Sinh thời, NSND Doãn Tần được ví như "người nghệ sĩ" gắn với dòng nhạc đỏ Việt Nam. Giọng ca nổi tiếng với ca khúc Đường chúng ta đi đã từ trần vào ngày 17/3/2019, hưởng thọ 73 tuổi.
NSND Doãn Tần tên thật là Phan Doãn Tần, sinh năm 1947 ở Thái Bình. Sau khi học hết cấp hai, ông tham gia phong trào văn nghệ ở Liên đoàn Mỏ - Địa chất 9, tỉnh Quảng Ninh. Năm 1969, chàng trai quê lúa Thái Bình đã thi đỗ vào trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Ngay từ năm học thứ nhất, giọng ca Doãn Tần là giọng ca nam đầu tiên được Đài phát thanh thu âm bài hát Đường chúng ta đi (nhạc Huy Du, lời thơ Xuân Sách). Từ đó, ca khúc đã gắn liền với tên tuổi của ông.
Vào năm 1973, ca khúc này được nghệ sĩ Doãn Tần ngân vang tại Festival Ca nhạc thanh niên, sinh viên thế giới tại Đức. Đồng thời, tác phẩm cũng được trình diễn tại nhiều chương trình lớn trước hàng vạn đồng bào và chiến sĩ trong những ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Trong một bài phỏng vấn, cố nghệ sĩ cũng từng tâm sự cứ chỗ nào có bộ đội, có đồng bào là ông hát, không cần sân khấu, có ngày ông hát không biết bao nhiêu lần.
Cố NSND Doãn Tần. (Ảnh: TL)
Ngoài Đường chúng ta đi, tên tuổi của ông còn gắn với nhiều ca khúc nổi tiếng như: Cùng anh tiến quân trên đường dài (Huy Du); Chim yến bay (Nguyên Nhung, thơ Lê Thị Mây); Người lính tình nguyện và điệu múa Apsara (Minh Quang) và Dáng đứng Việt Nam (Chu Chí Vũ phổ nhạc, thơ của Lê Anh Xuân)...
Năm 2005, cố NSND ra mắt CD riêng đầu tiên Đường chúng ta đi. Năm 2007, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Trong những năm cuối đời, ông vẫn tham gia biểu diễn âm nhạc và làm công tác giảng dạy tại trường Văn hóa Quân đội. Ông đã nhận quyết định nghỉ hưu với quân hàm Đại tá sau gần 40 năm là nghệ sĩ lính với nhiều giải thưởng cao quý.
Ngày 27/1/2021, NSND Trung Kiên - giọng ca nam cao nổi tiếng của dòng nhạc cách mạng qua đời ở tuổi 83. Sinh thời, ông là một trong những nghệ sĩ hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam, người đã đi suốt dọc dài cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các ca khúc do ông thể hiện đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ yêu mến dòng nhạc đỏ.
NSND Trung Kiên sinh năm 1939 tại Kiến Xương, Thái Bình, được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2001. Ông là thế hệ ca sĩ đầu tiên của nước nhà được đào tạo cơ bản tại nhạc viện nước ngoài theo dòng nhạc cổ điển. Trong suốt sự nghiệp ca hát, ông đã thể hiện nhiều ca khúc nổi tiếng gắn liền với tên tuổi, trong đó có Tình ca; Bài ca Trường Sơn; Chào sông Mã anh hùng; Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn; Ðất nước trọn niềm vui; Phất cờ Nam tiến; Quà tháng năm dâng Người; Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người...
Cố NSND Trung Kiên. (Ảnh: TL)
Bên cạnh vai trò của một nghệ sĩ, NSND Trung Kiên còn là một nhà lãnh đạo, một nhà quản lý xuất sắc. Năm 1992, ông là ca sĩ đầu tiên của nước ta được cử giữ chức Thứ Trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), phụ trách về nghệ thuật. Ông cũng là thầy của nhiều thế hệ học trò đã thành danh như NSND Quốc Hưng, NSƯT Đăng Dương, ca sĩ Trọng Tấn, Tân Nhàn, Lan Anh…
Cho đến hiện nay, dù đã tạ thế, nhưng tiếng hát của ông vẫn còn mãi trong lòng thế hệ khán thính giả yêu âm nhạc Việt Nam. Giọng ca hào hùng với những nốt cao sáng đẹp, dạt dào cảm xúc vẫn luôn để lại những dấu ấn không thể phai mờ và khó thay thế.
NSƯT Lê Hằng - người được mệnh danh là ngôi sao nhạc đỏ của thập niên 1960 vĩnh biệt trần thế vào tối 18/3/2021 tại Bệnh viện Quân đội 108, thọ 86 tuổi.
NSƯT Lê Hằng (còn có tên Thanh Hằng) tên thật là Lê Lệ Hào, sinh ngày 22/10/1935 tại làng Giáp Nhị, Thanh Trì, Hà Nội. Gia đình khó khăn, bà sớm nghỉ học và làm công việc đan len thuê kiếm sống.
Bước ngoặt tới với Lê Hằng sau khi bà giành giải Nhất cuộc thi hát do Đài phát thanh Hà Nội tổ chức. Nhờ thành công này, bà được mời hát cho các rạp Long Biên, Đại Đồng, Tháng Tám, Công Nhân…
Nghệ danh đầu tiên của bà là Thanh Hằng, đến cuối năm 1955 mới chính thức đổi thành Lê Hằng. Vì vậy, khán giả mến mộ bà thường nhớ tới ca sĩ Thanh Hằng như một nàng thơ đi vào huyền thoại của tân nhạc Hà thành tiền chiến và cả một Lê Hằng là NSƯT, danh ca nhạc đỏ thập niên 1960.
Nhờ ca khúc Trước ngày hội bắn hát cùng Trịnh Quý, bà được công chúng đặc biệt yêu thích. NSƯT Lê Hằng còn được nhớ đến là bóng hồng trong những tình khúc của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn: Tà áo xanh, Lá đổ muôn chiều, Vàng phai mấy lá, Chiếc lá cuối cùng... Ít ai biết, bà còn hát Opera, từng trình diễn hợp xướng Aria Cô Sao, Em nghĩ sao không ra và Tha thiết tự do - 3 trích đoạn trong nhạc kịch Cô Sao của Đỗ Nhuận.
Ngày 11/5/2024, giọng ca hàng đầu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam đã qua đời tại Đà Nẵng, hưởng thọ 86 tuổi.
Sinh thời, cố nghệ sĩ được biết đến với loạt ca khúc nổi tiếng trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, trong đó có những ca khúc gắn liền với tên tuổi như: Cô gái vót chông (Hoàng Hiệp, thơ Lô Mô Y Choi), Tiếng đàn Ta Lư (nhạc sĩ Huy Thục), Em là hoa Pơ Lang (Đức Minh), Người con gái sông La (Doãn Nho), Cánh chim báo tin vui (Đàm Thanh), Người lái đò trên sông Pô Cô (Cẩm Phong, thơ Mai Trang), Bóng cây Kơ-nia (Phan Thanh Nam, thơ Ngọc Anh)…
NSND Tường Vi sinh năm 1938 tại Quảng Nam, trong một gia đình không ai làm nghệ thuật nhưng có năng khiếu ca hát. Năm 16 tuổi, bà xin nhập ngũ rồi trở thành y tá tại Viện Quân y 108. Nhờ có năng khiếu nghệ thuật, bà được chuyển sang Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị và bắt đầu học thanh nhạc.
Trong những năm tháng bom đạn chiến tranh, bà đã theo đoàn văn công đi biểu diễn nhiều nơi trên các chiến trường. Sở hữu chất giọng nữ cao, NSND Tường Vi hát được nhiều thể loại như dân ca, nhạc đỏ, nhạc thính phòng. Ngoài ca hát, cố nghệ sĩ còn là tác giả của nhiều ca khúc như: Phi đội ta xuất kích, Quê hương anh là biển cả, Em lắng nghe tiếng đời...; các ca khúc thiếu nhi như: Đời cho em những nốt nhạc vui, Trái tim ơi đừng buồn, Ước mơ của bé là hòa bình...
Với những đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc, bà đã được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1984, danh hiệu NSND vào năm 1993.