Khu tưởng niệm những nạn nhân của vụ thảm sát Noong Nhai nằm cạnh đường 279 thuộc bản Noong Nhai, xã Thanh Xương. Khu tưởng niệm được xây dựng cách đây 40 năm. Nơi đây ghi dấu lòng căm hờn của bà con các dân tộc Tây Bắc với đám thực dân Pháp.
Đến thung lũng Mường Thanh vào những ngày này hương lúa chín thoang thoảng đưa hương như níu chân du khách. Bà con người Thái sống quanh vùng lòng chảo Mường Thanh chính thức bước vào mùa gặt. Bản trên, bản dưới khẩn trương hoàn thành công việc để ngày 7/5 tới, họ cùng nhau kéo lên thành phố Điện Biên Phủ dự đại lễ.
Năm nào cũng vậy, cứ vào những ngày đầu tháng 5 này, bà con người Thái nơi đây đều ra Khu đài tưởng niệm Noong Nhai để thắp nén hương thơm cho những đồng bào của mình đã mất cách đây 70 năm. Ông Lò Văn Hặc (85 tuổi) ở bản Noong Nhai 2, xã Thanh Xương – một trong những nhân chứng của vụ thảm sát năm nào. Ông Hặc là người Thái và đã gắn bó cả đời với vùng đất này.
Mỗi khi nhắc lại cái ngày máu nhuộm đỏ Mường Thanh đó, ông vẫn run lên vì lòng căm hận trước tội ác của đám quân thù. Ông Hặc nói: "Đó là trận thảm sát chưa từng có trong lịch sử của vùng Tây Bắc này. Mấy trăm con người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em đã mất dưới làn bom đạn của giặc Pháp".
Theo lời kể của ông Hặc, cuối năm 1953, Pháp cho quân nhảy dù tái chiếm Điện Biên Phủ. Chúng đã xây dựng 4 trại tập trung, gom tất cả dân trong vùng lòng chảo Mường Thanh vào đây. Trại tập trung Noong Nhai có hơn 3.000 dân, phần nhiều là người dân tộc Thái ở các xã: Xam Mứn, Thanh An, Noong Hẹt, Thanh Xương.
Trại tập trung này dưới sự quản lý, giám sát của đồn Hồng Cúm. Các trai tráng khỏe mạnh bị Pháp bắt đi lính, đi xây đồn bốt, hầm hào. Trong trại chỉ còn lại người già, phụ nữ, trẻ nhỏ, họ sống chen chúc nhau trong những túp lều ẩm thấp, bẩn thỉu.
Ngày đó, bà con người Thái vốn sống quen ở vùng đất gần nguồn nước, bên những căn nhà sàn rộng rãi. Vậy mà mấy nghìn con người bị dồn vào trại tập trung khiến bà con sống vô cùng chật vật. Hàng ngày giặc Pháp cho lính đi tuần, xục sạo kiểm tra các lều trong trại. Chúng cho bọn tạo lộng, mật thám lộng hành cướp bóc tài sản của người dân trong trại. Thỉnh thoảng chúng lại cho pháo bắn vào quanh trại, nhằm uy hiếp tinh thần, ngăn chặn dân trốn trại và đề phòng Việt Minh xâm nhập vào trại.
Giặc Pháp quy định, mỗi tháng các gia đình được về bản 2 lần để lấy lương thực, thực phẩm vào trại. Người dân bị dồn vào trại tập trung sống trong cảnh đói khát, thiếu thốn trăm thứ. Nhà cửa ở bản bị giặc Pháp tháo giỡ làm vật liệu xây hầm trú ẩn, hoặc bị đốt, "Đốt sạch, phá sạch" là chính sách của thực dân pháp.
Vào những ngày cuối tháng 4, quân ta tiến như vũ bão, từng bước bẻ gãy các tuyến phòng ngự của địch. Để cứu vãn tình thế Điện Biên Phủ bị thất thủ, quân Pháp điên cuồng cho máy bay đi đánh bom quanh cánh đồng Mường Thanh.
Ông Hặc nhớ lại, khoảng 14 giờ chiều ngày 25/4/1954, bà con trong trại tập trung đang đi đưa một đám tang thì máy bay Pháp ập tới. 4 máy bay Đacota bay thấp, lượn một vòng rồi bất ngờ trút bom xuống đám người đang đưa tang. Bom sát thương, bom na pan nổ khắp trại, chặn hết các ngả đường, lán trại bốc cháy rừng rực. Chỉ trong giây phút cả khu trại tập trung chìm trong lửa và máu. Bom ngớt, khói tan, xác người nằm la liệt trên khắp khu trại, những người bị thương kêu la, gào thét. Nỗi đau, lòng căm hận ngút trời Noong Nhai.
"Nghe tràng tiếng ầm ầm, rồi khói mù mịt, không thấy xung quanh. Đến lúc nhìn rõ thì phía ấy bao nhiêu người chết, người cháy, người quằn quại trong vết thương. Lúc ấy những người còn sống sợ hãi co ro, người thì chạy nhốn nháo tìm người thân", ông Lò Văn Hặc nhớ lại.
Trận bom này đã làm 444 người dân bị chết, hàng trăm người bị thương, nhiều người trở thành tàn phế suốt đời. Có những gia đình chết không còn ai.
"Hận thù Noong Nhai"
Trong cuốn Di tích lịch sử và văn hóa Điện Biên Phủ của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, xuất bản năm 2014, cũng có trích dẫn ký ức của ông Lò Văn Puốn - cố Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu (nay là Điện Biên), người may mắn thoát chết trong trận ném bom hôm ấy. Ông Puốn kể: "Lúc ấy nghe thấy từng tràng tiếng nổ đinh tai nhức óc. Chúng tôi chạy đến, thấy chị Lò Thị Panh người đầy vết thương, máu chảy ướt đẫm quần áo đang quằn quại giữa hố bom. Xung quanh lửa cháy ngùn ngụt, khói bom đen kịt trùm lên khắp Trại tập trung. Những người sống sót chạy hỗn loạn. Xác chết nằm ngổn ngang, nhiều người bị bom Napan đốt cháy sém không còn nhận ra hình dạng. Mãi đến tối đêm, mọi người mới dám lần ra thu dọn, chôn người chết...".
70 năm đã trôi qua, vụ thảm sát năm nào bà con người Thái vẫn còn ghi lại tội ác của giặc Pháp. Hố bom quanh bản đã được bà con cải tạo thành ruộng, thành ao thả cá. Năm 1984, khu tưởng niệm những người dân vô tội bị chết bởi bom đạn của giặc Pháp năm nào đã được xây dựng bên quốc lộ 279 - con đường xuyên Á sang nước bạn Lào.
Xung quanh khu tưởng niệm cây cổ thụ phủ bóng. Nổi bật ở khu tưởng niệm là bức tượng người phụ nữ Thái bế đứa con đã bị bom giặc giết chết trên tay, thể hiện nỗi đau mất con của những người mẹ. Qua đó, gửi thông điệp, nhắc nhở đến thế hệ con cháu hôm nay mãi nhớ về lịch sử. Phía sau là 2 bức phù điêu thể hiện sự kiên tâm của đồng bào dân tộc Thái.
Ngày ngày có nhiều đoàn đến với khu tưởng niệm để hiểu hơn về những đau thương, mất mát mà bà con người Thái nơi đây từng hứng chịu.