Nhà giáo Trần Thùy Dương, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, sinh ngày 8/2/1972. Mẹ cô là cô Lê Minh Hoà, giáo viên chuyên Nga nổi tiếng ở Trường PTTH Lý Thường Kiệt và bố là GS. Trần Thống, Trưởng khoa Nga, Trường Đại học Ngoại Ngữ (hiện là Trường Đại học Hà Nội), tác giả của nhiều giáo trình tiếng Nga. Bản thân cô là cựu học sinh Chuyên Nga, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, từng đi du học và tốt nghiệp với 2 ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Nga, cử nhân Luật - Trường Đại học Luật Hà Nội và nhận bằng thạc sĩ giảng dạy tiếng Anh và quản lý ở Anh...
Ngày 13/7/2020, Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (gọi tắt là Ams), ngôi trường top đầu Hà Nội về chất lượng giáo dục, chính thức có hiệu trưởng mới là cô Trần Thùy Dương, trước đó là Phó hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An.
Với cương vị là hiệu trưởng, cô luôn giữ tâm huyết, đam mê với nghề, đưa ra những quyết định vừa cứng rắn vừa mềm mỏng, định hướng phát triển ngôi trường giữ vị trí top đầu Hà Nội nhưng lại giúp học sinh phát triển năng lực theo cách riêng...
Trước kỳ thi vào lớp 10 căng thẳng sắp tới, PV báo Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với Nhà giáo Trần Thùy Dương. Nói về việc nhiều phụ huynh chọn trường bình thường cho con (mặc dù bản thân họ đã từng là học sinh chuyên), vì cho rằng học chuyên dễ bị lệch trong khi xã hội hiện đại đòi hỏi người lao động phải có kiến thức rộng hơn, nhiều kỹ năng..., cô Dương cho biết: "Đây là quan điểm của phụ huynh và cũng có cái hay.
Học sinh không thích một môn nào cả và không thích thì chúng ta không nên ép. Học phải là sự đam mê. Cũng như trồng cây, trồng hoa thì phải đam mê mới ra hoa đẹp, quả tốt. Có nhiều bạn không học chuyên nhưng kết quả vẫn tốt, ra đời làm việc đúng sở trường. Trường chuyên nuôi dưỡng đam mê cho các em theo một môn nào đó, còn học sinh ở một trường bình thường lại có định hướng khác. Chọn trường nào cũng được, miễn sao các em vui, đỗ được vào ngôi trường cha mẹ mong muốn, vẫn có khả năng đi du học theo kế hoạch... Chúng ta hãy suy nghĩ như vậy sẽ đỡ áp lực trường chuyên, lớp chọn.
Còn về việc lo sợ học lệch, tôi quan niệm rằng khó ai học giỏi toàn diện. Giỏi đều các môn thì như tôi cũng chịu. Tôi thích Lịch sử, Ngoại ngữ, Văn. Tôi vẫn luôn thú nhận từ thời phổ thông đến giờ là cho tôi học Hóa thì tôi chịu. Khi chúng ta có thiên hướng môn nào thì dành công sức cho môn đó. Học sinh chuyên Hóa thì yêu môn Hóa nhưng miễn sao các môn khác phải đảm bảo kiến thức cơ bản. Không thể nói là học sinh yếu kém khi học lệch được. Bỏ các môn không dạy mới là lệch, còn các trường vẫn dạy, các em thi vẫn đạt mức tốt thì không nên có khái niệm như thế".
Là một ngôi trường thuộc top đầu các trường THPT ở Hà Nội nên kỳ thi năm nào cũng là sự cạnh tranh khốc liệt của những học sinh xuất sắc. Mọi người cho rằng áp lực học ở các trường chuyên cũng lớn hơn các trường bình thường, cô Dương cho hay: "Những bạn xác định vào học chuyên, đỗ được kỳ thi cam go của Sở GDĐT Hà Nội là những bạn thực sự có đam mê. Phải có đam mê mới học, thi và đỗ được. Mà đã gọi là học trong đam mê thì không thể nói là áp lực được.
Với những môn không chuyên, thầy cô giáo luôn tạo điều kiện cho các em và hướng dẫn các em đa dạng cách học. Ngoài truyền thụ kiến thức, các em còn có khả năng tự học, học nhóm, nghiên cứu đề tài, thuyết trình... Điểm số cũng đúng với hướng dẫn chương trình mới của Bộ GDĐT là chấm điểm đề án. Các kỳ thi không tạo áp lực để các em tập trung vào môn mũi nhọn thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Các em vốn đã tự đặt áp lực cho mình rồi nên nhà trường không tạo thêm áp lực nữa.
Cũng phải nói rằng, bao giờ học sinh tự đặt áp lực cho mình thì kết quả học tập mới tốt được. Môn nào cũng cảm thấy không vui thì làm sao giỏi được. Tất nhiên không bạn nào có thể giỏi được 11 môn. Chỉ cần giỏi môn chuyên và khá ở môn cận chuyên thôi nên giáo viên cũng hiểu quan điểm này để đưa ra yêu cầu cho học sinh. Vào Ams sẽ không phải đi học thêm để có bảng điểm đẹp các môn. Đây là ưu điểm của trường chúng tôi".
Không chỉ áp lực từ sách vở, kỳ thi, học sinh còn bị áp lực từ chính cha mẹ. Mấy năm gần đây nhiều cha mẹ còn đua nhau khoe thành tích của con lên mạng xã hội, điều này khiến các em cảm thấy càng thêm gánh nặng. Cô Dương nêu quan điểm: "Có lẽ do tôi đi học ở nước ngoài nên cũng ảnh hưởng một phần là để con phát triển tự nhiên. Tất nhiên con vẫn phải theo khuôn khổ nào đó của bố mẹ. Tôi muốn để con được sống bình thường, có tuổi thơ, tuổi trẻ. Cha mẹ nào cũng mong con mình giỏi. Tôi cũng thế. Con đạt thành tích gì thì cả nhà cũng khoe nhau, nhưng mà đó là con đạt được chứ không phải áp lực cho con.
Ở nhiều quốc gia còn không công khai điểm và xếp hạng của học sinh. Nếu ở trong lớp toàn học sinh giỏi thì việc xếp thứ 30 cũng là giỏi. Tại sao lại công khai điểm để cả lớp nhìn, nhà nọ so sánh nhà kia. Mình là mình, miễn là mình tốt theo cách riêng của mình. Cha mẹ không phải để ý tại sao con nhà người ta 9, con mình có 8. Tôi không bao giờ để ý đến điểm của con vì có thể bạn học xuất sắc hơn con môn đó nên điểm cao hơn là đương nhiên.
Tôi nghĩ các bậc phụ huynh cũng nên bớt áp lực, bớt kỳ vọng vào con mình. Tôi nghĩ thế này, mình cứ ép con chín sớm thì liệu con còn đam mê để phát triển tiếp hay không? Kinh nghiệm của tôi khi là giáo viên, có những trường hợp đầu vào vừa phải nhưng chúng tôi phát hiện em đó rất thông minh và lớp 12 đạt giải học sinh giỏi quốc gia. Có bạn đầu vào cao nhưng học nhiều đến giai đoạn bão hoà thì không thể tiếp nhận thêm kiến thức. Không phải con học kém đi mà không còn sự đặc sắc nữa.
Cha mẹ đừng ép con nhiều quá. Ở cấp 1 có thể nhiều bạn mải chơi, cấp 2 chưa chăm nhưng cấp 3 lại tỏa sáng. Nhồi kiến thức từ cấp 1 khiến con sợ, như chúng ta ăn món gì quá mức sẽ ngấy".
Đi lên từ giáo viên dạy tiếng Anh và trở thành hiệu trưởng, có thể thấy cô Dương luôn tạo mối quan hệ với học sinh và phụ huynh rất thân thiết, như người một nhà. Tuy nhiên, thời gian qua dư luận khá lo ngại về vị thế của người thầy khi thầy đánh trò, trò đánh thầy, phụ huynh "dằn mặt" giáo viên... Trước vấn đề này, cô Dương bày tỏ: "Trước đây chúng tôi đi dạy khi sự phát triển của mạng xã hội, của internet nên học sinh chỉ đến trường để gặp các thầy cô và giao lưu với bạn bè. Bây giờ thực sự chúng ta rất khó khăn để trở thành người bạn của học sinh. Các em có thế giới riêng, thậm chí giờ ngoại khóa mỗi em một cái điện thoại. Vì vậy những thầy cô giáo đang đứng trên bục giảng trong những năm gần đây và về sau nữa áp lực sẽ rất nhiều.
Vì sao phụ huynh lại muốn con em vào trường Ams? Có phụ huynh nói rằng, họ không cần con đạt giải quốc gia mà đơn giản vì trường có nhiều hoạt động để con được tham gia. Học sinh Ams vẫn sử dụng điện thoại nhưng các em chủ yếu dùng để tra cứu thông tin mang ý nghĩa tích cực. Sự kết nối giữa giáo viên và học sinh cũng chặt chẽ hơn. Các em học đều nhau nên có sự tương đồng và hiểu nhau khi tham gia các hoạt động. Chúng ta hay nói trường học hạnh phúc, mỗi ngày đến trường là một ngày vui, câu này không phải mới nhưng để thực hiện được là một thử thách lớn với giáo viên và nhà trường".