Dân Việt

TP.HCM dự kiến chi 650 tỷ đồng lắp đặt điện mặt trời áp mái tại 440 đơn vị trụ sở công, hiệu quả ra sao?

Chinh Hoàng 17/05/2024 11:08 GMT+7
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết, TP dự kiến chi 650 tỷ đồng để lắp đặt điện mặt trời áp mái tại 440 đơn vị trụ sở công với tổng công suất lắp đặt khoảng 43,312 MWp. Thời gian qua đã có thí điểm tại một số quận, huyện, vậy tính hiệu quả ra sao?

Tính hiệu quả khi lắp đặt điện mặt trời áp mái tại trụ sở công TP.HCM

Ông Nguyễn Phương Duy, Phó trưởng phòng Quản lý năng lượng Sở Công Thương TP.HCM cho biết, quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư dự kiến: Tổng số trụ sở các cơ quan, đơn vị ở TP.HCM là 440 trụ sở với tổng công suất lắp đặt khoảng 43,312 MWp, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 650 tỷ đồng (số lượng trụ sở, công suất lắp đặt và tổng mức đầu tư sẽ được chuẩn xác trong quá trình lập dự án đầu tư). 

Những đơn vị này bao gồm: Quân đội, 65 trụ sở với tổng công suất 5,4MWp; Công an, 72 trụ sở với tổng công suất 6,529MWp; Bệnh viện, 57 trụ sở với tổng công suất 9,588MWp; Sở, ban ngành, UBND các quận huyện và các đơn vị khác, 246 trụ sở với công suất 21,795 MWp.

TP.HCM dự kiến chi 650 tỷ đồng lắp đặt điện mặt trời áp mái tại 440 đơn vị trụ sở công, hiệu quả ra sao?- Ảnh 1.

Điện năng lượng mặt trời áp mái tại trụ sở công TP.HCM vừa thì điểm một số quận huyện có hiệu quả là tiết kiệm chi phí. Ảnh: Minh họa

“Thời gian thu hồi vốn hệ thống điện mặt trời mái nhà khoảng 5 - 7 năm, thông qua việc giảm chi phí chi thường xuyên để thanh toán tiền điện của các cơ quan, đơn vị. Đối chiếu với tuổi thọ hệ thống pin khoảng trên 20 năm thì việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà đảm bảo hiệu quả đầu tư”, ông Duy nói.

Nói thêm về tính hiệu quả thời gian qua TP.HCM đã thí điểm tại một số quận huyện về điện áp mái, ông Duy cho hay: Về triển khai thí điểm hệ thống điện mặt trời mái nhà được UBND TP chấp thuận chủ trương tại Công văn số 3061/VP-KT ngày 15/4/2020 về lắp đặt thí điểm hệ thống điện mặt trời nối lưới cho cơ quan hành chính.

Hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái lắp đặt tại trụ sở Sở Công Thương với tổng công suất hệ thống 21 Kwp, chi phí đầu tư 550.000.000 đồng. Hiệu quả đầu tư: tiền điện trước khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà năm 2020 là 344.440.000 đồng, sau khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà thì tiền điện năm 2021 là 199.748.114 đồng, năm 2022 là 213.988.390 đồng. Trung bình 1 năm tiền điện tiết kiệm được khoảng 130.000.000 đồng.

Hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái lắp đặt tại trụ sở UBND quận 3, tổng công suất hệ thống 31,04 kWp, với chi phí đầu tư khoảng 750.000.000 đồng. Hiệu quả, trước khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tiền điện mỗi tháng khoảng 93.000.000 đồng/tháng. Sau khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tiền điện mỗi tháng còn 85.000.000 đồng/tháng. Trung bình mỗi năm tiền điện tiết kiệm được khoảng 93.000.000 đồng.

Tính toán của Sở Công Thương TP.HCM cho thấy, thành phố có tiềm năng phát triển loại nguồn điện này khoảng 5.081 MW đến 2030. Trong đó, công suất có thể lắp tại các cơ quan hành chính sự nghiệp là hơn 166 MW.

Theo số liệu của Tổng công ty Điện lực TP.HCM, đến cuối 2022, thành phố có trên 14.150 hệ thống điện mặt trời mái nhà, công suất hơn 355 MW, chiếm khoảng 7% tổng công suất nguồn điện. Gần 99% trong số này được lắp đặt để sử dụng tại chỗ. Từ đầu 2021 đến nay, việc ký hợp đồng mua bán loại điện này tạm dừng để chờ cơ chế mới của Chính phủ.