Clip: Nhân dân ở khắp nơi nô nức kéo về Điện Biên Phủ
Đường Võ Nguyên Giáp - tuyến đường chính xuyên suốt chạy dài theo thành phố Điện Biên Phủ tràn ngập cờ hoa, hai bên đường nhà nào cũng treo cờ Tổ quốc. Cả thành phố hối hả, xôn xao chào đón ngày đại lễ đang đến gần. Đặc biệt ở các khu di tích như: Hầm Đờ - cát, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đồi A1, Nghĩa trang đồi A 1... luôn kín chân du khách.
Trong dòng người bất tận đến thăm đồi A1 có người lính già ngồi im lặng bên tấm pa nô sặc sỡ kể về sự đổi thay của thành phố lịch sử. Đó là ông Đào Văn Thực, nguyên chiến sĩ Binh trạm căn cứ hậu cần 30 (bản Noong Pua, thành phố Điện Biên Phủ), Tổng cục hậu cần. Ông Thực đã phục vụ trong quân ngũ gần chục năm ở đất Điện Biên. Đơn vị ông khi đó luôn túc trực trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Được làm nhiệm vụ ở Điện Biên Phủ là quãng thời gian đầy tự hào với bất cứ một chiến sĩ nào. Ông Thực cũng vậy. “Ngày đó quân với dân gắn bó mật thiết. Doanh trại quân đội luôn nhận được sự giúp đỡ tận tình của bà con nhân dân quanh vùng. Bản thân chúng tôi được bà con tín nhiệm. Những ngày lễ, tết bà con đều mời chiến sĩ đến nhà chung vui”, ông chia sẻ.
Khi ông Thực chuyển nhiệm vụ khác, bẵng đi mấy chục năm sau khi nghỉ hưu, nay ông mới có cơ hội quay trở lại đất Điện Biên. Ông Thực đã bị choáng ngợp trước sự thay đổi của thành phố lịch sử năm nào. Chiến trường xưa được gìn giữ, khôi phục nhằm phục vụ cho du khách thăm quan. Đường xá được làm bài bản. Ông Thực càng cảm thấy tự hào trước sự hy sinh của thế hệ chiến sĩ Điện Biên Phủ năm nào, và ông là thế hệ thứ hai góp công sức xây dựng tỉnh Điện Biên. "Năm nay được hòa mình cùng dòng người thăm đất Điện Biên, tôi thấy cuộc đời tươi đẹp vô cùng. Thành phố đã bước sang trang, nhưng những dấu ấn, di tích về năm tháng hào hùng khi xưa vẫn được gìn giữ", ông Thực tâm sự.
Trong đoàn người đến thăm các di tích với đủ sắc phục khác nhau. Bà con người Mông ở bản cao, người Thái ở bản thấp cũng khoác bộ sắc phục đẹp đẽ của dân tộc mình, đi thăm di tích. Cả thành phố mở rộng cánh cửa đón chào bà con ở khắp nơi về đây trẩy hội. Mỗi người đến với Điện Biên đều mang theo niềm tự hào và lòng biết ơn vô bờ trước những hy sinh của thế hệ cha ông mới tạo dựng được những ngày hòa bình quý giá này.
Đến với Điện Biên Phủ trong dịp này còn có rất nhiều các cựu chiến binh trên cả nước. Họ khoác lên mình bộ áo lính với lấp lánh huy chương trên ngực. Nhiều cựu chiến binh đã từng chiến đấu trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cũng rưng rưng tự hào khi được đặt chân đến thành phố lịch sử Điện Biên Phủ.
Ông Đàm Thanh Nghị đến từ Hội Cựu chiến binh huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình là một người như thế. Ông Nghị từng tham gia chiến đấu 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Đây là lần đầu tiên ông có cơ hội được đi thăm chiến địa Điện Biên Phủ. Đến thăm Hầm Đờ - cát, rồi Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, Đồi A1 rồi Nghĩa trang A1... Nơi nào cũng để lại trong ông cảm xúc tự hào khôn xiết. Ông Nghị chia sẻ: Hôm nay được về với Điện Biên Phủ, được lên thăm di tích đồi A1 tôi cảm thấy rất phấn khởi, rất tự hào. Cha ông đã làm lên lịch sử vẻ vang cho dân tộc. Chúng ta hãy cùng nhau quyết tâm giữ gìn nền độc lập dân tộc.
Cũng như ông Nghị, ông Phùng Văn Chỉnh, Cựu chiến binh đến từ tỉnh Phú Thọ, từng công tác tại Sư đoàn Không quân 370 thuộc Quân chủng Phòng không Không quân xúc động nói: Được lên thăm Điện Biên đúng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tôi rất xúc động, sung sướng và đầy tự hào. Dân tộc Việt Nam đã làm lên chiến thắng lịch sử "lừng lấy năm châu, chấn động địa cầu". Thế hệ chúng tôi và con em sau này sẽ học tập tinh thần của cha anh đi trước quyết tâm bảo vệ đất nước ngày càng phát triển, giàu mạnh.