Dân Việt

Đọc sách cùng bạn: Người có tầm quốc gia

Phạm Xuân Nguyên 06/05/2024 08:36 GMT+7
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi mời bạn đọc cuốn sách mang tên "Hùm xám đường số 4" của Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam Đặng Văn Việt (1920 – 2021).

Đây là một cuốn hồi ký. Nó đã được tác giả viết và xuất bản năm 1987 với đầu đề "Đường số 4 rực lửa". Cuốn sách đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết lời tựa và Đại tướng Hoàng Văn Thái viết lời giới thiệu. Bây giờ cuốn hồi ký này được in lại với đầu đề "Hùm xám đường số 4", nhưng tên sách như thế dễ gây cho bạn đọc hiểu lầm tác giả. Bởi biệt danh "Le Tigre gris de la RC4" là do binh lính Pháp đối đầu với Đặng Văn Việt trên chiến trường đặt cho ông vì chúng vừa khiếp đảm vừa kính phục vị sĩ quan trẻ tuổi của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chỉ huy trung đoàn mình đánh cho chúng thất điên bát đảo.

HÙM XÁM ĐƯỜNG SỐ 4

Tác giả: Đặng Văn Việt

Nhà xuất bản Lao Động, 2024

Số trang: 279 (khổ 14,5x20,5cm)

Số lượng: 1000

Giá bán: 180.000đ

Đặng Văn Việt là ai mà tên tuổi vang danh như vậy?

Ông sinh 1920 trong một gia đình thuộc hàng "danh gia vọng tộc" ở huyện Diễn Châu (Nghệ An). Tổ tiên ông là danh tướng Đặng Tất, Đặng Dung thời Hậu Trần. Ông nội của ông là Đình nguyên Hoàng giáp Đặng Văn Thụy (khoa Giáp Thìn - 1904), từng làm Tế tửu Quốc tử Giám. Bà nội của ông là bà Cao Thị Bích, con gái của Đông các Đại học sĩ Cao Xuân Dục. Cha ông là Phó bảng Đặng Văn Hướng (khoa Kỷ Mùi 1919), Tham tri Bộ Hình triều đình nhà Nguyễn, Tổng đốc Nghệ An thuộc Chính phủ Trần Trọng Kim. Từ năm 1947, cụ Hướng là Quốc vụ khanh đặc trách công tác ở 3 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh trong Chính phủ đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Mẹ của ông là bà Hoàng Thị Hiến, con gái đầu của cụ Hoàng Đạo Phương. Cụ Phương chính là anh ruột học giả Hoàng Đạo Thúy. Hai người dì đều lấy những nhân vật nổi tiếng như bà Hoàng Thị Hảo lấy ông Trịnh Văn Bính (từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính) hay bà Hoàng Thị Minh Hồ lấy thương gia Trịnh Văn Bô - người đã đóng góp cho Cách mạng và kháng chiến mấy nghìn cây vàng, chủ ngôi nhà 48 Hàng Ngang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng.

Đọc sách cùng bạn: Người có tầm quốc gia- Ảnh 1.

Cuốn sách mang tên "Hùm xám đường số 4" của Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam Đặng Văn Việt (1920 – 2021). (Ảnh: TL)

Hoàn cảnh gia đình như vậy nên Đặng Văn Việt lúc nhỏ đã được học ở trường Quốc Học (Huế) và đỗ tú tài toàn phần năm 1942. Sau đó, ông ra Hà Nội học Y khoa. Khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945) trường Y đóng cửa, ông quay lại Huế, bắt đầu hoạt động trong phong trào Việt Minh. Ông cùng một người bạn học đã được giao nhiệm vụ treo lá cờ đỏ sao vàng lên cột cờ Ngọ Môn ngày 17/8/1945.

Chính trong những ngày sục sôi cách mạng tháng Tám và bắt đầu kháng chiến chống Pháp năng khiếu quân sự của Đặng Văn Việt đã được bộc lộ. Ông sớm được giao trọng trách chỉ huy trưởng mặt trận đường 9 (Hạ Lào, 1945) rồi mặt trận đường 7 (Thượng Lào, 1946). Sau đó ông được điều ra Bắc về trường võ bị Trần Quốc Tuấn mới được thành lập, rồi về Ban nghiên cứu của Bộ Tổng tham mưu. Năm 1947 ông được đồng chí Võ Nguyên Giáp cử làm phái viên Mặt trận đường số 4 ở vùng Cao - Bắc -Lạng. Cuốn hồi ký của ông bắt đầu từ thời điểm này.

Đường số 4, con đường quốc lộ nối Lạng Sơn và Cao Bằng và vùng biên giới Việt - Trung, đã trở thành huyết mạch quân sự của đội quân viễn chinh Pháp ở Việt Nam, khi sau thất bại chiến dịch Thu Đông 1947 chúng chiếm giữ con đường này, xây dựng hàng trăm đồn bốt hòng cắm mũi dao sâu vào căn cứ địa Việt Bắc. Người phái viên quân sự Đặng Văn Việt đã sống cả một thời tuổi trẻ hào hùng oanh liệt của mình tại Mặt trận đường số 4 này. Từ phái viên ông trở thành Trung đoàn trưởng trung đoàn 28 (Lạng Sơn). Dưới sự chỉ huy của ông trong các năm 1947 - 1949 trung đoàn 28 đã lập được những chiến công lớn, đặc biệt là các trận phục kích trên đèo Bông Lau. Đến năm 1950, khi trung đoàn này cùng trung đoàn 72 (Bắc Kạn) và trung đoàn 74 (Cao Bằng) hợp lại thành trung đoàn 174 thì ông là Trung đoàn trưởng đầu tiên cùng với chính uỷ đầu tiên là đồng chí Chu Huy Mân.

Trung đoàn 174 với tài cầm quân thao lược của Đặng Văn Việt ngay khi chưa làm lễ ra mắt đã chủ động đánh chiếm cứ điểm Đông Khê trước khi chiến dịch Biên Giới mở ra, sau đó cùng các đơn vị khác tham gia chiến dịch liên tiếp chiến đấu phá thế trận phòng thủ của địch trên đường số 4. Chiến dịch Biên Giới Thu Đông 1950 kết thúc thắng lợi, hai viên sĩ quan binh đoàn Pháp là Marcel Lepage và Pierre Charton bị bắt sống, đã tạo nên danh tiếng của người chỉ huy Đặng Văn Việt vang dội trong toàn quân và toàn dân vùng Cao - Bắc - Lạng. Đồng bào các dân tộc Việt Bắc gọi ông là "Đệ tứ lộ đại vương". Còn kẻ địch thì gọi ông là "Le Tigre gris de la CR4" (Hùm xám đường số 4) hoặc "Le petit Napoléon" (Tiểu tướng Napoléon).

Cuốn hồi ký của Đặng Văn Việt viết cụ thể, chân thực. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi tác giả "đã trung thành ghi lại một phần những sự kiện quan trọng và những giờ phút không bao giờ quên trên chiến trường lịch sử". Đại tướng Hoàng Văn Thái nhận xét "cuốn sách này, bằng lời văn giản dị, mộc mạc của người lính, đã miêu tả được những trang sử hào hùng của đường số 4 năm xưa".

Đặng Văn Việt viết về chiến công đường số 4 là viết về chiến công tập thể. Ông xưng "Tôi" trong hồi ký đúng theo yêu cầu của thể loại hồi ký. Nhưng ông gần như không nói về mình mà dành nhiều trang viết nói về người lính, người dân.

Ông viết cảm động về những người dân miền núi theo cách mạng, một lòng phục vụ kháng chiến. "Những con người chân thực, chất phác, với dáng vẻ lầm lì, ít nói, nhưng rất tận tuỵ trong mọi nhiệm vụ. Họ chiến đấu dũng cảm, gan góc tuyệt vời và cũng rất đậm đà tình nghĩa. Mới gặp, chưa quen ở giây phút bỡ ngỡ ban đầu, anh dễ ngộ nhận lo lắng trước người chiến sĩ dáng dấp rụt rè, hỏi gì nói ấy với những câu đáp lại ngắn ngủi, dè sẻn từng lời nói, vừa đủ để anh hiểu ý. Nhưng bên trong cái vẻ ngoài lặng lẽ ấy, chứa đựng phẩm chất đẹp đẽ của người lính: gan bền, chịu đựng gian khổ, đánh đến cùng, sẵn lòng hy sinh vì nghĩa cả, vì tự do, độc lập của Tổ Quốc." (tr. 68) Ông cũng ghi lại rất vui câu chuyện "đổi lính" mà mãi đến năm 1984 ông mới được một cán bộ địa phương kể lại. Ấy là chuyện quân của ông là quân chủ lực, các anh lính quân địa phương muốn được mang danh lính trung đoàn, nên hai cấp chỉ huy ở đại đội đã "thông đồng" với nhau (không dám để cấp trên biết) để thay lính này vào lính khác. Đánh xong thì lính nào lại về lính ấy.

Ông viết xúc động về cô Nẹng (tr. 217), một cô gái Tày đẹp nhất vùng Tràng Định – Thất Khê, từng nổi tiếng là hoa khôi, con gái cụ giáo Quỳnh nơi ông thường ở nhờ nhà mỗi lần đi trinh sát đường số 4. Số phận bi kịch của cô gái đẹp ấy đã làm ông đau buồn. "Một người con gái xinh đẹp dịu hiền như cô sống trong trong cảnh đất nước độc lập thanh bình ắt phải được hưởng niềm hạnh phúc êm ấm. Cứ nhớ lại cảnh tối trăng rừng, cô gái thả tóc dài mượt ngồi ở mảnh sân nhà sàn, lặng nhìn về phía cánh đồng Thất Khê khuất sau dãy núi, như một bức tranh tố nữ huyền ảo, tôi càng tiếc thương cô gái chân thật, hiền thảo ấy vô cùng." (tr. 219)

Ông kể sống động lần nghe ông, vị chỉ huy đánh trận đường 4, trước mỗi trận đánh thường đề ra nhiều giả định khác nhau để lường trước các khả năng đối phó với địch, anh Văn (Võ Nguyên Giáp) phải thốt lên: "Cậu này sao lắm giả định thế." Nhưng càng nghe cấp dưới nói về các giả định tính toán tới cả thời tiết, tuần trăng trong đánh trận thì anh Văn cũng phải thốt lên khen cấp dưới: "Tay này thông minh." (tr. 83)

Ông thuật sinh động lời kể của hai người khác về việc Bác Hồ ra mặt trận ở Đông Khê và việc Bác trò chuyện với hai sĩ quan Pháp, hai tên chỉ huy binh đoàn, bị bắt làm tù binh. Qua câu chuyện được ghi lại từ ký ức còn rõ nét của Đặng Văn Việt, người đọc càng thấy ra tầm vóc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Việt Nam. Bạn đọc sách bạn sẽ biết được câu nói của Bác Hồ khi nghe viên sĩ quan Pháp đáp lại câu hỏi của người đứng trước mặt mà ông ta không ngờ là lãnh tụ tối cao của nước Việt Nam nói rằng những người lính quân đội nhân dân Việt Nam là kỳ cục, không theo một sách vở nào cả. Đặng Văn Việt ghi lại lời Bác: "Chẳng có gì là lạ. Họ chỉ là những người yêu nước muốn giành độc lập, tự do cho Tổ quốc mình." (tr. 193)

Trong hồi ký của mình Đặng Văn Việt không chỉ nói chuyện Việt Nam mà còn nói chuyện Trung Quốc. Đó là chuyện quân giải phóng Trung Quốc sang nhờ Việt Nam giúp nơi ẩn trú và giúp đánh quân Tưởng trước ngày thành lập nước Cộng hoà Nhân Dân Trung Quốc (10/1949). Các trang 123 – 137 kể lại việc này. Ngẫm lại lịch sử này từ độ lùi hơn ba mươi năm sau, tác giả suy nghĩ: "Năm tháng qua đi, ghi lại những dòng hồi tưởng về một thời kỳ rất đa dạng trên chiến trường biên giới phía Bắc, tôi muốn nói lên cái trong sáng vô tư, tinh thần quốc tế vô sản của bộ đội ta, một đội quân chẳng những chỉ chiến đấu mãnh liệt, dũng cảm vì độc lập tự do của tổ quốc mình, nhân dân mình, mà còn vì sự nghiệp cách mạng của bạn bè khi họ còn chung số phận thù trong giặc ngoài, chưa giải phóng được đất nước như ta vậy." (tr. 146-147) Đó là một sự thực lịch sử. Điều này cũng để khẳng định không hề có quân đội Trung Quốc tham chiến cùng quân đội Việt Nam khi chống Pháp. Chỉ có những người lính Việt Nam tự xông trận cứu nước mình với sự giúp đỡ vũ khí, đạn được từ phía Trung Quốc ở giai đoạn cuối.

Đọc hồi ký của Đặng Văn Việt để hiểu thêm về ông, để hiểu hơn cuộc cách mạng mà ông đã tham gia với tất cả nhiệt huyết và lòng yêu nước của một người dân Việt Nam. Do thành phần giai cấp bị quy định, sau 1954 gia đình ông trở thành nạn nhân của cuộc đấu tố trong cải cách ruộng đất. Bản thân ông bị buộc thôi chức Trung đoàn trưởng, chuyển sang làm công tác huấn luyện. Năm 1958 ông được phong quân hàm trung tá và mãi mãi dừng lại ở cấp bậc đó, mặc dù nhiều chỉ huy dưới quyền ông về sau đã trở thành tướng lĩnh. Nhưng các tướng lĩnh từng sát cánh cùng ông vào sinh ra tử trên mặt trận đường số 4 từ cấp trung đội, đại đội, tiểu đoàn, vẫn luôn tự hào và kính trọng ông, vị trung đoàn trưởng, người chỉ huy đánh trận của mình. Như lời một vị đại tá đã nói: "Sau này có nhiều cán bộ, chiến sĩ của E174 đã trưởng thành ở những vị trí cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội như Đại tướng Chu Huy Mân, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Thượng tướng Nguyễn Hữu An (Giám đốc Học viện Quốc phòng), Trung tướng Nguyễn Hải Bằng (Quyền giám đốc Học viện Quốc phòng); Trung tướng Trịnh Trân, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Trung tướng Đào Trọng Lịch, Tổng tham mưu trưởng… Tuy nhiên, Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt (chuyển khỏi trung đoàn năm 1953 và chuyển ngành năm 1960 khi đeo quân hàm Trung tá) vẫn luôn là một người anh cả, người thủ trưởng, người đồng chí, đồng đội mẫu mực, đáng kính của tất cả cán bộ, chiến sĩ E174."

Năm 1960, Trung tá Đặng Văn Việt xuất ngũ và được điều sang làm Cục phó Cục Vật liệu xây dựng, rồi Cục phó Cục Xây dựng cơ bản thuộc ngành Thủy sản đến khi nghỉ chế độ.

Đọc một cuốn sách, tự hào và xót thương một con người mang tên Đặng Văn Việt đã đi qua cõi nhân gian hơn một thế kỷ với nhiều vinh quang và cay đắng. Tôi muốn cùng bạn đọc những ý kiến đánh giá về ông được đặt ở đầu sách để thấy rõ tấm vóc của ông.

"Quyết định đánh Đông Khê trước khi nổ ra Chiến dịch Biên Giới là một quyết định đầy trí tuệ và đầy tinh thần trách nhiệm của Đặng Văn Việt." (Đại tướng Lê Trọng Tấn)

"Anh Việt có tầm quốc gia bởi vì anh rất giỏi phân tích thực tiễn chiến trường và biết đưa ra những quyết định sáng suốt làm giảm xương máu và giảm sự hy sinh của chiến sĩ. Anh Việt còn là nhà lý luận cừ khôi của quân đội cách mạng." (Thượng tướng Hoàng Minh Thảo)

"Nếu tôi được phong anh hùng một lần thì tôi nghĩ thủ trưởng Việt phải được phong nhiều lần." (Anh hùng, Đại tá La Văn Cầu)

"Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi khám phá ra kẻ đối địch nguy hiểm nhất, kẻ đã làm chúng tôi thất điên bát đảo trên đường số 4 này lại là một chàng trai chưa đầy 30 tuổi, người chỉ huy các lực lượng vũ trang Việt Minh trên một vùng chiến lược quan trọng. Đó là Trung đoàn trưởng của Trung đoàn nổi tiếng 174 – Trung tá Đặng Văn Việt." (Đại tá Charles de Pirey)

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.

Hà Nội, 5/5/2024