Sáng nay (4/5), tại buổi Đối thoại chuyên đề: "Tìm hiểu pháp luật lao động, ATVSLĐ, nhận diện lừa đảo trực tuyến và cách phòng ngừa" do Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội tổ chức, nhiều lao động đã đặt các câu hỏi liên quan tới việc thực hiện pháp luật lao động.
Anh Nguyễn Văn Hoà - Công ty Toyota Bosoku Hà Nội hỏi: "Hợp đồng lao động của chúng tôi trước đây ghi rất cụ thể công việc phải làm theo thông báo tuyển dụng, sau khi Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 có hiệu lực, năm 2023 Công ty tiến hành sửa đổi hợp đồng lao động của mọi người, công việc và nhiệm vụ cụ thể của người lao động tại từng thời điểm do trưởng bộ phận phân công.
Việc Công ty liệt kê toàn bộ các nghề, các công việc có trong Công ty mà người lao động phải làm trong Hợp đồng lao động mà không nêu nội dung công việc cụ thể và người lao động không được đào tạo trước khi luân chuyển sang công việc khác. Xin cho hỏi nội dung ghi như vậy trong hợp đồng lao động có đúng không? Cách ghi này có trái với điều 28, điều 29 Bộ luật Lao động năm 2019 không?".
Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Everest cho biết: Trường hợp này, người lao động cần xem lại Hợp đồng lao động, trong Hợp đồng lao động ghi rất rõ công việc người lao động phải làm, trường hợp thực hiện thay đổi Hợp đồng lao động thì phải làm thủ tục sửa đổi hoặc thay đổi, phải lấy ý kiến từ tổ chức Công đoàn.
Người lao động có quyền từ chối ký sửa đổi hay bổ sung Hợp đồng lao động, người lao động cũng có quyền được từ chối làm những việc không nằm trong Hợp đồng lao động. Đối với việc thay đổi Hợp đồng lao động mới mà Công ty đang dự thảo, người lao động có quyền thương thảo hoặc từ chối ký mà không vi phạm pháp luật.
Bà Đỗ Thị Lan Chi - Phó trưởng Khoa An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp (Trường Đại học Công đoàn) bổ sung: Khi chuyển đổi công việc, người lao động có quyền được đào tạo, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đào tạo người lao động về chuyên môn và đào tạo về an toàn vệ sinh lao động.