U23 Indonesia đã thua đáng tiếc trước U23 Iraq 1 – 2 trong trận tranh giải 3 Giải vô địch bóng đá U23 châu Á năm 2024, để tuột mất chiếc vé trực tiếp dự Olympic mà họ hoàn toàn xứng đáng sở hữu. Điểm lại kết quả của U23 Indonesia ở giải đấu vừa qua, ngoại trừ trận thua ở bán kết, họ thắng tất cả các trận mà có đủ người ở trên sân. Thắng U23 Australia 1 - 0, thắng U23 Jordan 4 – 1, loại U23 Hàn Quốc ở tứ kết. Không chỉ về kết quả thi đấu là lọt vào tới trận bán kết, mà cách đội bóng này thi đấu ngang hàng với các đội bóng hàng đầu châu lục cho thấy họ đang là đội bóng hay nhất Đông Nam Á. Đáng nói là trong các trận đấu ở giải này, U23 Indonesia không hạ mình phòng ngự phản công, họ tự tin triển khai lối đá kiểm soát trước mọi đối thủ. Hẳn sau giải đấu này, nhiều người sẽ thấy những trận thua gần đây của các cấp độ đội tuyển Việt Nam trước Indonesia không còn quá vô lý nữa.
Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng bóng đá Việt Nam nên học tập theo Indonesia, nâng cao sức mạnh cho các cấp độ đội tuyển bằng cách triệt để tận dụng các cầu thủ có gốc gác Việt Nam được đào tạo và đang thi đấu ở nước ngoài. Chúng ta sẽ cùng nhau nhìn nhận về vấn đề này.
Indonesia đang có một lứa cầu thủ trẻ rất hay, gồm những số 7 Maselino Ferdinan, số 5 Rizky Ridho, số 8 Witan Sulaeman... hay thủ môn xuất sắc Ernando. Nhưng nếu chỉ như thế sẽ là không đủ để làm nên kỳ tích vừa qua của đội bóng này. Chúng ta không thể hình dung nổi U23 Indonesia sẽ thi đấu kiểm soát thế nào nếu trong đội hình của họ không có tiền đạo số 11 Rafael Struick, số 6 Ivar Jenner, số 23 Nathan Tjoe-A-On, hay số 10 Justin Hubner. Có thể khẳng định, thành công của U23 Indonesia ở giải này là kết quả từ chiến lược nhập tịch cầu thủ của những người làm bóng đá Indonesia.
Thực tế, việc trong danh sách ĐTQG có cầu thủ nhập tịch là rất bình thường trên thế giới. Đội bóng nào cũng muốn tăng cường sức mạnh của mình, kể cả với những đội bóng hàng đầu châu Âu. Bảo thủ như nước Đức, họ cũng vẫn không giấu giếm mong muốn nhập tịch cho cầu thủ 19 tuổi Mathys Tel, đang thi đấu như 1 siêu dự bị ở Bayern Munich. LĐBĐ Đức rất muốn nhập tịch cầu thủ này. HLV Rudi Voller nói: "Chúng ta ai cũng biết Đức đang thiếu những tiền đạo hàng đầu. Chúng tôi chắc chắn sẽ cố gắng nhập tịch cho Tel càng sớm càng tốt. Tất nhiên việc khoác áo ĐT Đức hay ĐT Pháp là quyết định của cậu ấy và gia đình. Sự thực là nguồn gốc của cậu ấy là rất Pháp".
Thực tế thì ĐT bóng đá Việt Nam cũng đã có cầu thủ nhập tịch như thủ môn Đặng Văn Lâm hay Nguyễn Philip. Nhưng sức mạnh của đội bóng dựa hẳn vào các cầu thủ nhập tịch như Indonesia lại là câu chuyện khác. Chiến lược nhập tịch ồ ạt mang lại thành tích tức thì cho bóng đá Indonesia. Nó làm thỏa mãn cơn khát thành tích kéo dài của bóng đá và NHM nước này. Ngoài ra, rõ ràng nó giúp cho các cầu thủ trẻ nội Indonesia có mặt trong đội tuyển thi đấu tự tin hơn, học tập được nhiều điều từ các cầu thủ nhập tịch, vốn được đào tạo từ những nền bóng đá tiên tiến hơn, được thi đấu ở những giải đấu lớn ở châu Âu.
Đây sẽ là cú hích tinh thần quan trọng cho quá trình phát triển bóng đá ở quốc gia này. Thành tích này giúp bóng đá có sức hút mạnh mẽ hơn cả về mối quan tâm của xã hội cũng như thu hút thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển bóng đá. Nhưng nếu chiến lược này tiếp tục được thực hiện như bây giờ, chỉ 2 năm sau, U23 Indonesia sẽ cần thêm 1 lứa cầu thủ nhập tịch mới, vì đơn giản là nền bóng đá nước này không thể sản sinh ra lứa cầu thủ đủ hay để duy trì thành tích mà các cầu thủ nhập tịch như Struick, Ivar Jenner, Nathan Tjoe-A-On hay Hubner mang lại. Nhiều ý kiến trong và ngoài Indonesia cho rằng, chính sách nhập tịch như vậy sẽ ảnh hưởng xấu đến việc tìm kiếm và phát triển các tài năng bóng đá nội địa.
Bóng đá Việt Nam cũng đang trong giai đoạn chưa có phương hướng phát triển rõ ràng. Nhiều người phản đối, nói không với việc học theo bài học của Indonesia, tìm kiếm thành tích dựa vào các cầu thủ nhập tịch. Nhưng như đã nói ở trên, việc tăng cường sức mạnh các cấp độ ĐTQG bằng cách nhập tịch các cầu thủ tài năng là phổ biến trên thế giới, cả ở các nước có nền bóng đá tiên tiến.
Để dễ hình dung, chúng ta tách bạch 2 vấn đề của câu chuyện phát triển bóng đá.
Đầu tiên, đó là thành tích ngắn hạn. Chúng ta cần thành tích, nó đóng vai trò cú hích cho phát triển bóng đá. Để có điều đó, chúng ta có thể áp dụng việc tìm kiếm các tài năng bóng đá thông qua nhập tịch. Việc này giúp cho chúng ta nhanh chóng có được thành tích, giúp cho các cầu thủ nội địa có thể học hỏi từ các cầu thủ nhập tịch trong luyện tập và thi đấu. Ưu điểm tuyệt đối của giải pháp tăng cường sức mạnh ngắn hạn thông qua nhập tịch cầu thủ là chi phí tài chính thấp. Tất nhiên, vì chúng ta không mất chi phí đào tạo mà sử dụng thành quả đào tạo của quốc gia khác.
Tiếp theo, đó là câu chuyện đào tạo cầu thủ trẻ vì lợi ích dài hạn. Trước kết quả khả quan của U23 Uzbekistan, nhiều người đã nhắc đến mô hình phát triển bóng đá trẻ của Uzbekistan như một mô hình đáng để nghiên cứu học tập. Trong những năm qua, hàng loạt học viện bóng đá trẻ em và thanh thiếu niên được xây dựng ở quốc gia này, đào tạo các cầu thủ bóng đá cho các đội tuyển quốc gia và các câu lạc bộ chuyên nghiệp. Ủy ban Olympic quốc gia Uzbekistan từ năm 2021 đã thành lập đội bóng FK Olympic, chỉ gồm các cầu thủ trẻ đủ tuổi dự Olympic, tham gia vào giải đấu chuyên nghiệp của Uzbekistan để các cầu thủ trẻ của nước này có cơ hội cọ xát qua thực tế thi đấu. Năm 2022, đội bóng gồm các cầu thủ trẻ này đã về thứ 6 giải Uzbekistan Football Championship.
Tóm lại, để phát triển bóng đá bền vững, lâu dài, không có con đường nào khác là xây dựng nền bóng đá lành mạnh, trong đó ưu tiên phát triển bóng đá trẻ, mà Uzbekistan là một ví dụ hay để học tập. Nhưng việc này không mẫu thuẫn với việc trong thời gian chờ gặt hái kết quả của chiến lược phát triển bóng đá ưu tiên đào tạo cầu thủ trẻ đó, chúng ta nhập tịch các cầu thủ tài năng, được đào tạo tốt và có mong muốn khoác áo ĐT Việt Nam, phục vụ cho thành tích ngắn hạn.