Dân Việt

Đề xuất cấm tham gia 12 tháng với người bỏ cọc khi đấu giá biển số xe ô tô: Chuyên gia nói gì?

Nguyễn Thịnh 02/05/2024 18:07 GMT+7
Bộ Công an vừa đề xuất, những người trúng đấu giá không nộp đủ tiền sẽ không được nhận lại tiền cọc và không được tham gia đấu giá biển số xe trong thời hạn 12 tháng.

Trong dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông (TTATGT) đường bộ tháng 4, Bộ Công an đề xuất, người trúng đấu giá biển số xe phải nộp đủ tiền trong 30 ngày kể từ khi có thông báo kết quả. Tiền trúng đấu giá không bao gồm lệ phí đăng ký, cấp biển số xe.

Sau thời hạn quy định, người trúng đấu giá biển số xe bỏ cọc hoặc nộp không đủ tiền thì biển số xe đó sẽ được đấu giá lại hoặc chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe. 

Ảnh màn hình 2024-05-02 lúc 18.05.47.png

Biển số 51K-888.88 từng bị bỏ cọc.

"Sau thời hạn quy định, người trúng đấu giá biển số xe không đăng ký xe để gắn biển số trúng đấu giá thì biển số xe trúng đấu giá được đấu giá lại và người trúng đấu giá không được hoàn trả số tiền đã nộp", Bộ Công an đề xuất.

Đây là điểm mới so với nghị quyết của Quốc hội giữa năm 2023. Trong dự thảo mới nhất, Bộ Công an cho rằng cần quy định rõ, người tham gia đấu giá không xác nhận biên bản đấu giá, người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trúng đấu giá thì không được nhận lại tiền đặt trước và không được tham gia đấu giá biển số xe trong thời hạn 12 tháng.

Số liệu của Bộ Công an cho biết, tính đến hết quý I/2024, đã có hơn 15.500 biển số được đấu giá, thu tổng ngân sách hơn 1.500 tỷ đồng.

Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Thanh Hải (Hải Car), việc đấu giá biển số ô tô đã cho thấy hiệu quả rõ ràng sau một thời gian triển khai và cần được tiếp tục thực hiện. Và việc "siết chặt" quy định về đấu giá biển số, tránh "đấu giá ảo", bỏ cọc là cần thiết.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Dân Việt, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Hà Nội), cho biết, đã có trường hợp trúng đấu giá nhưng có thể không phải là dựa trên nhu cầu thực sự của họ. Người trúng đấu giá không lường trước được các vấn đề về tài chính trong khi họ chưa kịp suy nghĩ... Điều này có thể gây ra những hậu quả tiêu cực.

"Cần phải có sự thay đổi về quy trình đấu giá. Những người tham gia đấu giá từ đó mới có đủ thời gian cân nhắc tài chính, không chạy theo đám đông. Và cũng là tạo sự công bằng cho những người có nhu cầu thực sự", ông Bình nói.

Ở góc độ của người tham gia đấu giá, anh Nguyễn Hoàng Hải, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: "Để tránh tình trạng đẩy giá ảo, "đấu cho vui", đơn vị tổ chức đấu giá cần tăng số tiền đặt cọc với những biển số đẹp ngũ quý lên 500 triệu đồng, tránh tình trạng bỏ cọc. Còn với mức 40 triệu đồng, nhiều người sẵn sàng bỏ cọc khi không đủ khả năng trả cho biển số trúng đấu giá".

Ảnh màn hình 2024-05-02 lúc 18.05.22.png

Anh Nguyễn Hoàng Hải, Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng cần tăng tiền cọc biển số siêu đẹp. Ảnh Khải Phạm.

Đồng quan điểm, anh Hoàng Hữu Đông, dân buôn biển số, nhấn mạnh: "Biển số đấu giá bây giờ đã về đúng giá trị thật, cho thấy người dân có nhu cầu cao về biển số đẹp nhưng trước đây không thể mua công khai. Vẫn còn tình trạng đẩy giá lên cao, đấu ảo của một số cá nhân, nhưng thực tế giá trị biển số siêu đẹp đang được nhiều người có nhu cầu chấp nhận trả giá cao bởi những số đó không có nhiều".

Kể từ khi chính thức đấu giá biển số xe ô tô, đã có không ít trường hợp bỏ cọc. Theo đó, biển số 51K-888.88 từng được một đại gia Thanh Hoá trả 32,34 tỷ đồng, nhưng sau đó bỏ cọc và trúng đấu giá lại ở mức 15,25 tỷ đồng. Tương tự, vị đại gia này cũng đấu giá biển số 30K-567.89 ở mức hơn 16 tỷ đồng cũng bỏ cọc và biển số đấu lại sau đó có giá 12,57 tỷ đồng.