Sau khi Báo điện tử Dân Việt đăng tải loạt bài liên quan đến việc nhiều người khốn khổ khi mua trái phiếu Công ty Cổ phần đầu tư nông nghiệp sạch Phú Son và Công ty TNHH đầu tư Cam Lâm qua giới thiệu của Ngân hàng N., mới đây, PV tiếp tục nhận được phản ánh tương tự về lô trái phiếu của Công ty TNHH đầu tư Phúc Hậu (Công ty Phúc Hậu).
Giống như các "trái chủ" của Công ty Phú Son, Công ty Cam Lâm, bà Nguyễn Thụy Thu Sương, trú quận Tân Bình, TP.HCM cho biết, mình và nhiều người khác là khách hàng gửi tiết kiệm lâu năm tại Ngân hàng N.
Gần cuối năm 2021, khi đến ngân hàng làm tất toán sổ tiết kiệm, bà Sương được nhân viên ngân hàng tư vấn, giới thiệu về một gói trái phiếu với những ưu điểm như lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm, đến kì là được rút tiền ngay và có tài sản đảm bảo nên không lo mất tiền.
Theo bà Sương, trong quá trình tư vấn, nhân viên Ngân hàng chỉ nói về những ưu điểm của trái phiếu mà không nhắc tới các rủi ro để người mua cân nhắc lựa chọn trước khi "xuống tiền".
Trong quá trình tư vấn, nhân viên ngân hàng không nhắc tới việc ngân hàng chỉ là đơn vị quản lý tài sản đảm bảo chứ không phải là tổ chức phát hành trái phiếu. Họ chỉ nói tới những ưu điểm của trái phiếu khiến khách hàng gửi tiết kiệm lầm tưởng rằng đây là trái phiếu do ngân hàng phát hành.
"Tất cả quá trình từ kí hợp đồng, chuyển tiền, nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu trái phiếu chúng tôi đều thực hiện qua Ngân hàng N. Vì những lời tư vấn mà tôi đã chuyển 700 triệu tiền gửi tiết kiệm sang mua trái phiếu. Nhưng nhiều người khác mua với số lượng lớn, có người vài tỷ và giờ đang khốn khổ" – bà Sương thông tin.
Theo "trái chủ" này, sau khi kí hợp đồng tại Ngân hàng N., cầm giấy chứng nhận sở hữu trái phiếu bà mới biết rằng, thực chất Ngân hàng N. chỉ là đơn vị quản lý tài sản đảm bảo, Công ty chứng khoán Everest là đại lý đăng kí và lưu kí trái phiếu còn Công ty Phúc Hậu mới là tổ chức phát hành. Điều này khác hoàn toàn với những gì bà được tư vấn ban đầu.
Đem thắc mắc tới hỏi Ngân hàng N., bà Sương được ngân hàng trả lời rằng cứ yên tâm.
"Khi đó có hơi lấn cấn nhưng vì tin tưởng vào tổ chức tín dụng uy tín như Ngân hàng N. mà tôi không thắc mắc thêm. Đến kì nhận lãi đầu tiên, không thấy động tĩnh gì, tôi mới đến ngân hàng hỏi, lúc này họ lại nói chỉ là đơn vị tư vấn, quản lý tài sản đảm bảo, không có nghĩa vụ trả tiền lãi, gốc" – bà Sương bức xúc.
Bỏ ra số tiền 7 tỷ đồng để mua trái phiếu của Công ty Phúc Hậu qua giới thiệu của Ngân hàng N., ông Nguyễn Đình Thái, trú quận Gò Vấp (TP.HCM) như đang ngồi trên đống lửa bởi không biết tiền của mình sẽ đi về đâu, khi nào sẽ được giải quyết.
Giống như bà Sương, ông Thái quyết định chuyển tiền tiết kiệm sang mua trái phiếu là vì tin vào những lời tư vấn và uy tín của ngân hàng. Bởi bản thân ông không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp nên không hiểu biết nhiều về thị trường.
"Khi tìm hiểu kỹ mới biết, các bên đã chào bán trái phiếu sai đối tượng. Theo quy định, đối tượng được mua trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (trái phiếu là một loại chứng khoán). Trong khi đó, chúng tôi đơn thuần chỉ là người gửi tiết kiện, không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp" – ông Thái thông tin.
Theo tài liệu của PV Dân Việt, lô trái phiếu trên của Công ty Phúc Hậu có mã PHICH2124001, được phát hành vào 12/2021 với số lượng 40 nghìn trái phiếu (10 triệu đồng/trái phiếu), lãi suất 11,5%/năm.
Lô trái phiếu được Công ty Phúc Hậu phát hành cho mục đích đầu tư xây dựng Dự án khu dân cư sinh thái Vườn Tài tại xã Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Trung, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Dự án được định giá hơn 1,9 nghìn tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo là toàn bộ quyền và lợi ích phát sinh từ Dự án khu dân cư sinh thái Vườn Tài. Ngân hàng N. là đơn vị quản lý tài sản đảm bảo, Công ty chứng khoán Everest là đại lý đăng kí và lưu kí trái phiếu.
Về việc chậm thanh toán cho "trái chủ", giống như gói trái phiếu Phú Son, Cam Lâm, trong các văn bản gửi nhà đầu tư, Công ty Phúc Hậu đưa ra lý do tương tự là do ảnh hưởng của Covid-19, chiến sự Nga – Ukraine…nên khó khăn trong việc thu xếp dòng tiền để thực hiện cam kết.
Ngoài ra, dù là 3 công ty khác nhau, địa chỉ ở 3 nơi khác nhau nhưng Công văn số 22 ngày 28/12/2022 của Công ty Phúc Hậu gửi cho "trái chủ" có nội dung giống hệt Công văn số 40 ngày 27/12/2022 của Công ty Cam Lâm và Công văn số 41 ngày 28/12/2023 của Công ty Phú Son gửi cho khách hàng. Sự khác nhau duy nhất là số công văn, tên công ty và địa chỉ liên hệ.
Bên cạnh đó, theo tài liệu, trong Báo cáo số 3209 ngày 27/3 gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ Tài chính đã tiết lộ về tình hình tài chính của Công ty Phúc Hậu.
Cụ thể, tính đến năm 2022, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của Công ty Phúc Hậu là 2,2 lần; vốn chủ sở hữu là 0,24 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế là -0,01.
Ở một diễn biến liên quan, theo thông tin PV Dân Việt có được, đối với lô trái phiếu PHICH2124001 của Công ty Phúc Hậu, tính đến ngày 31/3/2024, lãi chậm thanh toán là hơn 99 tỷ đồng, gốc chậm thanh toán hơn 300 tỷ đồng.
Mới đây, công ty đã gửi "trái chủ" tờ trình và thư mời họp hội nghị người sở hữu trái phiếu diễn ra vào ngày 30/5 tại Hà Nội.
Trong tờ trình, Công ty Phúc Hậu cho biết, đã nhận được đề nghị hợp tác của Công ty cổ phần mua bán nợ Royal Capital để xử lý nợ trái phiếu. Vì vậy, mong "trái chủ" xem xét thông qua một trong hai phương án.
Thứ nhất, số tiền nợ gốc sẽ được chia đều thanh toán trong thời hạn 12 tháng, kì đầu tiên sau 30 ngày kể từ ngày thông qua phương án. Số tiền lãi được thanh toán 3 tháng/lần, kì thanh toán đầu tiên bắt đầu từ 1/9.
Thứ hai, thanh toán toàn bộ lãi gốc trong thời hạn 6 tháng và chia thành 6 kì thanh toán, kì đầu tiên bắt đầu sau 30 ngày kể từ ngày thông qua phương án. "Trái chủ" hỗ trợ tổ chức phát hành bằng việc miễn, không yêu cầu thanh toán toàn bộ lãi trái phiếu phát sinh cho đến thời điểm hiện tại.
"Có phải lần này, sau khi Bộ Tài chính gửi báo cáo cho lãnh đạo Chính phủ và báo chí phản ánh, Ngân hàng N., Công ty Phúc Hậu, Công ty chứng khoán Everest mới rốt ráo tìm phương án giải quyết và tổ chức hội nghị người sở hữu trái phiếu. Trước đó, chúng tôi nhiều lần yêu cầu nhưng các bên đều né tránh" – một "trái chủ" đặt câu hỏi.
Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc đến bạn đọc.