Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 8 của Luật Nhà ở, khi mua căn hộ chung cư, cá nhân sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp sổ hồng. Tuy nhiên, điều kiện để được cấp sổ hồng là căn hộ phải là nhà ở có sẵn.
Còn tại khoản 7, Điều 26 Luật Nhà ở và khoản 4, Điều 13 Luật Kinh doanh bất động sản quy định, thời hạn để chủ đầu tư xây dựng dự án chung cư thương mại phải xin cấp sổ hồng cho người mua là 50 ngày kể từ ngày bàn giao căn hộ chung cư. Trừ trường hợp người mua tự đề nghị để bản thân đi làm thủ tục cấp sổ.
Theo luật sư Thơ, việc chủ đầu tư chậm cấp sổ hồng cho người mua chung cư là một vấn đề phổ biến và đáng quan tâm trong lĩnh vực bất động sản. Người mua chung cư thường mong muốn sở hữu sổ hồng để khẳng định quyền sở hữu và tận hưởng đầy đủ quyền lợi từ căn hộ đã mua.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chủ đầu tư có thể gặp khó khăn hoặc trì hoãn quá trình cấp sổ hồng, khiến khách hàng lo lắng về tình trạng pháp lý của căn hộ mình mua.
Vì vậy, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi chủ đầu tư chậm thực hiện thủ tục cấp sổ, người mua cần xử lý theo hướng sau:
Làm đơn kiến nghị với thanh tra xây dựng hoặc UBND cấp có thẩm quyền để xử lý hành vi vi phạm của chủ đầu tư.
Nếu trong hợp đồng có điều khoản phạt vi phạm khi chậm thực hiện thủ tục cấp sổ hoặc người mua có thiệt hại do hành vi chậm thực hiện, có thể yêu cầu chủ đầu tư thực hiện theo điều khoản đã thỏa thuận hoặc khởi kiện.
Vị luật sư lưu ý, khi gặp tình huống chủ đầu tư chậm cấp sổ, người mua cần đưa ra những bước hành động thích hợp chứ không nên vội vàng.
Đầu tiên, nên nắm vững quyền lợi và nghĩa vụ của mình theo hợp đồng mua bán. Tiếp theo, tìm hiểu kỹ về quy trình và thời gian cấp sổ hồng theo quy định của pháp luật. Nếu chủ đầu tư vi phạm cam kết, người mua có thể yêu cầu giải quyết tranh chấp thông qua phương án hòa giải, đàm phán hoặc thông qua cơ quan pháp luật.
Trong trường hợp thật cần thiết, hai bên không tìm được tiếng nói chung, người mua mới tiến hành khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình. Vì kiện tụng rất mất thời gian.
Đối với trường hợp cơ quan Nhà nước chậm cấp sổ hồng, luật sư Thơ cho biết, nếu người mua chung cư tự thực hiện thủ tục cấp sổ, thời gian được quy định như sau:
Cơ quan có thẩm quyền cấp sổ cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức đầu tư xây dựng không quá 15 ngày theo khoản 40, Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP.
Thời gian trên không tính thời gian ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Nếu hai bên có sự thỏa thuận khác mà trách nhiệm làm thủ tục cấp sổ được giao cho bên người mua hoặc người thuê mua nhà ở tự nguyện, chủ đầu tư phải có trách nhiệm cung cấp hồ sơ và các giấy tờ pháp lý có liên quan để thủ tục này diễn ra nhanh chóng.
Như vậy, cá nhân nếu nhận thấy chung cư khi thực hiện mua bán có đầy đủ các yếu tố được cấp sổ hồng nhưng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cấp sổ là do cơ quan Nhà nước gây khó khăn, cố tình kéo dài thời gian, trì hoãn thủ tục này có thể nộp đơn khiếu nại tại cơ quan có thẩm quyền cấp sổ hồng chung cư.
Nếu cơ quan này vẫn từ chối và trả lời bằng văn bản giải thích lý do, có thể tiến hành khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính này.
Ngoài ra, vị luật sư cho biết, Điều 31, Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định, tính từ ngày bàn giao nhà ở, đất cho người mua, hoặc kể từ thời điểm người mua đã thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận mà chủ đầu tư chậm làm sổ hồng cho cư dân sẽ bị phạt hành chính.
Cụ thể, trường hợp chậm bàn giao sổ đỏ, sổ hồng cho người mua nhà từ sau 50 ngày đến 6 tháng sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng; chậm từ 6 đến 9 tháng bị phạt tiền từ 30 triệu đến 300 triệu đồng; từ 9 tháng đến 12 tháng bị phạt tiền từ 50 triệu đến 500 triệu đồng; từ 1 năm trở lên bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng.