Theo Cổng giao tiếp điện tử TP Hà Nội, quý I/2024, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện Gia Lâm quản lý ước tăng 11,72% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 1,08 lần mức tăng trưởng của cùng kỳ trước.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quý I đạt hơn 1,2 nghìn tỷ đồng, bằng 31,9% dự toán thành phố và huyện giao, bằng 192,4% cùng kỳ năm 2023.
Công tác quản lý đô thị và trật tự xây dựng, trật tự đô thị được chỉ đạo quyết liệt. Đồng thời, tập trung xử lý các vi phạm tồn đọng từ năm trước, kết quả trong quý I đã khắc phục được 8/58 trường hợp vi phạm tồn đọng theo Nghị định số 16/2022/NĐ-CP và 1/24 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp.
Công tác quản lý đất đai được triển khai tích cực. Trong công tác quản lý đất công, đất nông nghiệp trên địa bàn, UBND các xã, thị trấn khắc phục được 373/505 vị trí, đạt 73,8%, còn 132 vị trí chưa thực hiện theo tiến độ cam kết.
Cùng với đó, văn hóa - xã hội tiếp tục được duy trì và phát triển, an sinh xã hội dược đảm bảo; chính sách xã hội thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng.
Tính đến hết tháng 3/2024 đã có 51/100 lễ hội truyền thống được tổ chức vui tươi, trang trọng, tiết kiệm, thu hút đông đảo nhân dân tham dự. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch được triển khai tích cực.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm, chú trọng. Trong quý I, đã kết nạp 52/195 quần chúng ưu tú vào Đảng (đạt 27%). Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, trọng tâm là kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình công tác của cấp ủy; công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với lĩnh vực quản lý đất đai trên địa bàn huyện…
Đáng chú ý, huyện đã triển khai quyết liệt, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tập trung công tác đầu tư xây dựng huyện thành quận, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm then chốt ưu tiên hoàn thành trong năm 2024, tập trung công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung tồn tại, hạn chế trên các lĩnh vực đã được chỉ ra trong những năm trước nhưng tiến độ khắc phục chưa quyết liệt, chưa triệt để, vẫn còn xảy ra tình trạng tái vi phạm, một số nhiệm vụ triển khai thực hiện còn chậm.
Cụ thể, tiến độ xử lý các vi phạm trong thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên quỹ đất công và đất nông nghiệp; Tiến độ triển khai các đồ án quy hoạch, tổng mặt bằng, chỉ giới đường đỏ; Công tác bàn giao đưa vào duy tu, duy trì, hoàn thiện hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành rất chậm, đặc biệt các dự án giao thông hạ tầng khung.
Ngoài ra, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm so với kế hoạch, nhiều khó khăn, vướng mắc vẫn còn tồn tại đến nay chưa được giải quyết.
Công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị được chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên đạt kết quả chưa bền vững, vẫn còn xảy ra tình trạng tái vi phạm, xây dựng không phép, sai phép, xây dựng trên đất nông nghiệp. Tiến độ xử lý các trường hợp vi phạm tồn đọng còn chậm, chưa dứt điểm...
Do đó, 9 tháng cuối năm, huyện Gia Lâm sẽ tập trung phát triển kinh tế, hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch năm 2024 đã đề ra; hướng tới hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Trong đó, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các giải pháp đẩy mạnh, khai thác hiệu quả các nguồn thu, nhất là nguồn lực từ đất đai, điều hành ngân sách linh hoạt, đảm bảo cân đối ngân sách huyện năm 2024.
Đặc biệt, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng huyện thành quận, xã thành phường. Chỉ đạo chuẩn bị tốt nhất mọi điều kiện đón nhận danh hiệu huyện nông thôn mới nâng cao và thành lập quận, phường.
Cùng với đó, triển khai đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn huyện.