Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội vừa họp, thảo luận, cho ý kiến về đánh giá kết quả công tác quý I/2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Theo đó, trong quý I/2024, Thường trực Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả nhiều nhiệm vụ quan trọng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết, làm rõ, xử lý nghiêm các tổ chức Đảng, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm.
Quý I/2024, các cấp ủy, ủy ban kiểm tra Đảng các cấp đã xử lý kỷ luật nhiều tổ chức Đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật Đảng. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thi hành kỷ luật với 1 đảng viên; Ban Thường vụ Thành ủy thi hành kỷ luật 1 tổ chức Đảng, 2 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thi hành kỷ luật 4 tổ chức Đảng và 11 đảng viên; các cấp ủy cấp dưới thi hành kỷ luật với 11 tổ chức Đảng và 134 đảng viên; Ủy ban kiểm tra cấp dưới thi hành kỷ luật 276 đảng viên (trong đó cách chức 6 đảng viên, khai trừ 71 đảng viên); đã cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác sau khi bị kỷ luật với 4 cán bộ diện Ban Thường vụ cấp huyện quản lý.
Thường trực Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh kết quả điều tra, giải quyết các vụ án, vụ việc về tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ án, vụ việc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Ban Chỉ đạo đã quyết định đưa bổ sung 3 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi chỉ đạo; tập trung chỉ đạo giải quyết 54 vụ án, vụ việc.
Đến thời điểm hiện tại, 12 vụ án, vụ việc đã được giải quyết xong và đưa ra khỏi diện Ban Chỉ đạo Thành ủy theo dõi, chỉ đạo; chuẩn bị xét xử sơ thẩm 9 vụ án; đang trong giai đoạn truy tố 12 vụ án; đang xác minh, điều tra 20 vụ án, vụ việc; tạm đình chỉ điều tra 1 vụ án.
Trong quý II/2024, Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội yêu cầu kết thúc giải quyết, đưa ra xét xử 37 vụ án.
Gồm 29 vụ án liên quan đến các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn Hà Nội; 2 vụ án liên quan đến Công ty CP Công nghệ Việt Á; 6 vụ án khác, gồm: Vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản" xảy ra tại thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh; vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty CP Coma 18 trong quá trình thực hiện dự án VP6 Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai; vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Ban Duy tu, Sở Xây dựng TP.Hà Nội; vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm; vụ án "Nhận hối lộ" xảy ra tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, Chi nhánh huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
Đáng chú ý, trong số này có vụ án "Lừa dối khách hàng", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông liên quan đến ông Lê Thanh Thản.
Theo cáo trạng, năm 2010, bị can Lê Thanh Thản chỉ đạo xây dựng dự án CT6 Kiến Hưng (phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) vi phạm nghiêm trọng quy hoạch chi tiết.
Ông Thản còn tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng sai quy hoạch; xây dựng tăng căn hộ tăng chiều cao công trình và xây thêm 1 tòa CT6C dù không có trong hồ sơ.
"Đại gia điếu cày" sau đó chỉ đạo quảng cáo gian dối về tính pháp lý của dự án, khẳng định nơi đây được phê duyệt, tuân thủ quy định về xây dựng, giá bán căn hộ đã gồm giá trị quyền sử dụng đất…
Tin tưởng việc này, có 488 khách hàng mua nhà, căn hộ tại CT6 Kiến Hưng và sau đó, họ không được Nhà nước cấp sổ đỏ. Qua đây, Lê Thanh Thảnh thu lợi bất chính hơn 481 tỷ đồng, cáo trạng nêu.
Nhóm bị can là cựu cán bộ, lãnh đạo phường Kiến Hưng và Thanh tra xây dựng quận Hà Đông bị cáo buộc không kiểm tra, ngăn chặn vi phạm tại CT6 Kiến Hưng, góp phần gây hậu quả 481 tỷ đồng, gồm quyền sử dụng đất hơn 56 tỷ.