Bữa tiệc nghệ thuật phong phú
Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 sẽ diễn ra từ ngày 7-12/6 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” là điểm nhấn của Festival Huế 2024. Các chương trình nghệ thuật truyền thống và đương đại chất lượng cao của 8 quốc gia sẽ diễn ra hàng đêm tại các sân khấu ở Điện Kiến Trung, Thái Bình Lâu, vườn Thiệu phương (Đại Nội Huế), các sân khấu cộng đồng bia Quốc học, công viên 3/2 và khắp tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 mở màn với chương trình khai mạc 20h ngày 7/6 tổ chức lần đầu tiên tại không gian Điện Kiến Trung, là một đêm hội âm thanh ánh sáng thể hiện sức sáng tạo trên nền tảng cốt lõi là các giá trị di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại. Chương trình có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại như trình chiếu laser, led matrix, hologram, 3D mapping…
Công chúng sẽ được thưởng thức các bữa tiệc văn hóa truyền thống và đương đại dày đặc tại các sân khấu cộng đồng ở quảng trường Quốc Học và công viên 3/2 của 12 đoàn và nhóm nghệ thuật từ 7 quốc gia, từ lễ hội ánh sáng, múa đương đại, triển lãm ảnh nghệ thuật của Pháp; đoàn cà kheo Hoàng gia vùng Merchtem (Bỉ); các nhóm nhảy hiphop, vũ nhạc Bỉ, Tây Ban Nha; nghệ thuật múa trống của Nhật Bản, nghệ thuật dân gian của Hàn quốc, nghệ sĩ piano của Canada…
Ngoài ra có sự góp mặt của các ca sĩ nổi tiếng trong nước, ban nhạc, đoàn nghệ thuật nghệ sĩ như: Ca sĩ Đen Vâu cùng rapper Suboi, ban nhạc Chillies, Soobin Hoàng Sơn, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Nhà hát Cao Văn Lầu - Đờn ca tài tử Bạc Liêu, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Kon Tm…; Bên cạnh đó, phải kể đến đông đảo lực lượng văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế như: Nhà hát Ca Kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế, Học viện Âm nhạc Huế…
Nhắc đến Huế cũng không thể không nhắc tới những nét đặc sắc khác của con người và văn hóa, ẩm thực, phật giáo Huế. Tất cả đều có những chương trình độc đáo trong Tuần lễ nghệ thuật.
Chương trình âm nhạc “Đối thoại Trịnh Công Sơn - Tình yêu tìm thấy” do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chủ trì phối hợp cùng gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn diễn ra vào lúc 18h00 ngày 09/6/2024 tại sân khấu Điện Kiến Trung, Đại Nội Huế, với sự tham gia của nhiều ca sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước.
Ẩm thực Huế được thể hiện tại Tuần lễ nghệ thuật thông qua Lễ hội ẩm thực chay và lễ hội bia.
Một lễ hội hoa đăng với nghỉ lễ thả hoa đăng trên dòng sông Hương do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức, có ý nghĩa cầu mong đất nước thanh bình, mưa thuận gió hòa, nhân dân an lạc.
Festival 4 mùa
Tại họp báo quốc tế về Festival Huế 2024 tổ chức chiều 9/5, ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng BTC Festival Huế đã nêu bật những điểm khác biệt, đặc sắc của Festival Huế với các lễ hội khác ở Việt Nam. Ông cho biết: "Festival Huế đã hình thành từ một hoạt động giao lưu Việt Pháp từ 1999 và kéo dài đến nay, tạo nên một bề dày truyền thống đáng tự hào.
Festival Huế có thương hiệu quy mô quốc gia và tầm cỡ quốc tế. Rất nhiều nội dung phát huy truyền thống văn hóa của Huế, của Việt Nam thể hiện rất đậm nét, truyền bá tại đây, nhiều loạt hình di sản được thể hiện.
Bên cạnh đó, Festival Huế là nơi phát huy giá trị ngoại giao văn hóa. Từ năm 1999 đến nay, chúng tôi hợp tác với Pháp – một đối tác truyền thống và rất hiệu quả. Yếu tố quốc tế luôn là điểm nhấn, là thương hiệu chúng tôi dày công duy trì suốt nhiều năm".
Ngoài ra, để tạo nên sản phẩm du lịch bền vững góp phần phát triển kinh tế văn hóa xã hội của Huế, Festival Huế đã trở thành Festival 4 mùa, các hoạt động trải dài cả năm, bao gồm lễ hội mùa Xuân với các hoạt động Tết cung đình, không gian văn hóa Tết truyền thống; Lễ hội mùa hạ với điểm nhấn là Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024; Lễ hội mùa Thu với chương trình Tết Trung thu, Hội đèn lồng Huế 2024, diễn lân - sư - rồng đường phố; Lễ hội mùa Đông với tuần lễ âm nhạc Huế 2024 và chương trình đếm ngược chào đón năm mới.
Tại họp báo, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết: "Đại sứ quán Pháp đã đồng hành 24 năm qua cùng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Festival Huế. Pháp có nhiều kinh nghiệm bảo tồn di sản văn hóa, nếu có thể chia sẻ với việt Nam thì chúng tôi rất sẵn sàng".
Sức mạnh mềm văn hóa
Ngay trước khi tổ chức lễ hội chính thức, ngày 8/5, UNESCO đã vinh danh các bản đúc trên 9 đỉnh đồng Huế là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết, điều này tiếp tục khẳng định vị thế văn hóa của Việt Nam, chúng ta đã có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, tổng số di sản được UNESCO vinh danh là 68 di sản, đóng góp quảng bá hình ảnh, sức mạnh mềm của đất nước trên trường quốc tế.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng, 63 địa phương của Việt Nam mỗi nơi đều đã có ít nhất 1 danh hiệu di sản. Bộ Ngoại giao sẽ thúc đẩy hợp tác với các các đối tác quốc tế để góp phần bảo tồn và phát huy bền vững giá trị các di sản văn hóa. Ngoại giao văn hóa sẽ tiếp tục là một trụ cột, ưu tiên hàng đầu của Bộ Ngoại giao.
Festival Huế là cầu nối về đầu tư, đặc biệt về giao thông, du lịch - Phó Chủ tịch UBND Huế Trần Văn Phương cho biết. Sức dân rất được hưởng lợi với các hoạt động cộng đồng, dịch vụ, tạo nhiều công ăn việc làm.
Trước dịch Covid-19, năm 2019, Huế đón gần 2 triệu khách quốc tế và 2 triệu khách nội địa. Đến tháng 4 năm nay, du lịch Huế gần như lấy lại được phong độ trước dịch.