Ngày 11/5, Chính phủ ban hành Nghị quyết 69/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của Nghị quyết 69 này đối với Hội Nông dân và tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam hiện nay?
- Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 69/NQ-CP ngày 11/5/2024 với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể đã thể hiện rõ sự quan tâm của Chính phủ đối với công tác Hội, phong trào nông dân nói riêng và đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung, qua đó đưa tinh thần, nội dung Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị đi vào thực tiễn đời sống xã hội.
Trong Nghị quyết 69, Chính phủ đã chỉ đạo, phân công nhiệm vụ rất cụ thể đối với các Bộ, ngành liên quan để thực hiện; đồng thời đề nghị Hội Nông dân Việt Nam thực hiện, phối hợp với các cơ quan thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ cụ thể. Đặc biệt là đã xác định rõ danh mục các chương trình, đề án cần triển khai thực hiện, phân công trách triệm cho các Bộ, ngành, địa phương cũng như trách nhiệm của Trung ương Hội trong xây dựng các đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức thực hiện.
Như vậy có thể thấy, Nghị quyết 69 của Chính phủ là cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành, Hội Nông dân Việt Nam và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng như thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Ban Chấp hành Trung ương Hội cũng đã ban hành Chương trình hành động số 04-CTr/HNDTW ngày 08/3/2024 thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam với 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm thứ 3 là: Tổ chức nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, thí điểm tổ chức cho hội viên, nông dân tham gia đánh giá.
Theo đánh giá của ông, việc Hội Nông dân Việt Nam xây dựng bộ chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với hội viên, nông dân?
-Có thể nói việc nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với Hội Nông dân Việt Nam, được Bộ Chính trị chỉ đạo tại Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023; đồng thời Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ số này.
Như chúng ta đã biết, tình trạng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, thậm chí là hàng giả diễn ra rất phức tạp; không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất, chất lượng nông sản mà còn tác động xấu đến môi trường đất, làm suy thoái chất lượng đất sản xuất nông nghiệp, gây hậu quả lâu dài đối với sản xuất, đồng thời ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, việc nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp trước hết là nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nông dân nói chung và hội viên nông dân nói riêng trong quá trình sản xuất.
Sau khi bộ chỉ số được xây dựng và đưa vào áp dụng, thông qua kết quả đánh giá, Hội Nông dân Việt Nam sẽ có những khuyến cáo để nông dân có thể lựa chọn được sản phẩm dịch vụ, vật tư đầu vào có chất lượng tốt nhất; đồng thời qua đó cung cấp thông tin, đưa ra những khuyến nghị đối với các cơ quan chức năng nhằm quản lý tốt hơn, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất.
Mặt khác, thông qua việc xây dựng, áp dụng bộ chỉ số sẽ góp phần bảo vệ những doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ làm ăn chân chính, hợp pháp; bảo vệ, nâng cao uy tín cũng như quảng bá những dịch vụ có chất lượng tốt của các doanh nghiệp, nhà cung cấp. Đồng thời qua đó không chỉ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất đối với nông dân mà còn tạo sự bình đẳng, minh bạch trong hoạt động cung cấp dịch vụ.
Nhưng cũng phải nói rằng, bộ chỉ số này không nhằm mục đích khẳng định hay phê phán chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp của các đơn vị cung cấp mà thay vào đó là tìm hiểu, lý giải vì sao có những đơn vị cung cấp dịch vụ, vật tư nông nghiệp được người nông dân tin dùng và sử dụng. Từ đó cung cấp thông tin hữu ích cho người nông dân trong việc lựa chọn sản phẩm đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và cung cấp thông tin đối với các cơ quan chức năng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong nông nghiệp; đồng thời phát huy vai trò tham gia giám sát các hoạt động kinh tế - xã hội ở địa phương.
-Ban Kinh tế được Ban Thường vụ Trung ương Hội giao tham mưu xây dựng bộ chỉ số và phối hợp với Văn phòng Trung ương Hội tổ chức thí điểm đánh giá trên nền tảng App Nông dân Việt Nam. Theo kế hoạch năm 2024, việc nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ số được thực hiện trong quý II-III và tổ chức thí điểm đánh giá trong quý IV.
Để thực hiện, từ tháng 4 đến nay chúng tôi đang tập trung thu thập các thông tin, tài liệu, các văn bản có liên quan phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số; đồng thời tổng hợp, nghiên cứu các tài liệu để định hướng xây dựng.
Theo dự kiến, trước mắt chúng tôi sẽ nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số để thí điểm đánh giá đối với 1 loại sản phẩm (có thể là phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật) theo nguyên tắc "vết dầu loang", có nghĩa là từ đánh giá 1 loại sản phẩm sau đó nhân rộng đến nhiều loại sản phẩm, thí điểm đánh giá trên cơ sở một số chỉ tiêu cơ bản với các chỉ số đánh giá, sau đó mở rộng, bổ sung, hoàn thiện bộ chỉ tiêu và chỉ số đánh giá.
Do đó, hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu, đề xuất một số chỉ tiêu cơ bản kèm theo các chỉ số đánh giá, xác định trọng số, thang điểm, phương pháp đánh giá… Sau khi đề xuất dự thảo ban đầu mang tính thể hiện ý tưởng, chúng tôi sẽ mời một số chuyên gia, nhà khoa học am hiểu về lĩnh vực nghiên cứu để trao đổi, tham vấn ý kiến; sau đó sẽ tổ chức hội thảo, gửi lấy ý kiến góp ý của một số cơ quan chuyên môn. Đồng thời chúng tôi sẽ mời một số chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin để trao đổi, tham vấn trong việc ứng dụng công nghệ để đánh giá.
Việc xây dựng bộ chỉ số, đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư nông nghiệp là rất quan trọng và có ý nghĩa với cán bộ, hội viên nông dân và Hội Nông dân cả nước. Thực tế, đây cũng là một việc rất khó. Vậy trong quá trình thực hiện, việc xây dựng bộ chỉ số, đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư nông nghiệp có gặp những khó khăn, thuận lợi gì, thưa ông?
Có thể nói đây là một việc khó bởi vì hiện nay có rất nhiều chủng loại giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trong nông nghiệp, trong khi đối với mỗi loại lại có những tiêu chuẩn, quy định sản xuất khác nhau, có quy chuẩn chất lượng khác nhau. Do đó không thể xây dựng chỉ số đánh giá cho từng loại sản phẩm mà đòi hỏi phải khái quát hóa, chỉ số đánh giá phải mang tính tổng hợp để đánh giá đối với một nhóm sản phẩm.
Đồng thời có chỉ số đánh giá dễ dàng nhưng cũng có chỉ số sẽ khó đánh giá đối với người nông dân, nhất là khi kiến thức, trình độ am hiểu của nhiều nông dân còn hạn chế.
Ví dụ, để đo lường mức độ hài lòng của nông dân đối với một loại sản phẩm phân bón, có nhiều chỉ số để đánh giá, trong đó có những chỉ số có thể dễ đánh giá như thương hiệu sản phẩm bởi vì nếu là thương hiệu nổi tiếng thì người nông dân sẽ dễ dàng nhận biết được nhưng cũng có chỉ số mà người nông dân sẽ khó đánh giá như về công nghệ sản xuất hay so sánh về hàm lượng chất dinh dưỡng… Do đó chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu để xác định các chỉ số, phương pháp đánh giá phù hợp để người nông dân dễ dàng tham gia đánh giá.
Mặc dù đây là việc khó như đã nói ở trên, nhưng trong quá trình thực hiện cũng có những thuận lợi đó là ngay từ đầu năm Ban Thường vụ Trung ương Hội đã chỉ đạo, xác định rõ lộ trình thời gian thực hiện để chúng tôi chủ động triển khai nghiên cứu. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Trung ương Hội, đặc biệt là những ý kiến chỉ đạo mang tính định hướng nghiên cứu của đồng chí Chủ tịch BCH Trung ương Hội.
Đồng thời qua trao đổi với một số chuyên gia ở các cơ quan liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, sẵn sàng cung cấp các thông tin, tài liệu và tham gia nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số. Do đó chúng tôi tin tưởng rằng sẽ thực hiện hoàn thành nhiệm vụ này theo đúng kế hoạch đặt ra.
Với vai trò là một trong những đơn vị tham mưu cho Ban Thường vụ Trung ương Hội để thực hiện Nghị quyết 69 của Chính phủ, trong thời gian tới, với nhiệm vụ chuyên môn của mình, Ban Kinh tế Trung ương Hội sẽ có những chương trình, kết hoạch cụ thể nào để thực hiện Nghị quyết 69 của Chính phủ, Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị?
Để thực hiện các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam, năm 2024, cũng như thực hiện Chương trình công tác trọng tâm năm 2024 của Ban Thường vụ Trung ương Hội, thực hiện Nghị quyết 69 của Chính phủ; Ban Kinh tế đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ công chức, phân công lãnh đạo Ban phụ trách triển khai, có lộ trình, thời gian hoàn thành rõ ràng theo từng tháng, từng quý; trong đó trọng tâm tham mưu các nhiệm vụ sau:
- Xây dựng, ban hành quy trình hướng dẫn thành lập mô hình câu lạc bộ "Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi". Chúng tôi đã hoàn thành dự thảo, lấy ý kiến và chỉnh sửa theo góp ý của các Ban, đơn vị Trung ương Hội, đang tổ chức lấy ý kiến góp ý của các tỉnh, thành Hội và sẽ hoàn thành ban hành trong tháng 5/2024.
- Xây dựng, ban hành quy trình hướng dẫn thành lập hợp tác xã nông nghiệp. Hiện đã hoàn thành dự thảo, đang tổ chức xin ý kiến của một số chuyên gia; trong tháng 5 sẽ tổ chức lấy ý kiến của các Ban, đơn vị Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội, dự kiến hoàn thành và ban hành trong tháng 6/2024.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã xây dựng Đề án thí điểm "Hỗ trợ xây dựng mô hình chi Hội Nông dân nghề nghiệp phát triển thành hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, bền vững giai đoạn 2024-2025". Sau khi được cấp kinh phí, sẽ tổ chức triển khai tại 5 tỉnh đại diện theo các cụm thi đua, làm hình mẫu để cán bộ, hội viên nông dân thăm quan, học tập và nhân rộng mô hình. Đồng thời hiện nay chúng tôi đang tập trung triển khai các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ, hội viên nông dân về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
- Nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp. Kế hoạch thực hiện như tôi vừa trình bày ở trên.
- Tổng kết Nghị quyết số 29-NQ/HNDTW ngày 04/7/2016 của BCH Trung ương Hội khóa VI về "Nâng cao chất lượng Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020", ban hành Nghị quyết mới. Thời gian hoàn thành trong quý IV/2024.
- Ngoài ra, chúng tôi sẽ tập trung tham mưu triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2024 cũng như các nhiệm vụ khác theo sự chỉ đạo, phân công của Đảng đoàn, Ban Thường vụ và Thường trực Trung ương Hội.
Xin trân trọng cảm ơn ông!