Dân Việt

Người Trung Quốc sống tằn tiện vì thiếu việc làm

Trọng Hà (Theo SCMP) 08/10/2024 16:12 GMT+7
Các hộ gia đình ở Trung Quốc vẫn đang vật lộn với thị trường việc làm yếu kém, khiến họ có xu hướng sống tằn tiện hơn.

Kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) được công bố tuần trước cho thấy những thách thức đang xảy ra liên tục đối với các nhà hoạch định chính sách, vốn đang trông chờ vào tiêu dùng nội địa để thúc đẩy nền kinh tế hậu Covid hướng tới mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay.

Trong số 20.000 người dân được phỏng vấn tại 50 thành phố cho cuộc khảo sát, 46,5% mô tả tình hình việc làm trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 là “bấp bênh” và “không chắc chắn”, nói rằng họ thấy “khó có việc làm”.

Người Trung Quốc sống tằn tiện vì thiếu việc làm

Chỉ có 10,5% số người được hỏi cho biết “dễ kiếm việc làm” trong khoảng thời gian 3 tháng hoặc tình hình việc làm đang “trở nên tốt hơn”.

Một cuộc khảo sát riêng của PBOC về các doanh nhân, cũng được công bố vào tuần trước, cho thấy gần 42% cảm thấy các yếu tố cơ bản vĩ mô như việc làm, cung và cầu đang bắt đầu hạ nhiệt, đồng thời nhiều doanh nhân dự đoán đtình trạng kinh doanh sẽ giảm trong tương lai.

Trong khi đó, gần 70% người dân thành thị được khảo sát cho biết thu nhập của họ “không đổi”, trong khi hơn 17% cho biết thu nhập “đã giảm”.

Không ngạc nhiên, gần 62% cho biết họ “có ý định tiết kiệm nhiều hơn”, tăng 0,7 điểm phần trăm so với quý trước.

Cuộc khảo sát cho thấy sức chi tiêu của người dân vẫn ở mức ì ạch, với chưa đến một phần tư số người được hỏi chọn “chi tiêu nhiều hơn”, không thay đổi so với giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12/2023.

Người Trung Quốc sống tằn tiện vì thiếu việc làm- Ảnh 1.

Các hộ gia đình ở Trung Quốc vẫn đang vật lộn với thị trường việc làm yếu kém, khiến họ có xu hướng sống tằn tiện hơn. Ảnh: SCMP.

Khi được yêu cầu bình luận về thị trường bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc, hơn một nửa số người được hỏi cho biết giá có khả năng “giữ nguyên” trong quý tới, trong khi 11% dự báo xu hướng “tăng”.

Điều này xảy ra khi Trung Quốc đánh bại các kỳ vọng để đưa ra báo cáo tăng trưởng kinh tế 5,3% trong quý đầu tiên, tiếp tục giữ hướng tới mục tiêu năm 2024 bất chấp những thách thức như suy thoái thị trường bất động sản và nhu cầu nội địa yếu.

“Doanh số bán căn hộ mới vẫn chưa ổn định. Lập trường chính sách tài khóa trở nên chủ động hơn tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, nhưng việc phát hành trái phiếu [của chính phủ để thúc đẩy nền kinh tế] vẫn chưa khởi sắc. Cần có thời gian để thúc đẩy tài chính được chuyển sang nền kinh tế và giúp nhu cầu trong nước phục hồi", Zhang Zhiwei, Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Managements cho biết.

Tiêu dùng đóng góp gần 3/4 mức tăng trưởng từ tháng Giêng đến tháng Ba, so với khoảng 12% từ đầu tư và 14,5% từ xuất khẩu ròng.

Việc tạo đủ việc làm cho thanh niên vẫn là một thách thức lớn đối với Trung Quốc, khi khu vực tư nhân quan trọng đang phải vật lộn để tồn tại cùng sức chi tiêu của người dân chưa thể phục hồi kể từ đại dịch.

Gần 68 tỷ nhân dân tệ (9,6 tỷ USD) trong ngân sách tài khóa trung ương năm nay sẽ được sử dụng để hỗ trợ tạo việc làm và tinh thần kinh doanh.

“Năm nay chúng ta sẽ có 11,76 triệu cử nhân tốt nghiệp đại học gia nhập thị trường lao động. Chúng ta cần hết sức chú ý sau khi số liệu từ quý đầu tiên cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ghi nhận mức tăng", Sheng Laiyun, phó cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia, cho biết hồi tháng trước.

Dữ liệu chính thức từ tháng 9 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp điều chỉnh của nhóm tuổi từ 16 đến 24 vẫn ở mức cao 15,3%. Con số dành cho nhóm từ 25 đến 29 tuổi được đưa ra gần đây đã tăng nhẹ lên 7,2%.