Đường Thái Tông Lý Thế Dân được biết tới là một trong những vị minh quân nổi tiếng của lịch sử Trung Hoa. Tuy nhiên, cổ nhân có câu "Anh hùng khó qua ải mỹ nhân", Lý Thế Dân khi về già cũng đã không khỏi đem lòng say đắm một vị phi tần tài sắc trong hậu cung của mình.
Tuy nhiên, mỹ nhân này không phải là vị Nữ đế nổi danh Võ Tắc Thiên, cũng không phải là Trưởng Tôn Hoàng hậu từng mất sớm, mà là Từ Hiền phi Từ Huệ.
Sử sách còn ghi, Từ Huệ ( 627 - 650) vốn là một mỹ nhân đất Giang Nam (nguyên quán Trường Thành, Hồ Châu nay là Trường Hưng, tỉnh Chiết Giang).
Bà là cháu gái đời thứ 4 của Từ Nguyên Hầu Từ Văn Chỉnh thời Nam Lương, cháu chắt của Thái thú Thủy An Từ Tổng Chi thời Nam Trần, cháu nội của Huyện lệnh huyện Lâm Châu Từ Phương Quý, cha là Thứ sử Quả Châu Từ Đức Hiếu.
Từ Huệ bắt đầu biết nói khi mới 5 tháng tuổi. Năm 4 tuổi, bà được làm quen với Mao Thi, Luận Ngự và đến 8 tuổi đã có thể viết văn chương. Ngoài ra, Từ Huệ còn giỏi cầm kỳ thi họa, các tác phẩm của Từ Huệ được người đời lan truyền rộng rãi.
Nghe danh tiếng của "nữ thần đồng" Từ Huệ, Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã hạ lệnh đưa bà tiến cung. Lúc đó bà vẫn còn nhỏ tuổi những vẫn được sách phong là Tài nhân.
Sau khi Trưởng Tôn hoàng hậu qua đời, hậu cung nhà Đường phi tần rất nhiều nhưng tài nữ lại hiếm. Chính vì thế, một người tài hoa xuất chúng như Từ Huệ đã trở thành người bạn tâm giao, tri kỉ của hoàng thượng.
Nàng cũng khác các phi tần khác, tránh xa mọi bon chen tranh đấu trong hoàng cung, suốt ngày chỉ làm bạn với văn thơ. Nàng rất giống Trưởng Tôn hoàng hậu, dám thẳng thắn can gián với những sai lầm của hoàng đế. Hoàng đế cũng rất nghe theo lời khuyên của nàng.
Về giai thoại liên quan tới Từ Huệ, nổi tiếng hơn cả phải kể tới việc bà từng làm thơ khiến Đường Thái Tông nguôi giận.
Tương truyền rằng có một hôm Lý Thế Dân cho triệu kiến các phi tần, Từ Huệ phải trang điểm nên đến trễ.
Bấy giờ Hoàng đế liền nổi giận, thế nhưng Từ Huệ đã dâng một bài thơ khiến nhà vua không nỡ trách cứ.
Bài thơ này vẫn được lưu truyền cho tới ngày nay với tên gọi là "Tiến Thái Tông thơ" (Thơ dâng vua Thái Tông).
Nguyên văn:
"Triển lai lâm kính đài
Trang bãi tạm bồi hồi
Thiên kim thủy nhất tiếu
Nhất triệu cự năng lai?".
Dịch thơ:
"Buổi sáng đến ngồi trước gương soi,
Điểm trang xong vẫn mãi bồi hồi.
Ngàn vàng một nụ cười ban sớm,
Chỉ lệnh ai vời phải đến ngay?".
Theo Qulishi, bài thơ này ý nói vì nàng từ sáng sớm đã ngồi trước gương trang điểm để chờ Hoàng thượng triệu kiến, nhưng lại cố tình đến trễ vì muốn nhà vua phải chờ.
Bởi năm xưa Chu U vương đã phải bỏ ra nghìn vàng mới có được một nụ cười của Bao Tự, cho nên mỹ nhân há sao có thể dễ dàng gọi một tiếng là tới ngay?
Bài thơ chỉ vẻn vẹn 20 từ ngắn ngủi, nhưng đã miêu tả một cách đầy tinh tế về sự ngóng trông của các phi tử nơi hậu cung. Lời văn vừa hài hước, vừa hoạt bát, lại mang theo tình ý sâu sắc.
Lý Thế Dân xem xong bài thơ này thì lập tức nguôi giận, chẳng những không quở trách mà còn khen ngợi tài hoa của Từ Huệ.
Một điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là Từ Huệ không chỉ giỏi văn chương mà còn có những quan điểm chính trị độc đáo nên thỉnh thoảng Hoàng đế vẫn để bà can thiệp vào triều chính đại sự.
Dù tài giỏi nhưng Từ Huệ vẫn là một nữ nhân đa tình. Sau khi Đường Thái Tông băng hà vào năm 649, Từ Huệ cũng lâm bệnh nặng nhưng không muốn uống thuốc, nhất định muốn đi cùng Hoàng đế. Thậm chí bà còn nói với người bên cạnh rằng: Tiên đế đối với ta tình sâu nghĩa nặng, ta chỉ mong bản thân sớm có ngày tương phùng với Tiên đế. Tâm nguyện lớn nhất của bà lúc đấy là được hầu hạ Tiên đế trong lăng tẩm.
Một năm sau, Từ Huệ qua đời khi mới 24 tuổi. Lúc đó, Lý Trị lên ngôi (tức Đường Cao Tông) đã truy phong tước vị Hiền phi cho bà và an táng trong thạch thất Chiêu Lăng, nơi Đường Thái Tông yên nghỉ.