên diện mạo cuốn tự truyện "Sống đến bình minh". (tr. 10)

Sau khi chịu án tù 2 năm (ông được đặc xá đặc cách), ông dần trở lại với nghề báo trong tư cách người viết. Nhưng chính văn chương, khát vọng đầu đời của ông, đã mở ra cho ông một lối đi mới. Ông viết văn nhưng là thể loại văn tư liệu, lấy sự thật làm cốt lõi. Cuốn tiểu thuyết Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 ra đời từ đó. Ý đồ viết cuốn sách này kể về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn giai đoạn cuối cuộc chiến tranh từ những tài liệu gốc, tuyệt mật của phía bên kia đã được Trần Mai Hạnh với sự nhạy bén của một nhà báo và linh cảm đặc biệt của một nhà sử học tiềm ẩn trong mình nghĩ đến ngay từ ngày cuối tháng 4/1975. 

Tưởng như cuốn sách đã không thể thành hình khi nhiều tài liệu quý hiếm ông thu thập được kể từ đó đã bị cháy gần hết khi nhà ông bị thiêu rụi trong một cuộc hoả hoạn ở khu tập thể. Nhưng được sự động viên, cổ vũ của những người lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam đồng cảm và thấu hiểu, với quyết tâm không bỏ cuộc một ý đồ lớn lao đã thành hình từ lâu, Trần Mai Hạnh đã lại thu thập lại từ đầu các tư liệu và bắt tay vào viết. Trước khi bị bắt, năm 2000 ông đã viết xong bản thảo Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà. Nhưng sau khi ra tù, đọc lại bản thảo đó, ông thấy thất vọng hoàn toàn. 

"Những trang sách viết theo suy nghĩ cũ kiểu "ta thắng, địch thua", bên ta thì viết hoa tên tuổi, xưng hô sang trọng, bên kia không viết hoa, miệt thị, coi thường, bỗng trở nên nhạt nhẽo không chút hứng thú." (tr. 596). 

Trải qua cơn bi kịch khủng khiếp của đời mình, nhìn lại những trang văn đã viết, Trần Mai Hạnh ngộ ra nhiều điều trong cách nhìn nhận cuộc đời và cách thể hiện cái nhìn đó lên trang viết. Ông thấy cần phải viết lại. 

"Tôi nghĩ, với sự dung tưởng của một nhà văn, tôi phải hoá thân sang phía bên kia để tái tạo và phục dựng lại những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà (chính quyền Nguyễn Văn Thiệu) trong khuôn khổ của một cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử với một cái nhìn khách quan, không thiên kiến, tôn trọng sự thật lịch sử, nhân văn trước số phận những người thuộc phía bên kia, đảm bảo sự trung thực của ngòi bút trước các sự kiện, sự việc, tình tiết đã diễn ra. 

Lịch sử là tự nó viết ra – đó chính là sự thật. Lịch sử không phải do bên thắng trận muốn nói thế nào cũng được, và bên thua trận muốn giải thích thế nào cũng xong. Điều cốt lõi của lịch sử chính là sự thật. Sự thật lịch sử không hề bị hoen gỉ bởi thời gian, nó thách thức những mưu toan xuyên tạc, bóp méo của con người. Sự thật cuối cùng rồi cũng trở về với sự thật." (tr. 597-598) 

Cuốn sách Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 đã được viết lại từ bản thảo cũ từ chính tinh thần tôn trọng sự thật đó và nó đã được in tại Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật tháng 4/2014. Sau đó Hội Nhà Văn Việt Nam đã trao Giải thưởng Văn học 2014 cho duy nhất tác phẩm này với số phiếu bầu tuyệt đối. 

Trong phát biểu nhận giải, tác giả Trần Mai Hạnh đã xúc động nói: "Thế sự thăng trầm, nhân tình thế thái đổi thay rồi cũng qua đi, chỉ ngôi đền văn chương – nơi trú ngụ, gửi gắm tâm hồn của thân phận con người là còn lại mãi." (tr. 605). Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 sau đó tiếp tục được giới thiệu nhận giải thưởng ASEAN của Hiệp hội các nước Đông Nam Á tổ chức tại Thái Lan, và được dịch ra tiếng Anh, Lào, Tây Ban Nha.

Tự truyện "Sống đến bình minh" không chỉ kể chuyện cuộc đời Trần Mai Hạnh ở tư cách nhà báo, nhà văn, người quản lý báo chí. Đọc vào cuốn sách bạn đọc còn được biết đến cuộc sống tình cảm cá nhân của ông ở tư cách người yêu, người tình, người chồng, người cha. Ở những câu chuyện cá nhân đó, Trần Mai Hạnh không chỉ hé lộ cho thấy cái phần riêng tư thầm kín cõi lòng của một chàng trai, một người đàn ông, mà ông còn cho thấy cả không khí xã hội một thời len vào tình yêu khi vì thành phần giai cấp, vì sự không "môn đăng hộ đối" mà đôi lứa mãi mãi bị chia cắt, cuộc tình thành dang dở, ngậm ngùi. Nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, như thấy qua trang viết của ông, Trần Mai Hạnh vẫn giữ đẹp quan hệ tình người. Và những trang viết như vậy cũng khiến người đọc được buồn vui cùng tác giả.

Trần Mai Hạnh có thói quen chép lại tất cả những cái gì đến và đi từ mình. Nhờ đó khi viết tự truyện ông có được gần như đầy đủ các tư liệu trong công việc chung cũng như trong cuộc sống riêng. Cuốn sách này vì vậy dù là tự truyện cũng có tính tư liệu cao, có thể giúp ích cho những ai cần khảo sát về một giai đoạn đã qua mà tác giả đã tham gia và là chứng nhân. 

Mặt khác, cuốn tự truyện của Trần Mai Hạnh cũng có những trang viết rất văn. Chi tiết múc con chuột lên từ cái giếng còn sót lại trong làng, ấp vào lòng tay người cho nó ấm hồi tỉnh rồi thả cho nó chạy đi (tr. 87) đủ nói lên sức mạnh nhân văn của những con người đang ngày đêm đối mặt với cái chết trong chiến tranh. Nó cũng nói lên tâm hồn rất người của tác giả. 

Hay khi nghe một người báo tin Nguyễn Trọng Định chết bằng một giọng thủng thẳng, bình thản, tác giả nghĩ là nhẫn tâm. Nhưng rồi nhà báo trẻ là ông hồi đó ở mặt trận đã hiểu ra vì sao có thái độ như thế: "Chết không phải là động từ nữa, mà là một danh từ chỉ những việc diễn ra như cơm bữa." (tr. 107) Đó là nhận xét của một nhà văn. Những đoạn viết về nỗi nhớ Hà Nội (tr. 60), xóm làng vẫn xanh tươi qua bom cày đạn xới (tr. 116), vườn hoa Kiến An trong nỗi đau mối tình đầu (tr. 262)… để lại nhiều dư âm cho bạn đọc.

Cuốn tự truyện "Sống đến bình minh" của Trần Mai Hạnh khép lại ở những lời cuối sách ông cho biết chuẩn bị cùng người em ruột là nhà báo Trần Mai Hưởng, người cũng đã có mặt ở chiến trường ngày trước và đã chụp được bức ảnh xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, thực hiện chuyến đi trở lại chiến trường xưa trong những ngày tháng 3/2024. 

Ông háo hức chuyến đi này để lấy cảm hứng bắt đầu một cuốn sách mới nhan đề "Ngày ấy – Hôm nay". Chuyến đi đã được thực hiện, hai anh em Trần Mai Hạnh – Trần Mai Hưởng đã đi lại đúng con đường 49 năm trước hai nhà báo đã bám theo các binh đoàn chủ lực giải phóng các vùng đất phía Nam bắt đầu từ Huế đến Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng khi về đến đích "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng" như tên bài báo đầu tiên ông viết tường thuật ngày 30/4/1975 tại Sài Gòn thì nhà báo Trần Mai Hạnh đã vĩnh viễn ra đi chiều ngày 2/4/2024.

Tên cuốn tự truyện của Trần Mai Hạnh gợi nhớ đến tên cuốn tiểu thuyết được dịch từ tiếng Nga "Gắng sống đến bình minh" của nhà văn Belarus Vasili Bykov (phiên âm theo tiếng Belarus là Vasili Bykai). Tác giả đã dự định sau chuyến đi trở lại chiến trường về sẽ ra mắt cuốn tự truyện. Nhưng dẫu ông không còn được thấy cuốn sách ra đời, và đành bỏ lại những cuốn sách khác đang ấp ủ, thì bình minh vẫn đợi ông ở phía trước. 

Cuốn tự truyện "Sống đến bình minh" vì vậy hãy đọc như biên bản của một đời người, một số phận, một ý chí, và một nơi nương náu. Biên bản là bản ghi chép khách quan, chính xác "với tiêu chí tôn trọng sự thật, trung thực, trách nhiệm với những gì đã diễn ra; không thanh minh, không nói lại bất cứ điều gì cho mình; không đề cập bất cứ chuyện gì không hay của người khác; không phân tích, không bình luận, cứ để những sự việc được kiểm chứng cất lên tiếng nói." (tr. 10). Những tiếng "không" được nói ra dồn dập, mạnh mẽ ở đây nghe như một lời di chúc khẳng định một sự có. Có sự thật! Khi bình minh lên sự thật sẽ được sáng tỏ.

Vậy đọc, "Sống đến bình minh" là đọc biên bản của một con người. Con người đó là nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh (1943 – 2024).

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.

Hà Nội, 30/4/2024