Tuyển sinh năm 2024, Trường đại học Gia Định công bố điểm chuẩn phương thức xét học bạ THPT. Theo đó, toàn bộ các ngành đều có điểm chuẩn 16,5. Như vậy, bình quân 5,5 điểm/môn thí sinh đã trúng tuyển đại học này. Tuy nhiên, Trường đại học Kinh tế - kỹ thuật Bình Dương gây bất ngờ hơn khi công bố điểm chuẩn xét tuyển học bạ THPT năm 2024 từ 15 - 22 điểm, ngoại trừ khối ngành sức khỏe.
Điều này có nghĩa là thí sinh chỉ cần có điểm học bạ THPT từ 5 điểm đã trúng tuyển trường đại học này. Điểm xét tuyển này đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng nếu có. Với thí sinh có điểm ưu tiên, thực tế điểm học bạ thấp hơn 5 điểm/môn cũng trúng tuyển đại học.
Năm nay, với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học bạ ở bậc THPT, nhiều trường cũng công bố điểm chuẩn ở mức khá thấp. Tại Trường Đại học Văn Lang, điểm chuẩn trúng tuyển sớm với 60 ngành đào tạo, phương thức xét tuyển học bạ THPT đợt 1 năm 2024 dao động từ 18 đến 24 điểm.
Điểm chuẩn đủ điều kiện trúng tuyển vào Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng dao động từ 18 – 24 điểm.
Tại Trường Đại học Gia Định, điểm chuẩn đạt điều kiện trúng tuyển xét tuyển sớm cho 49 ngành/chuyên ngành là 16,5 điểm.
Điểm chuẩn Trường Đại học Công nghệ TP.HCM đợt 1 xét theo học bạ năm 2024 dao động 18 - 24 điểm.
Mức điểm chuẩn xét tuyển Trường Đại học Kinh tế tài chính TP.HCM là 18 điểm cho tất cả các ngành ở cả hai phương thức: xét theo tổ hợp 3 môn lớp 12 và xét theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ.
Tại Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn điểm chuẩn học bạ đợt 1 là 18 điểm cho các ngành.
Trường Đại học Thái Bình Dương công bố mức điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét kết quả học tập THPT (học bạ) đợt 1 – năm 2024 dành cho 15 ngành đào tạo bậc đại học hệ chính quy là 6,0.
Học viện Phụ nữ Việt Nam công bố, kết quả xét tuyển sớm đại học chính quy đợt 1 năm 2024 với phương thức xét tuyển học bạ, điểm chuẩn học bạ dao động từ 19-25,5 điểm, thấp nhất là ngành Giới và phát triển với 19 điểm, cao nhất là ngành Truyền thông đa phương tiện với mức 25,5 điểm.
Trước thông tin điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường đại học chỉ trên dưới 5 điểm mỗi môn, nhiều người đã bày tỏ đáng lo ngại chất lượng đầu vào và đầu ra ở các trường đại học.
Tuy nhiên, chia sẻ với PV báo Dân Việt, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Công thương TP.HCM khẳng định: "Chúng ta không đáng lo ngại bởi chương trình đào tạo đã được kiểm định chất lượng, tức là các chương trình đó đã khẳng định chất lượng sản phẩm theo sự cam kết. Và thường các trường đại học cam kết là đảm bảo việc làm với thu nhập trung bình cho sinh viên tốt nghiệp đại học".
Nói về tình trạng sinh viên nợ môn, ra trường chậm so với dự kiến, ThS Sơn cho rằng không liên quan đến điểm đầu vào. "Tỷ lệ các sinh viên tốt nghiệp đại học đúng thời hạn (khoảng 3,5 năm) ở trường tôi khoảng 51% - 55%. Phần lớn là do các em nợ môn học không ra trường được, do các bạn học tập chảnh mảng. Điều này nói lên điều gì? Sinh viên không có thái độ học tập tốt thì sẽ rớt môn. Ngay cả nhiều sinh viên học giỏi năm nhất mà chảnh mảng thì sẽ không còn học tập tốt ở năm 2. Cũng tương tự như năm 1 học tập chảnh mảng và năm sau thấy sợ quá lên học tập tốt hơn và khi đó kết quả sẽ tốt hơn.
Chương trình đào tạo đã được nhà trường kiểm định chất lượng, tức là chương trình đào tạo của 1 ngành đều giống nhau về các thiết kế và cách đánh giá đó. Việc chất lượng đầu vào không có liên quan gì đến chất lượng sinh viên tốt nghiệp đại học vì các trường đại học đã cam kết và đã kiểm định chất lượng chương trình đào tạo. Các trường đại học đã xác định mình ở vị trí nào trong bản đồ đào tạo, đào tạo theo hướng nghiên cứu và đào tạo theo hướng ứng dụng.
Ví dụ như các trường đại học thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường đại học như Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Ngoại Thương thì có hướng đào tạo nghiên cứu. Còn đào tạo theo hướng ứng dụng thì các trường đại học khác", Ths Sơn nói.
Bà Hoàng Thúy Nga, chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT đã thông tin về những điểm mới trong tuyển sinh đại học năm 2024, đồng thời lưu ý thí sinh quy định về xét tuyển sớm…
Theo đó, năm 2024, Bộ GDĐT vẫn giữ ổn định quy chế tuyển sinh như hai mùa tuyển sinh gần nhất. Điều này tạo tâm lý ổn định và vững tâm cho thí sinh.
Học sinh và phụ huynh cần lưu ý các mốc thời gian trong tuyển sinh đại học. Đó là từ ngày 18-30/7, thí sinh đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống, rút ngắn 8 ngày so với năm 2023.
Ngày 21/7, Bộ GDĐT công bố điểm sàn khối ngành khoa học sức khỏe và sư phạm.
Ngày 22/7 các trường đào tạo sức khỏe và sư phạm sẽ công bố điểm sàn của 2 khối ngành này.
Từ ngày 31/7 - 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển.
Trước 17 giờ ngày 19/8, tất cả các trường phải công bố điểm chuẩn.
Sau đó, thí sinh xác nhận nhập học lên hệ thống từ ngày 19 - 27/8.