"Thủy Hử" của Thi Nại Am chủ yếu kể về câu chuyện của các vị anh hùng tụ nghĩa tại Lương Sơn Bạc để chống lại tham quan lũng đoạn triều đình.
Dù hội tụ nhiều anh hùng, hảo hán nhưng ít ai biết vị tướng mạnh nhất trong "Thủy Hử" không nằm trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, cũng không phải là Lâm Xung - một trong "Ngũ hổ tướng Lương Sơn Bạc" - vì thực lực của Lâm Xung chỉ mạnh khi chiến đấu trên lưng ngựa.
Theo bình chọn của Sina Online (thuộc Tập đoàn công nghệ Sina của Trung Quốc), hổ tướng mạnh nhất "Thủy Hử" này lại là đối thủ của các anh hùng Lương Sơn Bạc: Thạch Bảo - thuộc "Ngũ hổ tướng của Phương Lạp".
Tại sao? Vì Thạch Bảo (cùng với Bàng Vạn Xuân) là hai người gây nhiều tổn thất về người nhất cho nghĩa quân Lương Sơn. Người này không chỉ võ công cao cường, gan dạ mà còn nhiều mưu mẹo, ứng phó linh hoạt và rất tàn nhẫn, theo đánh giá của Sina.
Trong những cuộc chinh phạt trước đây, nghĩa quân Lương Sơn thực hiện rất suôn sẻ, bách chiến bách thắng nhưng kể từ khi gặp Phương Lạp, các anh hùng Lương Sơn Bạc bị hao tổn rất nhiều về quân lực.
Trong số đó, khi đối đầu với tướng Thạch Bảo và quân dưới trướng người này (thuộc Phương Lạp), nhiều anh hùng Lương Sơn Bạc tử trận, một vài người trong số đó chết trực tiếp dưới tay Thạch Bảo.
Cuộc đối đầu giữa Thạch Bảo và các anh hùng Lương Sơn xảy ra khi Tống Giang - thủ lĩnh Lương Sơn Bạc - dẫn quân tấn công Hàng Châu. Hàng Châu là một thị trấn quan trọng bị Phương Lạp chiếm đóng, và Thạch Bảo là người phòng thủ chủ yếu.
Khi quân của Thạch Bảo vừa giao chiến với Tống Giang, Lương Sơn Bạc đã giành được thắng lợi lớn. Đó là vì, Thạch Bảo cố tình bộc lộ sự yếu đuối, để cho các anh hùng Lương Sơn đánh giá thấp kẻ địch.
Trận đầu tiên quân của Lương Sơn thắng, Hoa Vinh và Tần Minh giết chết hai thuộc hạ của Thạch Bảo, Thạch Bảo rút về thành, đứng vững không giao tranh.
Sau đó, Tống Giang cử Từ Ninh (nổi tiếng vời tài dùng câu liêm thương) và đầu lĩnh mã quân Hác Tư Văn đi do thám số quân của Thạch Bảo tại thành Hàng Châu, nhưng 2 người không ngờ rằng bản thân đã rơi vào bẫy mà Thạch Bảo giăng sẵn.
Tống Giang đã đánh giá thấp kẻ thù, Từ Ninh và Hác Tư Văn cũng đã đánh giá thấp kẻ thù. Kết cục, vì một phút lơ là, thủ lĩnh Lương Sơn Bạc trả giá đắt: Mất đi 2 tướng tài sau khi cả hai rơi vào ổ phục binh của Thạch Bảo.
Trong lúc hỗn chiến, Từ Ninh bị trúng mũi tên độc phải chạy về quân Tống, ngày hôm sau chết vì độc dược. Hác Tư Văn bị bắt dưới lều của Thạch Bảo và bị giết rất dã man.
Sau sự việc, Trương Thuận của Lương Sơn Bạc tìm cách lọt vào thành Hàng Châu bằng đường thủy để thám thính. Không ngờ, Thạch Bảo từ lâu đã đoán trước được Lương Sơn sẽ đi đường thủy, Trương Thuận bị phục kích và bị ném đá chết.
Lúc này, quân của Thạch Bảo đã đánh bại được các vị tướng tài ở Lương Sơn Bạc, sĩ khí của binh lính nâng lên rất nhiều. Vì vậy Thạch Bảo quyết định đối đầu trực diện với quân của Tống Giang.
Khi Thạch Bảo tấn công các anh hùng Lương Sơn, người đầu tiên hắn tấn công là "Đại đao" Quan Thắng - thủ lĩnh của Ngũ hổ tướng Lương Sơn Bạc.
Khi tướng hai bên giao chiến được 20 hiệp bất phân thắng bại, Thạch Bảo bất ngờ quay ngựa bỏ chạy. Với bản lĩnh chiến trận dày dặn, Quan Thắng "án binh bất động", không đuổi theo Thạch Bảo vì biết rằng đó có thể là cái bẫy mà tướng của Phương Lạp giăng ra. Vì Thạch Bảo có kiếm pháp ngang ngửa Quan Thắng, nếu rút lui thì chỉ có thể là bẫy.
Các trận đánh tiếp theo, Thạch Bảo khiến quân của Lương Sơn tổn thất nặng nề.
Khi đối đầu Sách Siêu - một trong tám kỵ binh của Lương Sơn Bạc, Thạch Bảo cũng không ngần ngại. Tuy nhiên, lần này, Thạch Bảo dùng hạ sách "giả vờ quay đầu bỏ chạy". Không như Quan Thắng, Sách Siêu lập tức truy sát đến cùng. Khi gần đến nơi, Thạch Bảo tập kích bất ngờ bằng lưu tinh chuỳ. Một chiêu hạ được dũng tướng Lương Sơn Bạc. Đặng Phi thấy vậy liền phi ngựa đến giao chiến. Kết cục cũng bị Thạch Bảo kết liễu bằng đao.
Lúc này, quân của Lương Sơn Bạc phải nhờ đến sự túc trí đa mưu của Ngô Dụng. Ngô Dụng liền cử Quan Thắng lừa đánh để dụ Thạch Bảo ra khỏi thành Hàng Châu. Nhưng Thạch Bảo đã nhìn thấu thủ đoạn của Ngô Dụng và dẫn quân đánh bại Lưu Đường vốn đang muốn lập công đầu chiếm lấy Hàng Châu.
Lý Quỳ muốn trả thù cho Lưu Đường nên tiến tới chặt đứt chân ngựa của Thạch Bảo, kết quả là Thạch Bảo xuống ngựa chống cự, lui về thành Hàng Châu trốn thoát.
Tuy nhiên, Hàng Châu là một thành biệt lập, thời gian trôi qua, lương thực cạn kiệt, Thạch Bảo không còn cách nào khác là phải liều lĩnh lao ra. Rồi rút quân về đèo Ô Long.
Thủ lĩnh Tống Giang dẫn quân trên bộ và dưới nước tấn công cửa ải đèo Ô Long do Thạch Bảo chiếm đóng.
Trong trận hải chiến ở đèo Ô Long, Nguyễn Tiểu Nhị và Mạnh Khang của Lương Sơn Bạc mắc vào kế hoả công bao vây của quân Phương Lạp. Một người bị trúng móc câu liêm, một người bị trúng hỏa pháo. Cả hai đều chết tại trận.
Trong trận đánh tại đèo Ô Long, hai anh em Giải Trân và Giải Bảo xung phong leo lên đỉnh đèo làm nghi binh. Tuy nhiên, mưu kế chưa thành thì bị quân Phương Lạp phát hiện. Quân địch dùng câu liêm để tấn công hai người, Kết quả, Giải Trân rơi xuống vực. Giải Bảo cũng chết thảm cùng anh.
Về sau, quân của Lương Sơn tấn công ồ ạt quân Thạch Bảo. Thạch Bảo thấy quân địch ồ ạt kéo tới, biết mình không thể cầm cự được nữa nên vung kiếm tự sát tại đèo Ô Long.