Mới đây, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) gửi công văn đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố nêu thời gian qua trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh về người đàn ông được gọi là sư Minh Tuệ. Trong trang phục như tu sĩ Phật giáo, người này đi bộ từ Nam ra Bắc và ngược lại.
Trong văn bản ban hành ngày 16/5, Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, người được mạng xã hội gọi là "sư Thích Minh Tuệ" không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Sau khi văn bản trên được đưa ra đã gây xôn xao dư luận, thu về nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, ông Minh Tuệ có thể tu tại gia, vẫn là theo Phật pháp không nên đưa ra thông cáo như vậy.
Trước ý kiến thắc mắc này, Thượng tọa Thích Đức Thiện đã liên tiếng về mục đích chính của thông báo trên. Cụ thể, GHPGVN luôn hướng dẫn, cổ vũ, khuyến tấn và tạo điều kiện thuận lợi cho Tăng Ni, Phật tử và mọi người trong xã hội bài tỏ niềm tin, thực hành pháp giáo, kính ngưỡng, phụng hành lời dạy của Đức phật, tu tập các giáo môn của đạo Phật theo đúng chính pháp, giới luật Phật chế cũng như phải tuân thủ theo pháp luật Nhà nước.
"Giáo hội tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng như quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng tôn giáo, thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo của tất cả người dân. Đồng thời, Giáo hội có trách nhiệm xử lý các tổ chức, cá nhân có những phát ngôn, thông tin truyền thông có nội dung xuyên tạc, thiếu chính xác, thiếu khách quan liên quan đến Phật giáo và GHPGVN. Tu tập hạnh đầu đà là một trong số các pháp môn mà người tu học Phật pháp thực hành. Hiện nay, những Tăng Ni GHPGVN đang thực hành hạnh đầu đà, tu khổ hạnh tại các chùa, cơ sở tự viện theo đúng Chánh pháp và quy định của pháp luật", Thượng tọa Thích Đức Thiện nhấn mạnh.
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho hay, đối với trường hợp bộ hành của ông Lê Anh Tú đã bị các Tiktokers, Youtuber lợi dụng đẩy hình ảnh câu views và đưa ra nhiều bình luận xúc phạm tới đạo Phật và GHPGVN. Đây là vấn nạn câu views lợi dụng hình ảnh Phật giáo rất cần chấn chỉnh.
"Do đó, Giáo hội có thông báo để tránh biến tướng đồng hóa với Phật giáo như một vài trường hợp đáng tiếc: "5 chú tiểu", các "nhà sư" ở Long An tham gia các trò chơi giải trí "Thách thức danh hài", ca hát… nổi sóng dư luận thời gian dài", Thượng tọa Thích Đức Thiện thông tin.
Đồng quan điểm trên, trao đổi với PV Dân Việt, Thượng tọa Thích Thanh Huân, Phó chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, xét bình diện nhiều người cho ông Minh Tuệ là sư, bản thân ông Minh Tuệ không nhận mình là sư mà chỉ nhận là công dân.
"Một vài năm trở lại đây xuất hiện một số chuyện không đáng có, từ việc nhỏ thành lớn quá tầm gây ảnh hưởng không nhỏ đến GHPGVN. Truyền thông như con dao hai lưỡi, nhiều Youtuber đưa lên mạng xã hội hút nhiều người xem tạo thành làn sóng. Hiện tượng xã hội nhìn vào chung dân trí chạy theo số đông, không có định hướng trong nhận thức của người dân. Nếu Giáo hội không có văn bản thì nhiều người cũng không biết đó có phải là tu sĩ hay không. Nếu Giáo hội ứng xử không khéo thì thành hiện tượng rộ lên, trở nên dư luận không hay", Thượng tọa Thích Thanh Huân nêu rõ.
Về hiện tượng "sư Thích Minh Tuệ", Thượng tọa Thích Thanh Huân cho biết, GHPGVN không cấm, nhưng nếu khuyến khích sẽ rất khó trong quản lý Nhà nước, tổ chức giáo hội để quản lý con người.
"Việc quản lý vì bản thân các tăng sĩ có vai trò và ảnh hưởng nhất định trong xã hội, nếu không quản lý trở thành tự do, không phải văn hóa của mình và rất dễ bị lợi dụng, không như Ấn Độ hay nước đa tôn giáo, đa văn hóa. Nếu để tự do các đạo nổi lên như nấm thì không thể quản lý được.
Vài năm năm trở lại đây nhiều đạo lạ, chưa kể những tà đạo hình thành ảnh hưởng đến xã hội, răn dạy mang tính chất mê muội con người. Chính vì thế phía Nhà nước, chính quyền địa phương cần có quản lý xã hội tốt. Hiện tượng ông Minh Tuệ không gì đáng rầm rầm rộ nhưng do tác động của nhiều mặt, một phần nhìn nhận xã hội hiện nay liên quan đến Phật giáo, vị này nhiều người nghĩ nhiều tới Đạo phật hơn các đạo khác và cho rằng đây là vị thầy", Thượng tọa Thích Thanh Huân nói thêm.
Ngày 16/5, Ban Tôn giáo Chính phủ có gửi văn bản tới các Ban/Phòng Tôn giáo (Sở Nội vụ) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về trường hợp ông Thích Minh Tuệ - nổi tiếng trên mạng xã hội vì mặc trang phục mang hình thức như tu sĩ Phật giáo, đi bộ từ Nam ra Bắc, rồi từ Bắc vào Nam. Theo bước đầu xác minh, ông Thích Minh Tuệ tên thật là Lê Anh Tú (sinh năm 1981 tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), không phải là tu sĩ Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trước đây, ông Thích Minh Tuệ đã ba lần đi bộ theo hình thức thực hành phương pháp tu tập "hạnh đầu đà" nhưng không thu hút sự quan tâm của nhiều người.