Liên quan đến vấn đề phương án chuẩn bị khai thác dịch vụ tại nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã làm việc cùng hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet và các đơn vị phục mặt đất.
Theo đó, hãng hàng không Vietnam Airlines đã đề xuất phương án tiếp tục khai thác tại nhà ga T1 - nhà ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất. Về nguyên nhân, Vietnam Airlines cho rằng, hiện nay Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) có liên danh, liên kết sâu rộng về mạng bay. Từ đó, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng và góp phần gia tăng hoạt động khai thác của các hãng hàng không quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Hiện tại, Vietnam Airlines Group đang khai thác quầy thủ tục, bán vé... tại nhà ga T1 cho các chuyến bay nội địa và chuyến bay quốc tế ở nhà ga T2. Việc chuyển sang khai thác tại nhà ga mới sẽ kéo theo nhiều vấn đề.
Trong đó, việc dời khai thác sang nhà ga mới nhiều khả năng sẽ làm gia tăng chi phí, bao gồm: Chi phí đầu tư mới phương tiện, thiết bị, chi phí vận hành khai thác, chi phí nhân lực... ảnh hưởng doanh thu. Từ đó, ảnh hưởng sản phẩm nối chuyến, giảm hiệu quả khai thác của đơn vị.
Do vậy, Vietnam Airlines cho rằng phương án các hãng hàng không thuộc Vietnam Airlines Group cùng khai thác tại một khu vực là tối ưu nhất. Đảm bảo hoạt động khai thác và hiệu quả chi phí, trong bối cảnh hiện nay.
Được biết, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang khai thác một nhà ga hành khách quốc nội (nhà ga T1) và một nhà ga hành khách quốc tế (nhà ga T2). Trong đó, nhà ga hành khách quốc nội sau nhiều lần cải tạo, mở rộng có công suất thiết kế là 15 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, số lượng hành khách quốc nội hiện nay đang khai thác hơn 26 triệu hành khách/năm, quá tải hơn 1,7 lần so với công suất thiết kế.
Theo đó, dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất gồm 3 hạng mục chính là nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn trước nhà ga với tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng. Nguồn vốn để thực hiện dự án được huy động từ nguồn vốn chủ sở hữu của ACV (70%) và vốn vay thương mại (30%).
Nhà ga T3 với quy mô 90 quầy thủ tục hàng không, 20 quầy làm thủ tục hành lý tự động và 42 quầy làm thủ tục check in tự động, áp dụng công nghệ mới nhất kết hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để triển khai làm thủ tục; 27 cửa ra tàu bay, trong đó 13 cửa bằng ống lồng và 14 cửa bằng xe bus; 6 đảo xử lý hành lý đi và 10 đảo trả hành lý đến; 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách.
Nhà ga hành khách T3 sau khi hoàn thành sẽ là nhà ga hành khách quốc nội có công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm, khai thác được tất cả các loại tàu bay Code C và Code E, giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên, theo đánh giá, do nhà ga hành khách T1 và T3 tách rời nhau, không có kết nối giao thông thuận tiện, khoảng cách xa nên việc di chuyển bằng giao thông đô thị là không phù hợp, khó khăn cho hành khách cần nối chuyến.
Vì vậy, đơn vị quản lý Cảng đề xuất phương án duy trì khai thác nhà ga T1 hiện hữu cho hãng hàng không có tần suất bay thấp, dành cho các hãng hàng không giá rẻ, phù hợp với quy mô. Từ đó, đề xuất phương án nhà ga hành khách T3 sẽ do VietNam Airlines và VietJet Air khai thác. Trong khi đó, nhà ga hành khách T1 sẽ do Bamboo, Vasco, Pacific, Viettravel khai thác.
Ngoài ra, đề xuất phương án bố trí phương tiện vận chuyển (xe buýt, xe khách, xe điện…) đưa hành khách từ khu vực nối chuyến sảnh B - nhà ga hành khách T1 sang nhà ga T3 và ngược lại.